Kế hoạch 197/KH-UBND năm 2024 thực hiện Đề án “Phát triển khoa học và ứng dụng chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030” trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn

Số hiệu 197/KH-UBND
Ngày ban hành 16/08/2024
Ngày có hiệu lực 16/08/2024
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Lạng Sơn
Người ký Lương Trọng Quỳnh
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 197/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 16 tháng 8 năm 2024

 

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN KHOA HỌC VÀ ỨNG DỤNG CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ THÚC ĐẨY KINH TẾ TUẦN HOÀN TRONG NÔNG NGHIỆP ĐẾN NĂM 2030” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN

Thực hiện Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 19/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án Phát triển khoa học và ứng dụng chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai đầy đủ, đồng bộ, kịp thời các nhiệm vụ và giải pháp theo Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 19/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển khoa học và ứng dụng chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030”;

- Nghiên cứu, xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nhân rộng, phát huy mô hình nông nghiệp tuần hoàn hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương, trên cơ sở kế thừa những kinh nghiệm thực tiễn và thu hút các nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân trong và ngoài tỉnh;

- Phát triển nông nghiệp tuần hoàn bền vững gắn với nhận thức, trách nhiệm và sự chủ động của toàn xã hội đối với cộng đồng và môi trường; gắn với bảo tồn và phát triển các sản phẩm đặc sản bản địa phát huy lợi thế địa phương.

2. Yêu cầu

- Triển khai đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án “Phát triển khoa học và ứng dụng chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030”; xác định phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp là định hướng quan trọng trong sử dụng hiệu quả tài nguyên, nâng cao giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường, tạo việc làm và thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, trách nhiệm và bền vững.

- Ưu tiên thúc đẩy việc ứng dụng các công nghệ, quy trình sản xuất bền vững, tiên tiến, tiết kiệm tài nguyên, tái chế, tái sử dụng phụ phẩm, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường là mục tiêu của chương trình khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh.

- Việc triển khai thực hiện phải đảm bảo tính khoa học, hiệu quả, chú trọng lồng ghép với các chương trình, kế hoạch khoa học và công nghệ của tỉnh; phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, giám sát, báo cáo để kịp thời điều chỉnh, khắc phục.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp dựa trên cơ sở đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ tiên tiến để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực trong nông nghiệp, gia tăng giá trị nông sản, tăng tỷ lệ phụ phẩm nông nghiệp được tái sử dụng, tái chế, bảo vệ môi trường, tạo việc làm, thúc đẩy quá trình chuyển đổi nông nghiệp xanh, phát thải thấp.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

- Đến năm 2030, ít nhất 20% nhiệm vụ khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp được nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao phục vụ phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp.

- Tổn thất sau thu hoạch các mặt hàng nông lâm thủy sản chủ lực giảm 0,5% đến 1%/năm.

- Trong lĩnh vực trồng trọt: 50% phụ phẩm của các mặt hàng chủ lực được xử lý và tái chế, tái sử dụng, trong đó 80% rơm rạ được thu gom và tái sử dụng.

- Trong lĩnh vực chăn nuôi: 60% hộ gia đình và 100% trang trại áp dụng các công nghệ và kỹ thuật xử lý chất thải chăn nuôi và được tái sử dụng.

- Trong lĩnh vực lâm nghiệp: 50% lượng phụ phẩm trong khai thác, chế biến gỗ được sử dụng sản xuất nhiên liệu sinh học hoặc các sản phẩm từ gỗ như gỗ ván nhân tạo.

- Áp dụng các quy trình quản lý, sử dụng chất thải và tái chế, tái sử dụng các phụ phẩm cho các mặt hàng chủ lực.

- 100% cán bộ khuyến nông, tổ khuyến nông cộng đồng được tập huấn các quy trình xử lý, tái chế chất thải, phụ phẩm đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.

- 80% trang trại và 50% hợp tác xã được tiếp cận với các quy trình quản lý, sử dụng chất thải và tái chế, tái sử dụng các phụ phẩm, các công nghệ xử lý chất thải và tái chế phụ phẩm trong nông nghiệp.

- Việc áp dụng công nghệ kinh tế tuần hoàn trong các trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp giúp tăng ít nhất 20% giá trị gia tăng trong chuỗi ngành hàng nông sản.

III. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Truyền thông nâng cao nhận thức và năng lực phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

- Xây dựng kế hoạch truyền thông, tổ chức tuyên truyền phổ biến các chủ trương, cơ chế chính sách, quan điểm, mục tiêu, tầm quan trọng, lợi ích của việc phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và người dân, làm chuyển đổi tư duy từ sản xuất truyền thống phụ thuộc các yếu tố đầu vào, chưa quan tâm đến nguồn phụ phẩm và môi trường sang sản xuất theo mô hình kinh tế tuần hoàn, tái sử dụng tài nguyên hiệu quả và bền vững gắn với nhu cầu thị trường.

[...]