NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 07-CP NGÀY 05 THÁNG 02 NĂM 1996 VỀ QUẢN LÝ
GIỐNG CÂY TRỒNG
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Để tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về giống cây trồng, nhằm nâng cao
năng suất, chất lượng và nhân nhanh các giống tốt phục vụ sản xuất;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1.-
Trong Nghị định này, những thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1.- Giống cây trồng là tập hợp
các cây nông nghiệp, lâm nghiệp cùng một loài có sự đồng nhất về di truyền, có
những đặc điểm khác biệt với các cây trồng cùng loài về một hay nhiều đặc tính
và khi sinh sản (hữu tính hay vô tính) vẫn giữ được các đặc tính đó.
2.- Giống bao gồm các nguyên liệu
sinh sản của thực vật dùng trong sản xuất nông lâm nghiệp như: hạt, củ, rễ,
thân, lá, cây con, mắt ghép, cành ghép, chồi hoa, bao tử hoặc sợi nấm dùng để
làm giống;
3.- Giống địa phương là giống đã
tồn tại lâu đời và tương đối ổn định tại địa phương có những đặc trưng, đặc
tính khác biệt với các giống khác và di truyền được cho đời sau.
4.- Giống gốc (hay còn được gọi
là giống tác giả) là giống do tác giả chọn lọc, lai tạo hoặc lấy từ quỹ gen có
tính di truyền ổn định.
5.- Giống nguyên chủng là giống
được nhân ra từ giống gốc theo đúng quy trình sản xuất giống nguyên chủng và đạt
tiêu chuẩn chất lượng quy định của Nhà nước để nhân tiếp cho các đời sau.
6.- Giống xác nhận (hay còn gọi
là giống thương mại) là giống của đời cuối cùng của giống nguyên chủng để đưa
ra sản xuất đại trà và không dùng làm giống cho đời sau.
7.- Nguồn gen (Quỹ gen) là nguồn
thực liệu của các loài giống cây trồng và cây hoang dại được bảo quản để sử dụng
trong công tác chọn tạo giống.
Điều 2.-
Nhà nước thống nhất quản lý giống cây trồng bao gồm việc bảo hộ, bồi dục, phát
triển tài nguyên giống, quản lý kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu giống nhằm
không ngừng nâng cao chất lượng giống cây trồng.
Điều 3.-
Nhà nước khuyến khích và bảo hộ quyền lợi hợp pháp của các tổ chức, cá nhân ở
trong nước và nước ngoài hoạt động nghiên cứu, chọn tạo, nhập khẩu, sản xuất và
kinh doanh giống cây trồng trên lãnh thổ Việt Nam.
Điều 4.-
Nhà nước đầu tư vốn ngân sách vào việc:
1/ Tăng cường cơ sở vật chất, bảo
đảm hoạt động của các cơ quan, đơn vị của Nhà nước làm nhiệm vụ bảo tồn nguồn
gen cây trồng chọn tạo và quản lý chất lượng giống cây trồng.
2/ Đào tạo cán bộ chuyên ngành
làm nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen cây trồng, chọn tạo, khảo nghiệm, bảo quản, sản
xuất kinh doanh giống cây trồng.
Điều 5.-
Nhà nước lập quỹ giống dự phòng thiên tai một số cây trồng quan trọng mang tính
thời vụ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm quản lý quỹ giống
dự phòng. Việc sử dụng quỹ giống dự phòng này do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Điều 6.-
Nhà nước có chính sách giảm thuế cho sản xuất giống gốc, giống nguyên chủng và
giống mới chọn tạo hoặc mới nhập khẩu theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương.
Điều 7.-
Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng được vay vốn tín dụng
với lãi suất phù hợp; thời gian vay theo chu kỳ sản xuất của từng loại cây trồng.
