Quyết định 442/QĐ-UBND năm 2024 phê duyệt Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030

Số hiệu 442/QĐ-UBND
Ngày ban hành 23/08/2024
Ngày có hiệu lực 23/08/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Ninh
Người ký Ngô Tân Phượng
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 442/QĐ-UBND

Bắc Ninh, ngày 23 tháng 8 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ ỨNG DỤNG, CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO THÚC ĐẨY KINH TẾ TUẦN HOÀN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC NINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 569/QĐ-TTg ngày 11 tháng 5 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam;

Căn cứ Chương trình hành động số 41-CTr/TU ngày 25 tháng 11 năm 2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành về triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh;

Căn cứ Quyết định số 123/QĐ-UBND ngày 05 tháng 4 năm 2023 của UBND tỉnh ban hành Chương trình phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030;

Theo đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 45/SKHCN-TTr ngày 15 tháng 4 năm 2024.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030” ban hành kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Thủ trưởng các sở, ban, ngành thuộc UBND tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ KH&CN (b/c);
- TT Tỉnh uỷ; TT HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Báo BN, Đài PT&TH tỉnh, Cổng TTĐT;
- VPUBND tỉnh: LĐVP, XDCB, KTTH, NNTN;
- Lưu: VT.
.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Tân Phượng

 

ĐỀ ÁN

PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ ỨNG DỤNG, CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ TRONG SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ CAO THÚC ĐẨY KINH TẾ TUẦN HOÀN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 442/QĐ-UBND ngày 23/8/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Phần mở đầu

ĐẶT VẤN ĐỀ

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Kinh tế tuần hoàn là một mô hình khép kín, từ khâu khai thác tài nguyên - sản xuất - phân phối - tiêu dùng - khôi phục,… luôn có sự gắn kết với nhau. Trong đó, chất thải trong quá trình sản xuất - tiêu dùng được xử lý hoặc tái sử dụng một cách triệt để, dẫn đến việc bảo tồn các tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp được hiểu là quá trình sản xuất theo chu trình khép kín thông qua việc ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ sinh học, công nghệ hóa lý vào việc tái chế các chất thải, phế phụ phẩm để làm nguyên liệu đầu vào cho quá trình sản xuất, chế biến nông - lâm - ngư nghiệp. Trong điều kiện kinh tế xã hội ngày nay, đòi hỏi của con người đối với nông nghiệp ngày càng lớn. Các nhu cầu, yêu cầu về nông sản an toàn và dinh dưỡng, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sinh thái, kinh tế chất thải, bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, bảo tồn, thích ứng với biến đổi khí hậu, … góp phần quan trọng vào sự phát triển hiệu quả, bền vững kinh tế - xã hội và môi trường của các quốc gia. Do đó, phát triển kinh tế tuần hoàn là tất yếu để phục hồi và tái tạo tài nguyên, sử dụng hiệu quả phụ phẩm cây trồng, phát triển kinh tế nông nghiệp đa giá trị, giảm chất thải gây ô nhiễm môi trường.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đổi mới khoa học công nghệ được coi là một trong những giải pháp then chốt, trọng tâm. Ứng dụng khoa học và công nghệ (KH&CN) giải quyết các thách thức trong phát triển nông nghiệp bằng các tiến bộ của khoa học công nghệ như: Công nghệ sinh học, công nghệ nhà kính, công nghệ tưới nhỏ giọt, công nghệ cảm biến, tự động hóa, công nghệ phân tích không gian đa chỉ tiêu, ILWIS, GIS, công nghệ thế giới số,... giúp sản xuất nông nghiệp tiết kiệm chi phí, tăng năng suất, hạ giá thành và nâng cao chất lượng nông sản, bảo vệ môi trường. Mặt khác, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giúp nông dân chủ động trong sản xuất, cung cấp những yếu tố đủ và vừa cho từng đối tượng nông sản, tùy theo yêu cầu sản xuất, khắc phục được tính mùa vụ, giảm sự lệ thuộc vào thời tiết, khí hậu, đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng nông sản.

Trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Tỉnh Bắc Ninh đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp, kế hoạch để hỗ trợ phát triển nông nghiệp, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đến nay, kinh tế nông thôn của tỉnh có chuyển biến tích cực, đời sống của dân cư nông thôn đã được cải thiện; tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp giai đoạn 2009 - 2018 bình quân trên 3,5%/năm.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập như: Đầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất, nhất là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu rất lớn và kéo dài trong khi điều kiện khí hậu thời tiết, đất đai chưa thực sự thuận lợi, điều này dẫn đến tâm lý e ngại đầu tư sợ rủi ro. Mặt khác, chi phí đầu tư cho sản xuất lớn dẫn đến giá thành sản phẩm cao, gây khó khăn khi cạnh tranh trên thị trường; việc ứng dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đòi hỏi người nông dân phải có kiến thức sản xuất và trình độ nhất định. Đồng thời, thị trường tiêu thụ đầu ra của sản phẩm nông nghiệp không ổn định, xu hướng biến động giảm lớn nên người nông dân rất khó khăn trong ứng dụng KHCN vào sản xuất, nhất là sản xuất quy mô hàng hóa.

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XX đã đề ra phương hướng phát triển nông nghiệp toàn diện gắn với xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông sản. Tăng cường ứng dụng KH&CN vào sản xuất, chế biến, xây dựng thương hiệu và hỗ trợ kết nối cung - cầu trong tiêu thụ sản phẩm. Ưu tiên phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, liên kết chuỗi giá trị, gắn với thị trường tiêu thụ, thích ứng với biến đổi khí hậu. Gần đây nhất, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành TW Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu quan điểm “Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến,...; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn. Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường.

Để tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, giá trị cao tại các vùng sinh thái; thúc đẩy xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chú trọng đào tạo nhân lực quản trị và lao động có kỹ thuật, tay nghề cao, khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp, các trang trại, gia trại tăng cường ứng dụng KH&CN và phát huy nội lực để nâng cao năng suất chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản, đặc sản của Bắc Ninh - Kinh Bắc, khẳng định thương hiệu và quy mô sản xuất để phát triển thị phần trong nước và xuất khẩu,... việc xây dựng “Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030” là rất cần thiết.

[...]