QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU GIAI ĐOẠN 2009 – 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG
TÀU
Căn cứ Luật Tổ chức
Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số
66/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 7 năm 2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề
nông thôn;
Căn cứ Thông tư số 116/2006/TT-BNN
ngày 18 tháng 12 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về việc
hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07
tháng 7 năm 2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;
Căn cứ Quyết định số
1900/QĐ-UBND ngày 28 tháng 5 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt
đề cương phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2008
– 2010, định hướng đến 2015 và Quyết định số 2694/QĐ-UBND ngày 15 tháng 8 năm
2008 về việc phê duyệt bổ sung đề cương lập quy hoạch phát triển ngành nghề nông
thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2008 – 2010, định hướng đến 2015;
Báo cáo số
226/BC-SNN-KH ngày 22 tháng 10 năm 2009 của Hội đồng thẩm định quy hoạch phát
triển ngành nghề nông thôn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2009 – 2015, định
hướng đến 2020 được thành lập theo Quyết định số 2706/QĐ-UBND ngày 14 tháng 8
năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh;
Xét đề nghị của Giám
đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 05/TTr-SNN-KH ngày
11 tháng 01 năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Bà
Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2009 - 2015, định hướng đến 2010, nội dung chính như
sau:
I. Quan điểm, mục
tiêu phát triển:
1. Quan điểm quy hoạch:
- Phát triển ngành nghề
nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có tính đặc thù, đặt trong tổng thể phát tiển
kinh tế xã hội của tỉnh, đặt trong mối liên kết chặt chẽ với công nghiệp, dịch
vụ du lịch và nông - lâm - thủy sản, kết hợp hài hòa nhiều quy mô, hình thức tổ
chức và sở hữu. Tiếp cận với công nghệ tiên tiến với công nghệ truyền thống,
thiết bị truyền thống với thủ công, cơ khí nhỏ.
- Phát triển trong sự liên
kết chặt chẽ với sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, phát huy các thế mạnh về nguồn
nguyên liệu tại các địa phương. Tranh thủ, phát huy nội lực, huy động mọi nguồn
lực sẵn có trong dân cư. Những đặc điểm tự nhiên, trình độ phát triển kinh tế -
xã hội và kết cấu hạ tầng. Khả năng đầu tư của các thành phần kinh tế. Huy động
mọi nguồn vốn để sản xuất ra những sản phẩm có sức cạnh tranh cao trên thị
trường.
- Phát triển ngành nghề
theo quan điểm phát huy tính truyền thống của nghề và làng nghề, từng bước khôi
phục, bảo tồn và phát triển các nghề và làng nghề truyền thống, giữ nguyên được
bản sắc văn hóa, đặc thù là sản xuất phục vụ cho khách du lịch.
- Phát triển ngành nghề
nông thôn đặt trong mối liên kết chặt chẽ giữa các cụm công nghiệp nông thôn, các
khu công nghiệp tập trung với thị trường trong tỉnh, trong vùng, trong nước và
hướng tới thị trường nước ngoài.
- Phát triển ngành nghề
nông thôn lấy hiệu quả kinh tế - xã hội làm mục tiêu; khuyến khích các doanh
nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở ngành nghề, hộ sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, giảm
chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh trên
thị trường, đặc biệt là các sản phẩm xuất khẩu.
- Phát triển ngành nghề
nông thôn trong sự hỗ trợ, quản lý của nhà nước.
- Phát triển ngành nghề
nông thôn đồng thời bảo vệ tốt môi trường sinh thái, bảo vệ cảnh quan thiên
nhiên và bản sắc văn hóa của từng địa phương, kiên quyết đổi mới công nghệ hoặc
di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.
2. Mục tiêu phát triển:
- Tốc độ tăng giá trị sản
xuất ngành nghề nông thôn Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2009 - 2020 tăng bình quân
7,5-8,5%/năm.
Trong đó:
+ Giai đoạn 2009 -
2010: tăng bình quân 7,0 - 7,5%/năm;
+ Giai đoạn 2011 -
2015: tăng bình quân 7,5 - 8,5%/năm;
+ Giai đoạn 2016 -
2020: tăng bình quân 8,5 - 9,5%/năm.
- Giá trị sản xuất ngành
- nghề nông thôn năm 2015 dự kiến đạt 637 tỷ đồng (gấp 1,66 lần so với năm
2007) đến năm 2020 đạt 942 tỷ đồng (tăng gấp 1,47 lần so với năm 2015).
- Nâng tỷ trọng lao động
ngành nghề nông thôn lên từ 2 - 4% trong tổng lao động xã hội; nâng thu nhập
bình quân đầu người tăng từ 1,6 - 1,85 lần so với năm 2007.
- Đổi mới công nghệ sản
xuất những mặt hàng xuất khẩu (đá chẻ, điêu khắc đá, nước mắm, các loại khô:
mực, cá, tôm,...)
