Quyết định 52/2003/QĐ-BNN Quy định về Khảo nghiệm và công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới; Quy định về Đặt tên giống cây trồng mới do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 52/2003/QĐ-BNN
Ngày ban hành 02/04/2003
Ngày có hiệu lực 20/05/2003
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Bùi Bá Bổng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 52/2003/QĐ-BNN

Hà Nội, ngày 02 tháng 04 năm 2003 

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V: BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ KHẢO NGHIỆM VÀ CÔNG NHẬN GIỐNG CÂY TRỒNG NÔNG NGHIỆP MỚI; QUY ĐỊNH VỀ ĐẶT TÊN GIỐNG CÂY TRỒNG MỚI

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 73/CP ngày 01 tháng 11 năm 1995 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 07/CP ngày 05 tháng 02 năm 1996 của Chính phủ “Về quản  lý giống cây trồng”; Thông tư số 02/NN-KNKL/TT ngày 01 tháng 03 năm  1997 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành "Thông tư hướng dẫn thi hành Nghị  định 07/ CP của Chính phủ về quản lý giống cây trồng"; Thông tư số 62/2001/TT- BNN ngày 05 tháng 06 năm  2001 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc ban hành "Thông tư hướng dẫn việc xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thuộc diện quản lý chuyên ngành nông nghiệp theo Quyết định 46/2001/QĐ-TTg ngày 4 ngày 4 ngày 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá thời kỳ 2001-2005;
Xét đề nghị của Ông Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và CLSP, Cục trưởng Cục Khuyến nông - Khuyến lâm.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành:

- Quy định về Khảo nghiệm và công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới;

- Quy định về Đặt tên giống cây trồng mới.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng công báo. Những văn bản trước đây trái với văn bản này đều bãi bỏ.

Điều 3: Các Ông Chánh văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và CLSP, Cục trưởng Cục Khuyến nông - Khuyến lâm, Thủ trưởng và các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm  thi hành Quyết định này.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
THỨ TRƯỞNG




Bùi Bá Bổng

 

QUY ĐỊNH

VỀ KHẢO NGHIỆM VÀ CÔNG NHẬN GIỐNG CÂY TRỒNG NÔNG NGHIỆP MỚI
( Ban hành kèm theo Quyết định số52/2003/QĐ-/BNN ngày 02 tháng 4 năm 2003 )

Điều 1: Mục đích

1.1. Quy định này xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan; trình tự, thủ tục khảo nghiệm và công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới, nhằm tăng cường quản lý nhà nước về công tác khảo nghiệm và công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới.

1.2. Khảo nghiệm và công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới nhằm xây dựng Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả và hạn chế thấp nhất rủi ro cho nông dân khi sử dụng giống mới.

Điều 2: Đối tượng và phạm vi áp dụng

- Đối tượng áp dụng là tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động khảo nghiệm và công nhận giống cây trồng nông nghiệp mới.

- Phạm vi áp dụng đối với tất cả các giống cây trồng nông nghiệp mới được chọn tạo trong nước hoặc nhập nội, trước khi sản xuất đại trà phải được khảo nghiệm và công nhận để đưa vào Danh mục giống cây trồng được phép sản xuất kinh doanh.

Điều 3: Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

3.1. Khảo nghiệm quốc gia (Official Testing): Là hình thức khảo nghiệm do các cơ quan chuyên môn được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận hoặc chỉ định (gọi tắt là cơ quan khảo nghiệm) tiến hành đối với các giống cây trồng mới của mọi tổ chức, cá nhân theo quy phạm thống nhất.

3.2. Khảo nghiệm tác giả (Breeder Testing): Là hình thức khảo nghiệm do tổ chức, cá nhân tự thực hiện theo quy phạm thống nhất, dưới sự giám sát của cơ quan có thẩm quyền.

3.3. Khảo nghiệm DUS: Là quá trình đánh giá tính khác biệt (Distinctness), tính đồng nhất (Uniformity), tính ổn định (Stability) của giống mới theo Quy phạm khảo nghiệm DUS đối với từng loài cây trồng.

3.4. Khảo nghiệm VCU: Là quá trình đánh giá giá trị canh tác và sử dụng (Value of Cultivation and Use) của giống mới theo Quy phạm khảo nghiệm VCU đối với từng loài cây trồng. Giá trị canh tác và sử dụng của giống mới là các đặc tính liên quan đến  năng suất, chất lượng, tính chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất thuận, khả năng sản xuất hạt giống...

3.5. Giống công nhận tạm thời (trước đây gọi là giống khu vực hoá): Là giống cây trồng nông nghiệp mới đã qua khảo nghiệm quốc gia hoặc tác giả, đáp ứng tiêu chuẩn, được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận tạm thời.

[...]