Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 26/2009/QĐ-UBND về quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2009 – 2015 và định hướng đến năm 2020

Số hiệu 26/2009/QĐ-UBND
Ngày ban hành 27/05/2009
Ngày có hiệu lực 06/06/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Tây Ninh
Người ký ***
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TÂY NINH
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 26/2009/QĐ-UBND

Tây Ninh, ngày 27 tháng 5 năm 2009

 

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NGHỀ NÔNG THÔN TỈNH TÂY NINH GIAI ĐOẠN 2009 – 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Thông tư số 116/TT-BNN ngày 18/12/2006 của Bộ Nông nghiệp và PTNN hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

Căn cứ Nghị quyết số 09/2009/NQ-HĐND, ngày 10 tháng 4 năm 2009 của Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh khóa VII, kỳ họp thứ 16 về Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 87/TTr-SNN, ngày 05/5/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2009 - 2015 và định hướng đến năm 2020, với một số nội dung chủ yếu sau:

- Tên dự án: “Quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2009 – 2015 và định hướng đến năm 2020”.

- Chủ đầu tư: Sở Nông nghiệp và PTNT Tây Ninh.

- Địa điểm thực hiện dự án: Trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

- Thời gian thực hiện đầu tư: Từ năm 2009 đến năm 2020.

1. Quan điểm phát triển

- Phát triển ngành nghề nông thôn đặt trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, có quan hệ chặt chẽ với công nghiệp hóa và đô thị hóa; với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương.

- Phát triển ngành nghề nông thôn nhằm khai thác và phát huy mọi nguồn lực, lợi thế của địa phương để sản xuất các loại sản phẩm hàng hóa, đảm bảo chất lượng với sức cạnh tranh cao phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu.

- Nhằm bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống của địa phương; phát huy nét văn hóa truyền thống của các nghề, làng nghề trên địa bàn tỉnh Tây Ninh; đồng thời, hỗ trợ cho việc phát triển các loại hình dịch vụ và du lịch mang đậm bản sắc văn hóa đặc thù của tỉnh.

- Giải quyết việc làm cho lao động nông nghiệp và nông thôn, đặc biệt là nguồn lao động nông nhàn; góp phần xói đói, giảm nghèo và tăng thu nhập cho người lao động.

2. Mục tiêu của dự án

- Bảo tồn và phát triển một số làng nghề truyền thống như: Sản xuất bánh tráng, mây tre đan, làm nhang, mộc gia dụng…; đồng thời, xây dựng, hình thành và phát triển các làng nghề mới gắn với lợi thế của từng địa phương, làm cơ sở xây dựng các chương trình, kế hoạch cho phát triển ngành nghề nông thôn kết hợp với phát triển thương mại và du lịch trên địa bàn tỉnh.

- Nâng tỷ trọng lao động ngành nghề nông thôn lên 06 – 08% trong tổng lao động xã hội, góp phần tạo việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn.

- Thu nhập bình quân đầu người từ ngành nghề đến 2015 tăng gấp 1,85-1,9 lần so với năm 2007, đạt từ 17-18 triệu đồng/người/năm (tính riêng trong lĩnh vực NNNT); đến năm 2020 đạt 22,6 triệu đồng/người/năm.

- Tăng giá trị sản lượng ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2009 - 2020 bình quân 09 - 9,5%/năm, trong đó:

+ Giai đoạn 2009-2015 tăng bình quân: 08 - 09%/năm. Tổng giá trị sản lượng ngành nghề nông thôn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đến năm 2015 ước đạt là 656,65 tỷ đồng;

+ Giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân: 11 - 11,5%/năm. Tổng giá trị sản lượng ngành nghề nông thôn đến năm 2020 ước đạt là 1.114 tỷ đồng.

- Kim ngạch xuất khẩu sản phẩm khu vực ngành nghề nông thôn đạt trên 10 triệu USD vào năm 2015 và 15 triệu USD năm 2020 (chiếm 22 - 25% tổng giá trị sản lượng ngành nghề nông thôn).

3. Những nội dung quy hoạch chủ yếu

a. Bảo tồn và phát triển các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống:

[...]