Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 1024/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án kế hoạch và lộ trình phát triển các khu công nghiệp có lợi thế so sánh kết hợp với chuyển đổi cơ cấu ngành, đẩy mạnh chuyên môn hóa và nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm của tỉnh Bình Thuận đến năm 2020

Số hiệu 1024/QĐ-UBND
Ngày ban hành 09/05/2013
Ngày có hiệu lực 09/05/2013
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Lê Tiến Phương
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Đầu tư,Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1024/QĐ-UBND

Bình Thuận, ngày 09 tháng 5 năm 2013

 

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “KẾ HOẠCH VÀ LỘ TRÌNH PHÁT TRIỂN CÁC KHU CÔNG NGHIỆP CÓ LỢI THẾ SO SÁNH KẾT HỢP VỚI CHUYỂN ĐỔI CƠ CẤU NGÀNH, ĐẨY MẠNH CHUYÊN MÔN HÓA VÀ NÂNG CAO GIÁ TRỊ, CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM CỦA TỈNH BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2020”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 811/QĐ-UBND ngày 01 tháng 4 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án “Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025”;

Xét đề nghị của Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Thuận tại Tờ trình số 125/TTr-KCN ngày 21 tháng 3 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Kế hoạch và lộ trình phát triển các khu công nghiệp có lợi thế so sánh kết hợp với chuyển đổi cơ cấu ngành, đẩy mạnh chuyên môn hóa và nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm của tỉnh Bình Thuận đến năm 2020”, với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. Quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển đến năm 2020:

1. Quan điểm phát triển:

- Phát triển khu công nghiệp (sau đây viết tắt là KCN) và thu hút đầu tư vào KCN là nhiệm vụ trọng tâm của trọng tâm phát triển công nghiệp nhằm tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội địa phương;

- Ưu tiên phát triển các khu công nghiệp có lợi thế so sánh với quy mô và tiến độ phù hợp với khả năng đầu tư và thu hút đầu tư. Kết hợp chặt chẽ giữa ưu tiên phát triển những sản phẩm công nghiệp chủ lực gắn với thế mạnh của địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu với chuyển đổi cơ cấu ngành, đẩy mạnh chuyên môn hóa và nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm;

- Phát triển khu công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Tập trung vận động thu hút các nhà đầu tư, nhất là các tập đoàn kinh tế có tiềm lực mạnh, công nghệ cao, với các dự án đầu tư lớn, đồng bộ đầu tư vào các khu công nghiệp.

2. Mục tiêu và định hướng phát triển:

2.1. Mục tiêu đến năm 2020:

- Hoàn chỉnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp và thu hút đầu tư lấp đầy 100% diện tích cho thuê các Khu công nghiệp Phan Thiết giai đoạn 2, Khu công nghiệp Hàm Kiệm I và II, Khu công nghiệp Sơn Mỹ I giai đoạn 1 (658 ha); cơ bản hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư lấp đầy 70-80% diện tích cho thuê các Khu công nghiệp Tuy Phong (150 ha), Khu công nghiệp Tân Đức giai đoạn 1 (300 ha), Khu công nghiệp Sơn Mỹ II giai đoạn 1 (540 ha);

- Lập hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung và hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư để triển khai xây dựng kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp chế biến sâu titan Sông Bình (Bắc Bình) trong các năm 2013 - 2015; đến năm 2018 hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, thu hút lấp đầy 100% diện tích khu công nghiệp;

- Đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và xuất khẩu của các doanh nghiệp khu công nghiệp, phấn đấu giai đoạn 2012 - 2015 đạt mức tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp khu công nghiệp tăng bình quân hàng năm 35% - 40% (tỉnh 18% - 19%); kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân hàng năm từ 15% - 25% (tỉnh 17% - 18%); nộp ngân sách tăng bình quân hàng năm từ 15% - 20% (tỉnh 16%-17%); giai đoạn 2016 - 2020 phấn đấu doanh thu của các doanh nghiệp khu công nghiệp tăng bình quân hàng năm từ 30% - 35% (tỉnh 16% - 17,5%); kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân hàng năm từ 20% - 25% (tỉnh 17% - 18%); nộp ngân sách tăng bình quân hàng năm từ 35% - 40% (tỉnh 18%-20%).

