Quyết định 4818/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt Đề án hình thành và phát huy các Hội đồng phát triển các ngành kinh tế giai đoạn 2020-2025 do thành phố Hồ Chí Minh ban hành

Số hiệu 4818/QĐ-UBND
Ngày ban hành 31/12/2020
Ngày có hiệu lực 31/12/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hồ Chí Minh
Người ký Võ Văn Hoan
Lĩnh vực Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4818/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 31 tháng 12 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN HÌNH THÀNH VÀ PHÁT HUY CÁC HỘI ĐỒNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH KINH TẾ GIAI ĐOẠN 2020 - 2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

Căn cứ Quyết định số 2631/QĐ-TTg ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025;

Căn cứ Quyết định số 27/2018/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt hệ thống ngành kinh tế Việt Nam;

Căn cứ Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND ngày 08 tháng 3 năm 2019 của Ủy ban nhân dân Thành phố về ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố;

Căn cứ Thông báo số 5504-TB/TU ngày 17 tháng 8 năm 2020 kết luận của Ban Thường vụ Thành ủy về Đề án hình thành và phát huy các Hội đồng phát triển các ngành kinh tế giai đoạn 2020 - 2025;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 9407/TTr-SKHĐT ngày 14 tháng 12 năm 2020.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này “Đề án hình thành và phát huy các Hội đồng phát triển các ngành kinh tế giai đoạn 2020 - 2025”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các cơ quan đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thường trực Thành ủy (để báo cáo);
- Thường trực HĐND TP (để báo cáo);
- TTUB: CT, các PCT;
- VPUB: Các PCVP;
- Phòng TH, KT;
- Lưu: VT, (TH/Trào).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Văn Hoan

 

ĐỀ ÁN

HÌNH THÀNH VÀ PHÁT HUY CÁC HỘI ĐỒNG PHÁT TRIỂN CÁC NGÀNH KINH TẾ GIAI ĐOẠN 2020 – 2025
(Kèm theo Quyết định số 4818/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh)

Chương I

TỔNG QUAN VỀ ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT VIỆC XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế, có nguồn nhân lực chất lượng cao, các ngành nghề kinh tế phát triển đa dạng, tập trung các ngành nghề có hàm lượng khoa học - kỹ thuật, giá trị kinh tế cao; là đầu tàu, động lực, có sức hút và lan tỏa không chỉ đến Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà đến các vùng kinh tế khác trong cả nước. Trong những năm qua, kinh tế Thành phố liên tục tăng trưởng cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, các ngành có giá trị gia tăng và hàm lượng khoa học - công nghệ cao chiếm tỷ trọng ngày càng lớn, các nguồn lực xã hội được phát huy; quy mô kinh tế tiếp tục được mở rộng; vị trí, vai trò của Thành phố đối với Vùng và cả nước ngày càng được khẳng định, đóng góp tích cực vào quá trình hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Dù đạt được nhiều thành tựu to lớn trong phát triển, nhưng nhìn chung tăng trưởng kinh tế chưa tương xứng với vị trí, vai trò và tiềm năng của Thành phố. Chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh chưa cao, tỷ trọng các ngành công nghiệp và dịch vụ có giá trị gia tăng cao còn thấp. Nguyên nhân là do Thành phố ít có đột phá mạnh mẽ và kiến nghị với Trung ương để có cơ chế, chính sách phát huy tiềm năng, lợi thế; đồng thời chưa có chủ trương, biện pháp tạo sự đột phá trong thu hút đầu tư, thực hiện đối tác công tư... Trên bình diện cả nước, các chính sách đổi mới giúp tạo ra những động lực cho phát triển kinh tế trước đây cơ bản không còn dư địa để tiếp tục đổi mới. Cả nước nói chung và Thành phố nói riêng cần những đột phá mạnh mẽ đủ sức tiếp bước những thành công trong quá khứ, đủ sức tạo động lực để vượt qua các rào cản và định hình các khuôn khổ hướng tới thành công.

Bên cạnh các vấn đề nêu trên, cơ chế quản lý, xây dựng, triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế Thành phố vẫn theo cách làm cũ, chưa có sự đổi mới để thu hút được trí tuệ, kinh nghiệm của các tầng lớp nhân dân, các thành phần kinh tế cùng tham gia. Cụ thể việc xây dựng chính sách và điều hành phát triển kinh tế Thành phố trong thời gian vừa qua, đặc biệt là các ngành kinh tế chủ lực, mũi nhọn còn chủ yếu dựa vào bộ máy các cơ quan quản lý nhà nước, thiếu sự tham gia của các nhà khoa học, cộng đồng doanh nghiệp; dẫn đến các các chủ trương chính sách đôi khi còn có tính chung chung, thiếu các căn cứ biện chứng khoa học, chưa theo sát được với thực tiễn sự phát triển của thị trường và hoạt động của doanh nghiệp, ...nên còn bị động, chưa phát huy được hiệu quả cao khi triển khai thực hiện.

Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố đã có nhiều quan tâm đến hoạt động của các doanh nghiệp, các nhà khoa học; đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, hội nghị với sự tham gia của các trường, viện, doanh nghiệp ngành, nhà khoa học để trao đổi, thảo luận về các chủ trương, chính sách, cũng như việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, hoạt động này còn bị động; sự tham gia của các doanh nghiệp ngành, các cơ quan nghiên cứu khoa học, tổ chức tài chính trong việc nghiên cứu, xây dựng và phối hợp theo dõi quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển ngành còn rời rạc, chưa có sự kết nối. Đã có sự kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp, nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp nhưng hiệu quả chưa cao, cần có sự tham gia của chính quyền để gỡ rối về chính sách.

Do đó, việc hình thành và phát huy các Hội đồng phát triển các ngành kinh tế là cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước và các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu và tổ chức tài chính trong việc nghiên cứu, xây dựng và phối hợp theo dõi quá trình thực hiện các chủ trương, chính sách phát triển các ngành kinh tế trong thời gian tới, góp phần tích cực và có hiệu quả nhất đối với phát triển kinh tế - xã hội Thành phố. Theo đó, mỗi Hội đồng phát triển các ngành kinh tế bao gồm doanh nghiệp, nhà nghiên cứu, ngân hàng, chính quyền. Hội đồng họp định kỳ và trong các trường hợp cần thiết để: (i) tham gia góp ý việc xây dựng cơ chế, chính sách và điều hành phát triển kinh tế Thành phố, đặc biệt là các ngành kinh tế chủ lực, mũi nhọn chủ yếu; (ii) phối hợp theo dõi quá triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm kịp thời tổng hợp báo cáo Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách và đề xuất các giải pháp để điều chỉnh, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; (iii) lắng nghe, chia sẻ, cập nhật các thông tin mới có liên quan đến sự phát triển của ngành; tiếp nhận các ý kiến phản biện, góp ý chính sách từ những tổ chức, cá nhân có tâm huyết, có năng lực chuyên môn một cách bài bản, hiệu quả để từ đó xem xét việc tiếp tục tổ chức nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và kịp thời, kiến nghị điều chỉnh, bổ sung trong trường hợp cần thiết.

[...]