Thông tư 2-NN/KNKL/TT-1997 thi hành Nghị định 07/CP về quản lý giống cây trồng do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 2-NN/KNKL/TT
Ngày ban hành 01/03/1997
Ngày có hiệu lực 01/03/1997
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Ngô Thế Dân
Lĩnh vực Sở hữu trí tuệ,Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 2-NN/KNKL/TT

Hà Nội, ngày 01 tháng 3 năm 1997

 

THÔNG TƯ

CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN SỐ 02-NN/KNKL/TT NGÀY 1 THÁNG 3 NĂM 1997 HƯỚNG DẪN THI HÀNH NGHỊ ĐỊNH SỐ 07/CP CỦA CHÍNH PHỦ VỀ QUẢN LÝ GIỐNG CÂY TRỒNG

Căn cứ vào Điều 25 của Nghị định số 07/CP ngày 5/2/1996 của Chính phủ về Quản lý giống cây trồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn cụ thể thi hành Nghị định này như sau:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

1. Thuật ngữ về giống cây trồng và nguồn gen nêu trong Nghị định được giải thích, cụ thể hoá thêm một số điểm như sau:

a) Giống cây trồng thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này bao gồm cả các thực liệu dùng để lai tạo, chọn lọc, nhân và sử dụng trong sản xuất nông lâm nghiệp: hạt, củ, quả, rễ, thân, cành, lá, cây con, mắt ghép, chồi, hoa, mô tế bào, bào tử và sợi nấm.

b) Giống gốc (hay còn gọi là giống tác giả, trong lâm nghiệp gọi là cây mẹ) khi được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận mới được nhân tiếp làm giống cho sản xuất đại trà.

c) Giống nguyên chủng là giống được nhân ra từ giống gốc hoặc tuyển chọn lại từ giống sản xuất theo quy trình sản xuất giống nguyên chủng và đạt tiêu chuẩn chất lượng giống nguyên chủng.

Các tổ hợp ưu thế lai được sử dụng trong sản xuất cũng được gọi là giống (giống lai). Hạt của giống lai không dùng làm giống cho đời sau.

2. Đối tượng thực hiện Nghị định 07/CP của Chính phủ về quản lý giống cây trồng là các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động trong các lĩnh vực bảo tồn nguồn gen; nghiên cứu chọn tạo giống; khảo nghiệm, công nhận giống mới; sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu giống; quản lý nhà nước về giống, quản lý chất lượng và sử dụng giống cây trồng trên lãnh thổ Việt Nam.

Chương 2:

QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN GEN

1. Nguồn gen dùng để chọn tạo giống mới và sử dụng trong sản xuất nông lâm nghiệp là tài sản quốc gia do Nhà nước thống nhất quản lý. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Vụ Khoa học Công nghệ và Chất lượng sản phẩm) quản lý nguồn gen trong phạm vi cả nước.

2. Tuỳ từng loại thực liệu về giống cây nông lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Vụ Khoa học Công nghệ và chất lượng sản phẩm) sẽ giao cho các cơ quan nghiên cứu khoa học hoặc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi tắt là cấp tỉnh) bảo tồn (có văn bản riêng quy định danh mục thực liệu giống cây và phân cấp quản lý).

3. Nguồn gen giống cây trồng nông lâm nghiệp đưa vào Việt nam dưới mọi hình thức đều phải báo cáo với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Vụ Khoa học Công nghệ và chất lượng sản phẩm) về nguồn gốc, số lượng, chủng loại và nơi bảo quản. Khi được phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới được khai thác và sử dụng.

4. Việc bảo tồn, khai thác, sử dụng và trao đổi nguồn gen thực hiện theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Chương 3:

TUYỂN CHỌN, KHẢO NGHIỆM, XÉT DUYỆT VÀ CÔNG NHẬN GIỐNG

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Vụ Khoa học Công nghệ và Chất lượng sản phẩm) quản lý nhà nước về chọn tạo, khảo nghiệm và sản xuất thử các loại cây giống. Hàng năm, Hội đồng khoa học của Bộ tổ chức xét duyệt các loại giống cây trồng nông lâm nghiệp mới, các cây giống, vườn giống và rừng giống hoặc rừng giống chuyển hoá để trình Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định công nhận.

2. Tất cả các loại giống cây trồng mới chọn tạo hoặc mới nhập khẩu trước khi đưa ra sản xuất đều phải qua khảo nghiệm hoặc sản xuất thử. Tổ chức, cá nhân có giống mới phải làm thủ tục xin khảo nghiệm hoặc sản xuất thử và đăng ký với Vụ Khoa học Công nghệ và Chất lượng sản phẩm. Vụ Khoa học Công nghệ và Chất lượng sản phẩm chỉ định đơn vị tiến hành khảo nghiệm hoặc sản xuất thử. Kinh phí khảo nghiệm và sản xuất thử do tổ chức, cá nhân gửi giống chịu trách nhiệm theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Các giống công nhận riêng cho một vùng sinh thái khi chuyển sang vùng khác phải qua sản xuất thử. Giống đang dùng trong sản xuất đại trà khi xuất hiện những nhược điểm gây thiệt hại đến sản xuất thì Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ra quyết định đình chỉ sản xuất.

4. Với các giống chưa được công nhận, muốn sản xuất một lượng giống nhất định phải được phép của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

5. Tổ chức, cá nhân có giống cây nông lâm nghiệp mới được đăng ký với Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường để giữ bản quyền theo luật định.

Chương 4:

SẢN XUẤT, KINH DOANH, XUẤT NHẬP KHẨU GIỐNG

1. Tổ chức, cá nhân sản xuất giống để bán phải có giấy phép của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Cục khuyến nông và khuyến lâm) cấp giấy phép đối với các tổ chức thuộc trung ương quản lý và các tổ chức, cá nhân người nước ngoài hoặc liên doanh với người nước ngoài sản xuất giống tại Việt Nam. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp tỉnh cấp giấy phép cho các tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi cấp tỉnh quản lý.

2. Tổ chức, cá nhân sản xuất giống phải bảo đảm các điều kiện sau đây:

[...]