- Bảo tồn và phát triển
những nghề truyền thống; xây dựng các làng nghề, làm hạt nhân cho phát triển
ngành nghề; mở thêm các nghề mới: Sơ chế bảo quản rau, củ, quả, nấm, gây trồng
kinh doanh sinh vật cảnh.
II. Nội dung quy
hoạch phát triển ngành nghề nông thôn:
1. Định hướng phát triển
ngành nghề nông thôn:
- Phát triển các ngành
nghề chế biến nông - lâm - thủy sản, gồm: sản xuất bánh tráng, bún, rượu, xay xát
lúa,và các loại sản phẩm chế biến từ lương thực, bảo quản - sơ chế - chế biến
rau củ quả, chế biến thủy sản.
- Phát triển các ngành
nghề sản xuất vật liệu xây dựng, mây tre đan, đồ gỗ, dệt may.
- Phát triển các ngành
hàng thủ công mỹ nghệ (sò ốc mỹ nghệ).
- Phát triển các ngành
nghề gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh, gồm: trồng bonsai, trồng hoa cây cảnh,
nuôi chim cá cảnh,...
- Phát triển các ngành
nghề dịch vụ xây dựng, vận tải phục vụ ngành xây dựng, đi lại và vận chuyển hàng
hóa ở khu vực nông thôn.
2. Định hướng phát triển
ngành nghề nông thôn theo địa bàn, gồm: Tân Thành, Bà Rịa, Long Điền, Đất Đỏ,
Xuyên Mộc, Châu Đức, Côn Đảo.
3. Phương án quy hoạch:
- Bảo tồn và phát triển
các ngành nghề truyền thống, gồm nghề làm bánh tráng nghề mây tre đan (đan
thúng, đan giỏ); nghề đúc chuông; nghề nấu rượu; nghề làm bún; nghề chế biến
hải sản khô; nghề chế biến nước mắm, mắm ruốc; nghề khắc gỗ (gậy đầu rồng); nghề
sò ốc mỹ nghệ; nghề dệt lưới.
- Phát triển các ngành
nghề mới, gồm: sơ chế bảo quản rau, củ, quả; sơ chế bảo quản nấm; gây trồng và kinh
doanh sinh vật cảnh.
- Phát triển các làng nghề
gắn với du lịch, gồm: làng nghề bánh tráng An Ngãi huyện Long Điền; làng nghề
bún Long Kiên, thị xã Bà Rịa; làng nghề nấu rượu Hòa Long, thị xã Bà Rịa; làng
hoa, cây cảnh xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc.
4. Các dự án ưu tiên:
- Dự án đầu tư phát triển
làng nghề bánh tráng An Ngãi.
- Dự án đầu tư xây dựng
mô hình gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc.
- Dự án đầu tư phát triển
nghề nấu rượu xã Hoà Long.
- Dự án đầu tư phát triển
làng bún Long Kiên.
- Dự án đầu tư sơ chế bảo
quản rau an toàn hợp tác xã Phước Hải.
- Dự án đầu tư phát triển
sò ốc mỹ nghệ và khắc gỗ (gậy đầu rồng).
III. Các giải pháp
chủ yếu:
1. Giải pháp về tài chính
và tín dụng:
- Tăng tỷ trọng vốn ngân
sách đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật nông thôn nói chung và ngành nghề
nông thôn nói riêng; đồng thời thực hiện tốt phương châm nhà nước và nhân dân
cùng làm, xã hội hóa trong đầu tư xây dựng, khai thác cơ sở hạ tầng.
- Tăng vốn tín dụng ưu
đãi cho các cơ sở ngành nghề nông thôn được vay trung và dài hạn.
- Tăng cường nguồn vốn,
các nguồn tài trợ khác của tổ chức chính phủ và phi chính phủ cho phát triển
ngành nghề nông thôn.
- Thành lập qũy hỗ trợ
phát triển ngành nghề nông thôn.
2. Giải pháp về thuế:
- Những cơ sở ngành nghề
nông thôn mới thành lập được miễn thuế 3 - 5 năm (tùy thuộc loại nghề, loại sản
phẩm).
- Thực hiện khoán thuế
ổn định trong thời hạn 3 - 5 năm để khuyến khích các cơ sở đầu tư mở rộng sản xuất.
- Miễn thuế giá trị gia
tăng trong thời gian từ 3 - 5 năm đầu để khuyến khích các cơ sở đầu tư đổi mới
công nghệ, thiết bị.
3. Giải pháp về đất
đai:
- Tạo điều kiện thuận lợi
cho các hộ, cơ sở ngành nghề được thuê đất để hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Trên cơ sở quy hoạch
các cụm công nghiệp, bố trí di dời các cơ sở sản xuất đòi hỏi mặt bằng lớn, dễ gây
ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư.
