Kế hoạch 3091/KH-UBND năm 2024 triển khai Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đến năm 2030

Số hiệu 3091/KH-UBND
Ngày ban hành 30/07/2024
Ngày có hiệu lực 30/07/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Nguyễn Thanh Hải
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3091/KH-UBND

Phú Thọ, ngày 30 tháng 7 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ ỨNG DỤNG, CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ THÚC ĐẨY KINH TẾ TUẦN HOÀN TRONG NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ ĐẾN NĂM 2030

Thực hiện Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 19 tháng 6 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030; theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Văn bản số 1166/SNN-KTTH ngày 25 tháng 7 năm 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ ban hành Kế hoạch triển khai Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, với các nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai cụ thể hóa các nhiệm vụ, mục tiêu Đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn (KTTH) trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030;

- Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp (nông nghiệp tuần hoàn) góp phần khai thác, sử dụng phát huy hiệu quả tài nguyên, tái chế, nâng cao giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường, tạo việc làm và thúc đẩy kinh tế nông nghiệp xanh, phát triển nông nghiệp theo hướng sinh thái, tuần hoàn, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu;

- Phát huy vai trò, hiệu quả công tác nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo trong phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các công nghệ, quy trình sản xuất bền vững, tiên tiến, tiết kiệm tài nguyên gắn với bảo tồn và phát triển các sản phẩm chủ lực, đặc sản bản địa phát huy tiềm năng lợi thế của địa phương; đảm bảo sự phát triển hiệu quả, bền vững trong nông nghiệp. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm và sự chủ động tham gia phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp của các cấp, ngành, cộng đồng dân cư.

2. Yêu cầu

- Xác định rõ các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đảm bảo sát với thực tế, phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các tổ chức, cá nhân và người dân tham gia triển khai thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả;

- Huy động, lồng ghép có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án có cùng mục tiêu, các nguồn vốn hợp pháp khác, đảm bảo kinh phí thực hiện các nội dung, nhiệm vụ kế hoạch.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp dựa trên cơ sở đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, hiện đại để nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực trong nông nghiệp, bảo vệ môi trường, gia tăng giá trị nông sản, thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh, phát thải thấp, đảm bảo sự phát triển bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Đến năm 2030, có ít nhất 20% nhiệm vụ khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp được nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp;

- Có 100% các sản phẩm nông nghiệp tuần hoàn được quảng bá, xúc tiến thương mại, chứng nhận đạt chuẩn OCOP theo quy định; tổn thất sau thu hoạch các mặt hàng nông lâm thuỷ sản chủ lực giảm 0,5% đến 1%/năm;

- Trong lĩnh vực trồng trọt, 50% phụ phẩm của các sản phẩm chủ lực được xử lý và tái chế, tái sử dụng, trong đó 80% rơm rạ được áp dụng công nghệ thu gom và tái sử dụng;

- Trong lĩnh vực chăn nuôi, 60% hộ gia đình và 100% Hợp tác xã, trang trại, áp dụng công nghệ và kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi và được tái sử dụng;

- Trong lĩnh vực thủy sản, 50% bùn thải và 50% nước thải trong các trang trại nuôi thủy sản được xử lý và tái sử dụng, 100% phụ phẩm của sản phẩm qua chế biến được áp dụng công nghệ xử lý và tái sử dụng;

- Trong lĩnh vực lâm nghiệp, trên 50% lượng phụ phẩm trong khai thác, chế biến gỗ được sử dụng sản xuất nhiên liệu sinh học hoặc các sản phẩm từ gỗ;

- Có 80% trang trại và 50% hợp tác xã hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, làng nghề được tiếp cận với các quy trình quản lý, sử dụng chất thải và tái chế, tái sử dụng các phụ phẩm, các công nghệ xử lý chất thải và tái chế phụ phẩm trong nông nghiệp; Việc áp dụng công nghệ KTTH trong các trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp, làng nghề giúp tăng ít nhất 20% giá trị gia tăng trong các chuỗi ngành hàng nông sản;

- 100% cán bộ khuyến nông, tổ khuyến nông cộng đồng được tập huấn các quy trình xử lý, tái chế chất thải, phụ phẩm đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Công tác quản lý, chỉ đạo; tuyên truyền, phổ biến ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng lực phát triển nông nghiệp tuần hoàn.

- Các sở, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp chặt chẽ với Uỷ ban nhân dân các huyện, thành, thị hướng dẫn, hỗ trợ, thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; cấp ủy, chính quyền các cấp tích cực chỉ đạo xây dựng, triển khai cụ thể hóa các nội dung, nhiệm vụ phát triển kinh tế tuần hoàn bằng các chương trình, kế hoạch, dự án có trọng tâm trọng điểm, phù hợp với điều kiện thực tiễn để triển khai thực hiện đảm bảo tính khả thi; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, các tổ chức kinh tế tham gia góp phần thực hiện hoàn thành các mục tiêu đã đề ra;

- Chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực, trách nhiệm cho cán bộ quản lý, theo dõi (đặc biệt cán bộ khuyến nông, tổ khuyến nông) các cấp, người dân, doanh nghiệp, Hợp tác xã, trang trại về phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp phù hợp với từng đối tượng và nhu cầu thực tiễn; xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức, chuyên môn nghiệp vụ về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; lồng ghép xây dựng các nội dung tập huấn, bồi dưỡng về phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp vào các chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn;

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Đảng, Nhà nước, các mô hình, dự án, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, nhằm nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân. xây dựng cơ sở dữ liệu về nông nghiệp tuần hoàn, cập nhật, đăng tải kịp thời các tiến bộ KHCN, mô hình sản xuất tiên tiến, kết quả nghiên cứu, ứng dụng khoa học về phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp… trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Phú Thọ, Website của các sở, ngành, các mạng xã hội, hệ thống đài truyền thanh cơ sở… góp phần nâng cao nhận thức, phát huy vai trò, trách nhiệm và sự tham gia của các tổ chức, cá nhân và người dân trong việc phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

[...]