Kế hoạch 532/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án phát triển khoa học và ứng dụng chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Đắk Nông

Số hiệu 532/KH-UBND
Ngày ban hành 09/08/2024
Ngày có hiệu lực 09/08/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Đắk Nông
Người ký Lê Trọng Yên
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 532/KH-UBND

Đắk Nông, ngày 09 tháng 8 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ ỨNG DỤNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ THÚC ĐẨY KINH TẾ TUẦN HOÀN TRONG NÔNG NGHIỆP ĐẾN NĂM 2030 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG

Thực hiện Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 19/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển khoa học và ứng dụng chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Đề án); Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích: Tuyên truyền, quán triệt sâu sắc, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 19/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển khoa học và ứng dụng chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030 gắn với các Chương trình, Đề án, Kế hoạch của tỉnh về phát triển nông nghiệp bền vững; phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển kinh tế tuần hoàn và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đắk Nông. Chuyển đổi mạnh mẽ tư duy, nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất giữa các cấp, các ngành và toàn xã hội trong thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh để tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, gia tăng giá trị sản xuất, bảo vệ môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

2. Yêu cầu: Căn cứ các nhiệm vụ, giải pháp tại Kế hoạch này, các Sở, Ban, ngành, địa phương các cấp và các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện đồng bộ với các chương trình, kế hoạch của tỉnh đã ban hành. Việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đảm bảo tính khoa học, đồng bộ, hiệu quả; thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát, báo cáo, đánh giá tiến độ đối với việc thực hiện các nhiệm vụ.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP

Các Sở, ngành, địa phương chủ động tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 19/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển khoa học và ứng dụng chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030; Chương trình số 45-CTr/TU ngày 07/9/2022 của Tỉnh ủy về việc Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 02/8/2013 của Tỉnh ủy Đắk Nông về phát triển khoa học và công nghệ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 643/KH-UBND ngày 08/11/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình số 45-CTr/TU ngày 07/9/2022 của Tỉnh ủy; Kế hoạch số 417/KH-UBND ngày 06/8/2020 của UBND tỉnh về phát triển khoa học và công nghệ tỉnh Đắk Nông phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đến năm 2030; Quyết định số 785/QĐ-UBND ngày 27/4/2022 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2035; Kế hoạch số 549/KH-UBND ngày 24/08/2023 của UBND tỉnh thực hiện phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2022- 2025, định hướng đến năm 2030 và các Chương trình, Đề án, Kế hoạch khác có liên quan. Trong đó, tập trung thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp sau:

1. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp về phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

Xây dựng Kế hoạch tổ chức các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, trách nhiệm về sản xuất nông nghiệp tuần hoàn cho các cấp, các ngành, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân để chuyển đổi tư duy từ sản xuất truyền thống phụ thuộc các yếu tố đầu vào, chưa quan tâm đến nguồn phụ phẩm và môi trường sang sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tái sử dụng tài nguyên hiệu quả và bền vững. Tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn, các buổi tọa đàm, đối thoại để người dân, doanh nghiệp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về sản xuất nông nghiệp tuần hoàn với các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan quản lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết và khả năng ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn trong sản xuất.

2. Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn

Thực hiện Thí điểm xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất tuần hoàn, mô hình thu gom, xử lý, tái sử dụng phụ phẩm nông nghiệp từ trồng trọt, chăn nuôi, sơ chế chế biến nông sản làm phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi, nhiên liệu, thực phẩm... gắn với liên kết chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm cho một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất hữu cơ gắn với truy xuất nguồn gốc và liên kết chuỗi giá trị (mô hình sản xuất cây trồng chủ lực của tỉnh theo hướng hữu cơ truy xuất nguồn gốc và liên kết chuỗi giá trị; mô hình thí điểm sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh từ phụ phẩm nông nghiệp; mô hình tưới tiên tiến tiết kiệm nước;...) thông qua thực hiện Đề án nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2035 được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 785/QĐ-UBND ngày 27/4/2022. Hàng năm, tổ chức hội nghị đánh giá kết quả các mô hình để làm cơ sở nhân rộng cho các giai đoạn tiếp theo.

