Nghị định 20/1998/NĐ-CP về phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc

Số hiệu 20/1998/NĐ-CP
Ngày ban hành 31/03/1998
Ngày có hiệu lực 15/04/1998
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 20/1998/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 31 tháng 3 năm 1998

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 20/1998/NĐ-CP NGÀY 31 THÁNG 3 NĂM 1998 VỀ PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI MIỀN NÚI, HẢI ĐẢO VÀ VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Thương mại ngày 10 tháng 5 năm 1997;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Thương mại,

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng và phạm vi điều chỉnh.

Nghị định này quy định các chính sách đối với thương nhân hoạt động thương mại tại địa bàn miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc, chính sách cung ứng và tiêu thụ các mặt hàng thiết yếu có ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của đồng bào các dân tộc sinh sống, hoạt động trên địa bàn miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc.

Điều 2. Áp dụng những quy định có liên quan.

Ngoài các chính sách quy định tại Nghị định này, thương nhân hoạt động trên địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc còn được hưởng các chính sách ưu đãi khác theo quy định của pháp luật có liên quan.

Chương 2:

KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI MIỀN NÚI, HẢI ĐẢO VÀ VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC

Điều 3. Khuyến khích phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc.

Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để mọi tổ chức, cá nhân, không phân biệt thành phần kinh tế tham gia vào việc phát triển thương mại ở địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc. Xây dựng mối liên kết kinh tế giữa các doanh nghiệp nhà nước với doanh nghiệp nhà nước, giữa các doanh nghiệp nhà nước với thương nhân thuộc các thành phần kinh tế khác, tạo ra hệ thống các kênh lưu thông hàng hóa thông suốt từ sản xuất đến tiêu thụ.

Điều 4. Xây dựng chợ và cửa hàng thương nghiệp nhà nước hoặc hợp tác xã thương mại - dịch vụ.

Khuyến khích xây dựng chợ có cửa hàng mua, bán hàng hóa của thương nghiệp nhà nước hoặc hợp tác xã thương mại dịch vụ tại các cụm xã trên địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc. Việc xây dựng chợ ở cụm xã phải gắn với quy hoạch, kế hoạch xây dựng trung tâm cụm xã, phù hợp với sự phân bố và mật độ dân cư ở địa bàn để chợ thực sự trở thành trung tâm giao dịch, tiếp xúc, mua bán hàng hóa của nhân dân trong vùng, tạo điều kiện thúc đẩy giao lưu hàng hóa ở từng địa phương miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc và giữa các vùng trong từng khu vực.

Điều 5. Cụm xã thuộc Chương trình xây dựng trung tâm cụm xã miền núi, vùng cao.

Đối với các cụm xã thuộc Chương trình xây dựng trung tâm cụm xã miền núi, vùng cao theo Quyết định số 35/TTg ngày 13 tháng 1 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ cần ưu tiên đầu tư xây dựng chợ trong bước 1 của mỗi dự án để hình thành ngay từ đầu địa điểm giao dịch, trao đổi, mua bán hàng hóa của nhân dân, tạo tiền đề cho việc mở rộng giao lưu hàng hóa, kích thích phát triển sản xuất, góp phần vào việc cải thiện, nâng cao đời sống của nhân dân miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc.

Điều 6. Cụm xã chưa thuộc Chương trình xây dựng trung tâm cụm xã miền núi, vùng cao.

Đối với các cụm xã chưa thuộc Chương trình xây dựng trung tâm cụm xã miền núi, vùng cao theo Quyết định 35/TTg ngày 13 tháng 1 năm 1997 của Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, xác định những cụm xã cần thiết phải đầu tư xây dựng chợ, bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương đầu tư cho các cụm xã này xây dựng chợ với quy mô thích hợp.

Điều 7. Xây dựng chợ ở thành phố, thị xã, thị trấn trên địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc.

Đối với các thành phố, thị xã, thị trấn và những địa bàn ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc có đường giao thông thuận tiện, kinh tế đã có sự phát triển nhất định thì ủy ban nhân dân tỉnh vận dụng các hình thức thích hợp để huy động vốn từ người kinh doanh, hoặc từ nguồn tín dụng nhà nước cho vay vốn trung và dài hạn với lãi suất ưu đãi, kết hợp với phần hỗ trợ của ngân sách Nhà nước để đầu tư xây dựng chợ và các cơ sở vật chất khác phục vụ hoạt động thương mại. Tiền bán, cho thuê địa điểm kinh doanh trong chợ và các nguồn thu hợp pháp khác từ chợ là nguồn để chi trả cho các khoản vốn huy động nói trên.

Điều 8. Giao đất, thuê đất và miễn giảm tiền thuê đất.

1. Nhà nước giao đất cho các tổ chức để xây dựng chợ thuộc địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thì không thu tiền sử dụng đất.

2. Thương nhân thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động thương mại thuộc địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc được Nhà nước ưu tiên giao đất, cho thuê đất ở những vị trí, địa điểm thuận lợi cho yêu cầu kinh doanh, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và thực hiện quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất khi thuê đất theo quy định tại Điều 13, Điều 14 của Nghị định 85/CP ngày 17 tháng 2 năm 1996 của Chính phủ.

3. Thương nhân kinh doanh ở khu vực II được miễn tiền thuê đất trong 5 năm đầu và được giảm 50% tiền thuê đất trong 5 năm tiếp theo kể từ khi ký hợp đồng thuê đất.

4. Thương nhân kinh doanh ở khu vực III được miễn tiền thuê đất xây dựng, mở rộng cơ sở kinh doanh.

Điều 9. Miễn, giảm thuế doanh thu và thuế lợi tức.

1. Thương nhân kinh doanh tại khu vực III thuộc địa bàn miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc được giảm 50% thuế doanh thu phải nộp trong thời hạn 4 năm kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, hoặc kể từ tháng có doanh thu chịu thuế đối với những thương nhân mới bổ sung hoặc mới đăng ký kinh doanh sau ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành; được miễn thuế lợi tức trong thời hạn 4 năm đầu kể từ khi có lợi nhuận chịu thuế và được giảm 50% thuế lợi tức phải nộp trong thời hạn 7 năm tiếp theo, nếu sử dụng số lao động bình quân trong năm từ 20 người trở lên thì được giảm thêm 50% số thuế lợi tức phải nộp trong 2 năm nữa.

[...]