Điều 8.-
Nguồn gen (hay nguồn thực liệu) để chọn tạo giống là tài sản quốc gia do Nhà nước
thống nhất quản lý và đầu tư để thu thập, bảo quản tại các cơ quan nghiên cứu
khoa học được chỉ định. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân tìm kiếm
khai thác, sử dụng, trao đổi, bảo vệ và làm phong phú thêm nguồn gen có lợi cho
quốc kế dân sinh.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát
triển Nông thôn quy định danh mục các nguồn gen quý hiếm và quy chế quản lý việc
trao đổi, khai thác, sử dụng nguồn gen trong danh mục này.
Điều 9.-
Giống cây trồng mới chọn tạo hoặc mới nhập khẩu trước khi đưa vào sản xuất đại
trà phải qua khảo nghiệm hoặc sản xuất thử.
Các tổ chức, cá nhân có giống khảo
nghiệm hoặc sản xuất thử phải đăng ký với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn về tên giống, nguồn gốc, đặc tính của giống, địa điểm sản xuất thử, quy
trình sản xuất và phải báo cáo kết quả với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn.
Căn cứ vào kết quả sản xuất thử,
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quyết định cho phép khu vực
hoá hoặc cho phép đưa vào sản xuất.
Điều 10.-
Người tạo ra giống mới được đăng ký với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường để
được giữ bản quyền theo quy định của pháp luật.
Điều 11.-
Tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế sản xuất, kinh doanh giống cây trồng
phải bảo đảm các điều kiện sản xuất giống đúng quy trình kỹ thuật của mỗi cấp
giống (giống gốc, giống nguyên chủng, giống xác nhận) phải có giấy phép sản xuất
giống cây trồng của cơ quan nông nghiệp có thẩm quyền theo quy định của Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 12.-
Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân có điều
kiện hợp tác với các tổ chức, cá nhân nước ngoài sản xuất và chọn tạo giống cây
trồng phù hợp với yêu cầu của sản xuất.
Điều 13.-
Tất cả các loại giống bán ra thị trường phải gắn nhãn, có phiếu kiểm tra chất
lượng đúng với từng cấp giống.
Hạt giống bán ra trên thị trường
phải đóng bao bì đúng quy cách.
Nghiêm cấm mọi hành vi sản xuất
và buôn bán giống giả, giống kém phẩm chất, giống bị lẫn, giống có mầm mống sâu
bệnh và giống chưa được công nhận.
Điều 14.-
Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh giống cây trồng phải hoạt động đúng giấy
phép đã được cấp và chịu sự kiểm tra của cơ quan quản lý chất lượng của Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 15.-
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu giống cây trồng phải thực hiện đúng quy định về nhập
khẩu hàng hoá và pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
Hồ sơ xin nhập khẩu giống do Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ thương mại quy định.
Trong thời hạn 15 ngày - kể từ
ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ
Thương mại phải giải quyết, nếu không chấp thuận thì phải trả lời bằng văn bản.
Điều 16.-
Các giống cây trồng nhập vào Việt Nam dưới mọi hình thức quà tặng, viện trợ hoặc
các hình thức khác đều phải thực hiện đúng Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật.
Trong phạm vi 15 ngày kể từ ngày
giống nhập vào Việt Nam; tổ chức, cá nhân tiếp nhận giống phải báo cáo với Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 17.-
Tổ chức, cá nhân nhập khẩu giống cây trồng có lợi cho sản xuất, được Bộ trưởng
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận thì được khen thưởng. Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Tài chính quy định cụ thể hình
thức và mức độ khen thưởng đối với trường hợp này.
Các cơ sở nghiên cứu và sản xuất
giống cây trồng khi nhập giống gốc, giống nguyên chủng thì được miễn thuế nhập
khẩu.
Điều 18.-
Tổ chức, cá nhân có nhu cầu xuất nhập khẩu giống cây trồng phải làm thủ tục
theo quy định của pháp luật đối với xuất khẩu nông sản hàng hoá và phải nộp lệ
phí theo qui định hiện hành.
Điều 19.-
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qui định danh mục giống cây trồng
quí hiếm và nguồn thực liệu tạo giống không được xuất ra nước ngoài và công bố
vào từng thời kỳ.
Trong trường hợp đặc biệt được
xuất khẩu thì Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng
Chính phủ quyết định.