3. Đào tạo tập huấn phát triển nguồn nhân lực về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

Tổ chức tập huấn, đào tạo kiến thức về kinh tế tuần hoàn cho cán bộ ngành nông nghiệp, người sản xuất phục vụ phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, nhất là trên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, sản phẩm tiềm năng của địa phương. Lồng ghép hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn kết hợp với kiến thức về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Tổ chức các hoạt động tham quan, học tập kinh nghiệm, nâng cao năng lực, kinh nghiệm, kỹ năng cho cán bộ quản lý, doanh nghiệp, Hợp tác xã, tổ hợp tác và người dân về xây dựng và phát triển sản xuất nông nghiệp tuần hoàn hiệu quả ngoài tỉnh để áp dụng vào thực tế sản xuất của địa phương.

4. Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, khoa học công nghệ trong phát triển nông nghiệp tuần hoàn

Xây dựng và thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ phát triển nông nghiệp tuần hoàn, trong đó chú trọng nghiên cứu các giải pháp, quy trình công nghệ tái chế, thu hồi, xử lý hiệu quả phụ phẩm trồng trọt, chất thải chăn nuôi, phụ phẩm từ hoạt động sơ chế, chế biến nông lâm sản, rác thải nhựa để tái sử dụng theo chu trình tuần hoàn nâng cao hiệu quả kinh tế, giảm thiểu phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường thông qua việc lồng ghép các nhiệm vụ, chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp bộ, cấp tỉnh và các chương trình, đề án khác có liên quan đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh.

5. Khuyến khích, hỗ trợ, thu hút đầu tư trong phát triển nông nghiệp tuần hoàn

Hỗ trợ, thu hút, khuyến khích, kêu gọi, hỗ trợ các doanh nghiệp có năng lực đầu tư khai thác, chế biến phụ phế phẩm nông nghiệp; xây dựng các nhà máy, cơ sở chế biến phụ phẩm nông nghiệp, sản xuất phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh từ phụ phẩm nông nghiệp; xây dựng các cơ sở thu gom xử lý thuốc bảo vệ thực vật...phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

6. Hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ đối với sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn

Hỗ xây dựng, đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, chứng nhận nguồn gốc, xuất xứ, mã số, mã vạch, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận chất lượng cho sản phẩm nông sản chủ lực, tiềm năng thế mạnh của tỉnh và các sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn để phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, quảng bá, tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn; tổ chức triển lãm, hội chợ, hỗ trợ đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử, các trang thông tin điện tử để giới thiệu quảng bá, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, đầu ra cho sản phẩm ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn trên địa bàn tỉnh.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN: Nguồn kinh phí thực hiện được bố trí từ nguồn Ngân sách nhà nước; kinh phí lồng ghép trong các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình phát triển khoa học và công nghệ và các chương trình, đề án, dự án có liên quan và các nguồn tài trợ, viện trợ, nguồn huy động hợp pháp khác từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa tổ chức triển khai thực hiện; định kỳ tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch hàng năm theo quy định và yêu cầu của cấp thẩm quyền.

2. Sở Tài chính phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị có liên quan xem xét, thẩm định, tham mưu cấp thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện trên cơ sở lồng ghép với kinh phí chi thường xuyên được giao hàng năm theo phân cấp ngân sách và các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư và các nguồn vốn hợp pháp khác (nếu có) để triển khai thực hiện phù hợp với quy định của Luật Đầu tư công và các quy định khác có liên quan.

4. Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các Sở, ngành, đơn vị có liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ tại địa phương về nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng các công nghệ, chuyển giao các sản phẩm khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

5. Các Sở, Ban, ngành, đoàn tỉnh và UBND các huyện, thành phố Gia Nghĩa chủ động xây dựng Kế hoạch chi tiết hoặc lồng ghép trong các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tại Kế hoạch này. Chủ động, tích cực đề xuất đặt hàng các nhiệm vụ nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ cấp tỉnh và tiếp nhận, sử dụng kết quả nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học và công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp theo quy định.

6. Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh chủ trì, phối hợp với các doanh nghiệp, Hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất nâng cao nhận thức, phát huy trách nhiệm xã hội đối với môi trường nói chung và chủ động tiếp cận ứng dụng nông nghiệp tuần hoàn trong sản xuất, kinh doanh. Chủ động trao đổi, đối thoại với các doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất nhằm nắm bắt nhu cầu, vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp, hợp tác xã, người sản xuất liên quan đến thực hiện nông nghiệp tuần hoàn.

[...]
4
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