Quyết định 1108/QĐ-BGTVT năm 2013 phê duyệt Quy hoạch chi tiết hệ thống cảng Đường thủy nội địa khu vực phía Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 1108/QĐ-BGTVT
Ngày ban hành 26/04/2013
Ngày có hiệu lực 26/04/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Đinh La Thăng
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1108/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 26 tháng 04 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT HỆ THỐNG CẢNG ĐƯỜNG THỦY NỘI ĐỊA KHU VỰC PHÍA NAM ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20/12/2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch phát triển tổng thể kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 về sửa đổi, bổ sung một số điểm của Nghị định 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 1071/QĐ-BGTVT ngày 24/4/2013 của Bộ GTVT phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải Đường thủy nội địa Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Xét tờ trình số 327/TTr-CĐTNĐ ngày 11/3/2013 của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam trình phê duyệt Quy hoạch chi tiết hệ thống cảng đường thủy nội địa khu vực phía Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chi tiết hệ thống cảng Đường thủy nội địa (ĐTNĐ) khu vực phía Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:

I. Phạm vi quy hoạch

Hệ thống cảng ĐTNĐ khu vực phía Nam bao gồm các cảng ĐTNĐ vùng Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.

II. Quan điểm và mục tiêu phát triển

1. Quan điểm phát triển

- Phát triển hệ thống cảng ĐTNĐ khu vực phía Nam phù hợp với Chiến lược phát triển GTVT, Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT Đường thủy nội địa Việt Nam, đáp ứng được yêu cầu hàng hóa, hành khách thông qua trong từng thời kỳ;

- Phát triển hệ thống cảng đảm bảo kết nối vận tải ĐTNĐ với các phương thức vận tải khác. Đầu tư đồng bộ giữa cảng, luồng tàu, đội tàu, công nghệ quản lý và bốc xếp. Đảm bảo xây dựng hệ thống cảng hiện đại, bền vững, gắn với đảm bảo an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường;

- Huy động mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, khai thác cảng, chủ yếu theo các hình thức đầu tư BO, BOT và cho thuê công trình hạ tầng hiện có;

- Bên cạnh đầu tư phát triển, coi trọng công tác duy tu, bảo trì để tăng tuổi thọ công trình, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư và an toàn khai thác.

2. Mục tiêu phát triển

a) Đến năm 2020

- Xây dựng hệ thống cảng hàng hóa và cảng hành khách đáp ứng nhu cầu thông qua khối lượng hàng hóa và hành khách, đến năm 2020 là 32,6 triệu tấn/năm và 29,0 triệu lượt hành khách/năm;

- Từng bước hiện đại hóa hệ thống cảng, đảm bảo nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ và đáp ứng yêu cầu kết nối với vận tải đường bộ, đường biển, đường sắt, từng bước đáp ứng yêu cầu của dịch vụ logistics.

b) Định hướng đến năm 2030

- Tiếp tục đầu tư nâng cấp mở rộng hệ thống cảng ĐTNĐ khu vực phía Nam. Hiện đại hóa công tác quản lý và xếp dỡ, nâng cao chất lượng dịch vụ, đảm bảo nhanh chóng, an toàn, thuận tiện, giá cả hợp lý.

- Lượng hàng hóa thông qua đến năm 2030 dự kiến;

Đối với cảng hàng hóa:             52,5 triệu tấn/năm;

Đối với cảng hành khách:          42,55 triệu lượt hành khách/năm.

III. Quy hoạch chi tiết đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

[...]