Điều 20.-
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện quản lý nhà nước về
giống cây trồng trong phạm vị cả nước bao gồm các khâu: sưu tập, bảo tồn quỹ
gen, nghiên cứu, chọn tạo giống, khảo nghiệm, sản xuất thử, công nhận giống mới,
sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, kiểm định, kiểm dịch, quản lý chất lượng
giống cây trồng và có trách nhiệm tổ chức chỉ đạo các hoạt động về giống cây trồng
trong phạm vi quản lý của mình:
1.- Trình Chính phủ hoặc Thủ tướng
Chính phủ ban hành các văn bản pháp quy về chính sách, chế độ quản lý nguồn gen
và giống cây trồng; ban hành các văn bản để chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các địa
phương cơ sở và cá nhân thi hành các quy định về quản lý giống cây trồng, ban
hành quy trình, quy phạm kỹ thuật thuộc thẩm quyền về giống cây trồng;
2.- Xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam
về giống cây trồng để trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.
3.- Xét cấp hoặc đề nghị cơ quan
có thẩm quyền xét cấp hoặc thu hồi các giấy chứng nhận giống cây mới, các giấy
phép liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, nhập khẩu
giống cây trồng theo Nghị định này;
4.- Ban hành quy định về khảo
nghiệm, kiểm nghiệm giống, sản xuất thử, về lưu giữ, bảo quản, giám định các
nguồn thực liệu tạo giống hoặc giống mới nhập; thành lập hoặc chỉ định cơ quan
nghiên cứu khoa học thực hiện các hoạt động trên;
5.- Lập quy hoạch, kế hoạch xây
dựng hệ thống giống cây trồng trong phạm vi cả nước; trình Chính phủ kế hoạch đầu
tư, hỗ trợ cho việc nghiên cứu, lai tạo, phổ cập giống mới và nâng cao phẩm cấp
giống;
6.- Xây dựng và thẩm định các dự
án hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giống cây trồng;
7.- Kiểm tra, thanh tra và xử lý
các hành vi vi phạm về quản lý giống cây trồng trong phạm vi cả nước.
Điều 21.-
Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thực hiện
và chỉ đạo các hoạt động quản lý giống cây trồng thông qua hệ thống quản lý Nhà
nước của ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn như sau:
1. Tổ chức quản lý giống cây trồng
trong phạm vi địa phương theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn;
2. Ban hành các văn bản hướng dẫn
thực hiện việc quản lý Nhà nước về giống cây trồng tại địa phương;
3. Quyết định việc xét cấp hoặc
thu hồi giấy phép kinh doanh giống cây trồng tại địa phương trong phạm vi thẩm
quyền của mình;
4. Kiểm tra và xử lý theo thẩm
quyền các hành vi vi phạm về quản lý giống cây trồng ở địa phương.
Điều 22.-
Các cấp quản lý ngành nông nghiệp từ Trung ương đến các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương phải tổ chức kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất chất lượng các loại
giống cây trồng và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện bản Nghị định này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn quy định chế độ kiểm tra, thanh tra giống cây trồng và phân cấp tổ chức
việc kiểm tra thường xuyên và kiểm tra đột xuất.
Điều 23.-
Tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài có hoạt động liên quan đến giống cây trồng
trên lãnh thổ Việt Nam phải tuân theo Nghị định này.
Điều 24.-
Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc quản lý giống cây trồng chọn lọc, bồi
dục tài nguyên giống, tạo giống mới, nhân nhanh giống, chỉ đạo phát triển giống
tốt trong sản xuất sẽ được khen thưởng.
Người có hành vi vi phạm Nghị định
này tuỳ theo mức độ gây thiệt hại cho Nhà nước và cho các tổ chức, cá nhân sẽ bị
xử phạt và bồi thường vật chất theo quy định của pháp luật.
Điều 25.-
Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Những quy định trước đây trái với Nghị
định này đều bãi bỏ.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn phối hợp với các cơ quan có liên quan hướng dẫn và đôn đốc, kiểm tra
thi hành Nghị định này.
Điều 26.-
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ,
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm
thi hành Nghị định này.