4. Giải pháp về đào tạo
lao động:
- Tạo điều kiện cho lao
động thủ công, lao động trẻ ở nông thôn học tập kinh nghiệm, tiếp cận kỹ thuật,
kỹ năng, kỹ xảo trong sản xuất của các ngành nghề truyền thống.
5. Giải pháp về tổ chức
sản xuất:
- Đẩy mạnh công tác tuyên
truyền, vận động để phát triển các hình thức hợp tác trong sản xuất, mở rộng
phạm vi hợp tác, phát triển các quan hệ hợp tác chặt chẽ từ khâu sản xuất đến
tiêu thụ sản phẩm; từng bước thành lập các hợp tác xã.
6. Các giải pháp khác về:
nguyên liệu cho sản xuất; đổi mới công nghệ; nâng cao chất lượng sản phẩm; marketing,
thông tin thị trường; quy hoạch và xây dựng vùng sản xuất tập trung một số
ngành có tiềm năng; bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; phát triển làng
nghề kết hợp với hoạt động du lịch tham quan các làng nghề truyền thống; liên
kết, hợp tác trong sản xuất và tiêu thụ,...
IV. Tổ chức thực
hiện:
1. Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn
- Xây dựng kế hoạch và
đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển ngành nghề nông thôn theo từng giai đoạn.
- Phối hợp với các sở,
ngành có liên quan xây dựng các dự án ưu tiên đầu tư phát triển ngành nghề, làng
nghề:
- Phối hợp với các cơ sở
dạy nghề đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề,... cho các cơ sở ngành nghề nông thôn.
2. Các sở, ngành có
liên quan:
- Nghiên cứu và thực hiện
các cơ chế, chính sách giúp các cơ sở ngành nghề nông thôn tiếp cận thị trường
tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước.
- Tổ chức các khóa đào
tạo, huấn luyện tay nghề cho người lao động nông thôn.
3. Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã:
- Lập kế hoạch, dự án phát
triển ngành nghề nông thôn tại từng địa phương.
- Đầu tư xây dựng cơ sở
hạ tầng phục vụ cho phát triển ngành nghề nông thôn tại địa phương.
- Chỉ đạo các xã, cơ sở
ngành nghề nông thôn đảm bảo ổn định sản xuất, vệ sinh môi trường trên từng địa
bàn...
- Thực hiện thanh tra,
kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở ngành nghề nông thôn chấp hành pháp luật và quy định
của nhà nước.
V. Khái toán vốn
đầu tư:
- Tổng vốn đầu tư: 748.397
triệu đồng, trong đó:
+ Vốn đầu tư phát triển
sản xuất : 713.703 triệu đồng.
+ Vốn đầu tư thực hiện
dự án : 11.184 triệu đồng.
+ Vốn đầu tư cho hoạt động
xúc tiến thương mại : 8.300 triệu đồng.
+ Vốn đầu tư cho đào tạo
: 15.210 triệu đồng.
- Tổng giá trị sản xuất
ngành nghề nông thôn ước đến năm 2015 là 637 tỷ đồng, tăng 198 tỷ đồng so năm
2010 (tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 8,2%năm); đến năm 2020 đạt
941 tỷ đồng, tăng 304 tỷ đồng so năm 2015 (tốc độ tăngbình quân giai đoạn 2010
- 2020 là 9,3%năm).
- Bảo tồn và phát triển
các làng nghề truyền thống sẽ hỗ trợ cho ngành du lịch phát triển, góp phần
chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh theo hướng công nghiệp hóa,
hiện đại hóa.
2. Lợi ích xã hội:
- Tạo thêm việc làm thường
xuyên cho không 54.080 lao động nông thôn, phân công lại lao động xã hội ngày
càng hợp lý hơn.
- Góp phần xây dựng nông
thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đó hóa nhằm thực hiện tốt Nghị quyết
số 26/NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương đảng về nông nghiệp, nông dân, nông
thôn.
3. Lợi ích môi trường:
- Các phương án quy hoạch
phát triển ngành nghề nông thôn được thực hiện tập trung, do đó thuận tiện
trong việc xử lý môi trường đối với những ngành nghề có nguy cơ ô nhiễm cao.
- Phát triển các ngành
nghề nông thôn như gây trồng và kinh doanh sinh vật cảnh góp phần quan trọng trong
việc bảo vệ môi trường sinh thái.
Điều 2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm
phối hợp với các ngành có liên quan triển khai thực hiện nội dung được phê
duyệt tại Điều 1; tổ chức phổ biến công khai quy hoạch cho nhân dân các địa phương
trong tỉnh biết để thực hiện; lập kế hoạch thực hiện cụ thể hàng năm và từng
giai đoạn từ nay đến năm 2020.
Trong quá trình thực hiện,
nếu có vướng mắc phát sinh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối
hợp với các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương; Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố lập hồ sơ điều chỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê
duyệt.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương; Chi
Cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố và Thủ trưởng các các ngành liên quan căn cứ Quyết định thi
hành./.