Nghị quyết 45-NQ/TW năm 2005 về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước do Bộ Chính trị ban hành

Số hiệu 45-NQ/TW
Ngày ban hành 17/02/2005
Ngày có hiệu lực 17/02/2005
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Bộ Chính trị
Người ký Nông Đức Mạnh
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

BỘ CHÍNH TRỊ
--------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 45-NQ/TW

Hà Nội, ngày 17 tháng 02 năm 2005

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ TRONG THỜI KỲ CÔNG NGHIỆP HOÁ, HIỆN ĐẠI HOÁ ĐẤT NƯỚC

I- Tình hình xây dựng và phát triển thành phố

1- Cần Thơ là thành phố giàu tiềm năng, có lịch sử hình thành khá lâu đời, giữ vai trò rất quan trọng cả về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, là động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Nhân dân Cần Thơ giàu lòng yêu nước và cách mạng, có truyền thống lịch sử rất đáng tự hào. Trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, Cần Thơ có vị trí chiến lược quan trọng, đóng góp to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong sự nghiệp đổi mới và xây dựng đất nước, Cần Thơ đã và đang tiếp tục phát huy truyền thống, đoàn kết nhất trí, khắc phục khó khăn, quyết tâm xây dựng và phát triển thành phố, góp phần tích cực đối với sự phát triển của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Xây dựng và phát triển nhanh, toàn diện thành phố Cần Thơ có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

2- Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng bộ tỉnh, Đảng bộ tỉnh Cần Thơ, nay là thành phố Cần Thơ đã luôn đoàn kết, phát huy tốt các nguồn lực, đổi mới công tác lãnh đạo, điều hành, khắc phục khó khăn, giành được những kết quả quan trọng và tương đối toàn diện. Tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, nhiều chỉ tiêu đạt và vượt mức kế hoạch; các mặt xã hội đều có bước phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện; an ninh - quốc phòng được bảo đảm; công tác xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể đạt nhiều kết quả tích cực.

Một năm qua, kể từ khi chia tách tỉnh, kế thừa thành tựu đã đạt được, Đảng bộ và nhân dân thành phố Cần Thơ đã sớm ổn định tổ chức, triển khai nhanh các nhiệm vụ, tiếp tục đạt nhiều tiến bộ mới trên các mặt.

Những thành tựu trên đây là tiền đề để thành phố vươn lên hoàn thành vượt mức các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng bộ tỉnh đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, từng bước xác lập vai trò trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long và đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển của đất nước.

Bên cạnh những thành tựu đạt được, thành phố Cần Thơ cũng còn một số mặt yếu kém cần ra sức khắc phục :

Trước hết, kinh tế phát triển chưa thực sự vững chắc, chưa tương xứng với tiềm năng và vị thế của thành phố, quy mô còn nhỏ, chất lượng và hiệu quả chưa cao; cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm, tỉ trọng nông nghiệp trong GDP còn cao, các ngành công nghiệp, dịch vụ có giá trị gia tăng lớn chậm phát triển; khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế còn yếu, chưa có sản phẩm chủ lực và ngành kinh tế mũi nhọn. Tuy tốc độ phát triển đạt khá cao nhưng chất lượng phát triển, các chỉ tiêu về GDP, xuất nhập khẩu tính trên đầu người... đều còn thấp so với các thành phố Đà Nẵng, Hải Phòng và một số tỉnh khác.

Tiềm năng của các thành phần kinh tế chưa được phát huy tốt. Tỉ lệ huy động vốn đầu tư xã hội còn quá thấp so với bình quân chung cả nước và các thành phố trực thuộc Trung ương.

Vai trò trung tâm, sức lan toả và thu hút của Cần Thơ đối với kinh tế trong vùng còn hạn chế.

Một số vấn đề xã hội bức xúc chưa được giải quyết tốt, như giải quyết việc làm cho người lao động, tệ nạn xã hội, trật tự đô thị, an toàn giao thông, môi trường. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội còn lạc hậu, trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực còn rất thấp.

Công tác xây dựng Đảng, nhất là ở cấp cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới. Đội ngũ cán bộ còn nhiều bất cập. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở cơ sở có mặt còn yếu kém, cần tiếp tục củng cố và tăng cường.

Những yếu kém trên do một số nguyên nhân chủ yếu sau :

- Việc xác định và nhận thức về vị trí, vai trò của thành phố Cần Thơ còn chậm và chưa đầy đủ. Công tác quy hoạch và đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội và các ngành kinh tế mũi nhọn để tạo điều kiện cho thành phố phát huy được vai trò trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long chưa được chú ý đúng mức. Các nguồn lực cho đầu tư phát triển chưa được khai thác tốt.

- Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của một số cấp uỷ, chính quyền chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là cán bộ trẻ còn hạn chế.

II- Phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2020

1- Thành phố Cần Thơ bước vào thời kỳ phát triển mới trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và cơ hội lớn, nhưng cũng có nhiều thách thức gay gắt, nhất là trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Đảng bộ và nhân dân thành phố cần tiếp tục quán triệt và vận dụng tốt Nghị quyết Đại hội IX của Đảng, Nghị quyết 21-NQ/TW, ngày 20-01-2003 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2001 - 2010 vào điều kiện cụ thể của mình. Trên cơ sở đó, phấn đấu xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trở thành thành phố đồng bằng cấp quốc gia văn minh, hiện đại, xanh, sạch, đẹp, xứng đáng là thành phố cửa ngõ của cả vùng hạ lưu sông Mê Kông; là trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ, du lịch, trung tâm giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, trung tâm y tế và văn hoá, là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng đồng bằng sông Cửu Long và của cả nước.

Cần Thơ phải phấn đấu là một trong những địa phương đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá để trở thành đô thị loại I trước năm 2010 và cơ bản trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020, là một cực phát triển, đóng vai trò động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển của toàn vùng.

2- Để thực hiện phương hướng và mục tiêu trên, Đảng bộ thành phố cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt các nhiệm vụ sau :

2.1- Làm tốt công tác quy hoạch xây dựng thành phố theo hướng văn minh, hiện đại.

2.2- Tận dụng mọi cơ hội, khai thác, phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế với tốc độ nhanh, bền vững, có hiệu quả và có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế; chuyển dịch nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp công nghệ cao.

- Bổ sung, điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp thành phố theo hướng ưu tiên phát triển các ngành, các sản phẩm có giá trị gia tăng lớn, hàm lượng tri thức, khoa học - công nghệ cao, ít gây ô nhiễm. Trước mắt, coi trọng phát triển một số ngành công nghiệp thu hút nhiều lao động để giải quyết việc làm; ưu tiên công nghiệp chế biến, sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp năng lượng và công nghiệp điện tử, tin học, cơ khí phục vụ nông nghiệp, thuỷ sản, cơ khí đóng tàu và những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

- Phát triển mạnh các ngành dịch vụ như : giao thông - vận tải, bưu chính - viễn thông, thương mại, tài chính, tín dụng, bảo hiểm, khoa học - công nghệ... để từng bước trở thành trung tâm dịch vụ lớn của vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

- Tiến hành quy hoạch phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, hướng mạnh vào xuất khẩu và cung cấp dịch vụ nông nghiệp công nghệ cao; coi trọng phát triển công nghệ sinh học và tạo giống; cung cấp các sản phẩm truyền thống chất lượng cao, xây dựng nhiều thương hiệu đặc sản nông nghiệp của thành phố.

[...]