Đến năm 2015, các khu công nghiệp sẽ đạt giá trị sản xuất công nghiệp khoảng 2.000 - 2.200 tỷ đồng (chiếm 19,05% - 20,56% giá trị sản xuất của tỉnh), kim ngạch xuất khẩu đạt 95 - 96 triệu USD (chiếm 25,66% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh), nộp ngân sách đạt 90 tỷ đồng (chiếm 1,8% thu nội địa của tỉnh) và đến năm 2020 tương ứng là 6.700 - 8.300 tỷ đồng (chiếm 35,5% - 40,7% giá trị giá trị sản xuất của tỉnh), 220 - 230 triệu USD (chiếm 28% kim ngạch xuất khẩu của tỉnh) và 300 tỷ đồng (chiếm 2,23% thu nội địa của tỉnh).

2.2. Định hướng phát triển:

Với vị trí địa lý thuận lợi, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào, Bình Thuận có nhiều lợi thế để phát triển công nghiệp đa dạng, nhiều ngành nghề; cụ thể như:

- Lợi thế về hệ thống hạ tầng giao thông: có hệ thống quốc lộ đi qua gồm: Quốc lộ 1A (hiện đang được mở rộng), Quốc lộ 55, Quốc lộ 28; Đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, Phan Thiết - Nha Trang; tuyến đường sắt thành phố Hồ Chí Minh – Phan Thiết phục vụ cho vận chuyển hàng hóa và du lịch; cảng vận tải Phan Thiết (1.000 tấn) và Phú Quý (làm mới) đã được xây dựng, cảng cá Phan Thiết, La Gi, Phan Rí Cửa, Phú Quý đã được nâng cấp; đang triển khai xây dựng cảng Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong. Dự kiến trong thời gian tới sẽ đầu tư xây dựng sân bay Phan Thiết,…;

- Lợi thế về tài nguyên khoáng sản như: nước khoáng thiên nhiên, cát thủy tinh, đá granít, sét bentonit, quặng sa khoáng titan, zircon và đặc biệt là dầu khí đang được xem là thế mạnh kinh tế mới của tỉnh với nhiều mỏ dầu có trữ lượng lớn;

- Ngoài ra, Bình Thuận còn có ưu thế về nguồn năng lương: hiện nay, đang đẩy mạnh phát triển các trung tâm nhiệt điện, điện gió và điện khí để đưa Bình Thuận thành một trong những trung tâm cung cấp điện của cả nước;

- Bên cạnh đó, tài nguyên đất đai và nguồn lao động dồi dào để thu hút cũng là những lợi thế để phát triển công nghiệp Bình Thuận.

Phát huy và để sử dụng hiệu quả nhất các lợi thế nêu trên; trong những năm tiếp theo, ngành công nghiệp của tỉnh đề ra định hướng phát triển như sau:

- Tập trung mọi nguồn lực để đầu tư hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư, cơ bản lấp đầy các khu công nghiệp hiện hữu vào năm 2015 (riêng KCN Hàm Kiệm II hoàn thành xây dựng hạ tầng năm 2015, lấp đầy 100% diện tích năm 2016 - 2017, chậm 2 năm). Đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư và chuẩn bị thực hiện đầu tư, đảm bảo đủ các điều kiện để khởi công xây dựng và tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư vào 4 khu công nghiệp mới ngay từ năm 2013 - 2015 trở đi theo thứ tự ưu tiên: Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1, Tuy Phong, Tân Đức, Sơn Mỹ 2; đồng thời, tích cực chuẩn bị đầu tư để thành lập Khu công nghiệp chế biến sâu titan Sông Bình vào năm 2014 - 2015.

Từ năm 2016 - 2020 là giai đoạn tập trung cao nhiều nguồn lực, đẩy mạnh tiến độ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, nhằm tạo ra những tiến bộ đáng kể trong phát triển khu công nghiệp của tỉnh, đạt và vượt các mục tiêu đã đề ra cho năm 2020. Các Khu công nghiệp Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2, Tân Đức thực hiện chuẩn bị đầu tư và đầu tư giai đoạn 2 trong năm 2020.

[...]