Quyết định 395/2002/QĐ-TLĐLĐVN về biên chế cán bộ chuyên trách công đoàn cơ sở các doanh nghiệp, đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc khu vực nhà nước do Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành

Số hiệu 395/2002/QĐ-TLĐLĐVN
Ngày ban hành 06/03/2002
Ngày có hiệu lực 06/03/2002
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam
Người ký Nguyễn Đình Thắng
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Bộ máy hành chính

TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 395/2002/QĐ-TLĐLĐVN

Hà Nội, ngày 06 tháng 03 năm 2002 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH BIÊN CHẾ CÁN BỘ CHUYÊN TRÁCH CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ CÁC DOANH NGHIỆP, ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH, SỰ NGHIỆP THUỘC KHU VỰC NHÀ NƯỚC

ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Căn cứ Điều lệ Công đoàn Việt Nam;
Căn cứ chức năng, quyền hạn của Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam;
Căn cứ tình hình hoạt động đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở và khả năng tài chính của công đoàn các cấp;.
Theo yêu cầu của các Liên đoàn lao động tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, Công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn (TLĐ) và theo đề nghị của Ban Tổ chức TLĐ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định về biên chế cán bộ chuyên trách công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp, đơn vị hành chính, sự nghiệp (gọi chung là công đoàn cơ sở) thuộc khu vực Nhà nước.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký. Các Liên đoàn lao động tỉnh thành phố, Công đoàn ngành Trung ương, các ban, đơn vị trực thuộc TLĐ, các công đoàn cơ sở chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

TM. ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
PHÓ CHỦ TỊCH



 
Nguyễn Đình Thắng

QUY ĐỊNH

VỀ BIÊN CHẾ CÁN BỘ CHUYÊN TRÁCH CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ CÁC DOANH NGHIỆP, ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH, SỰ NGHIỆP THUỘC KHU VỰC NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 395/QĐ–TLĐ  ngày 06–03–2002 của Đoàn Chủ tịch TLĐ)

I. NGUYÊN TẮC CHUNG

1– Các cấp công đoàn (CĐ) phải quán triệt nguyên tắc hoạt động CĐ là hoạt động quần chúng, do đó phải tăng cường cán bộ CĐ không chuyên trách.

2– Việc bố trí cán bộ chuyên trách công đoàn cơ sở (CĐCS) phải căn cứ vào tình hình thực tế của từng đơn vị, cơ quan, tình hình sản xuất kinh doanh, trình độ đội ngũ cán bộ CĐ, khả năng tài chính của từng đơn vị.

3– Tạo điều kiện cho các cấp CĐ chủ động trong việc bố trí cán bộ theo quy định chung của Đảng, Nhà nước và Tổng Liên đoàn.

4– Quy định này chỉ áp dụng cho công đoàn cơ sở. Cán bộ chuyên trách Liên đoàn lao động (LĐLĐ) tỉnh, thành phố, CĐ ngành Trung ương thực hiện theo Quyết định 293/QĐ–TLĐ ngày 22/2/2001 của Đoàn Chủ tịch TLĐ; cán bộ chuyên trách CĐ Tổng công ty thực hiện theo Quyết định 1537/QĐ–TLĐ ngày 17/12/1996 của Đoàn Chủ tịch TLĐ.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ VIỆC BỐ TRÍ CÁN BỘ CHUYÊN TRÁCH CĐCS HƯỞNG LƯƠNG TỪ NGÂN SÁCH CÔNG ĐOÀN

1– Đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) phân tán, lưu động có trên 450 đoàn viên trở lên có thể bố trí một cán bộ chuyên trách CĐ hưởng lương từ ngân sách CĐ.

– Nếu có từ 400 đoàn viên đến dưới 450 đoàn viên mà Ban chấp hành CĐCS, đảng ủy và Giám đốc có nhu cầu bố trí cán bộ làm công tác chuyên trách thì đơn vị bố trí 1 cán bộ làm công tác công đoàn, tiền lương của cán bộ làm công tác công đoàn do quỹ lương doanh nghiệp trả.

2– Đối với DNNN, kể cả doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa (Nhà nước giữ cổ phần chi phối, cổ phần đặc biệt), địa điểm sản xuất, kinh doanh ổn định, không phân tán, lưu động có từ 500 đến dưới 1000 đoàn viên, có thể bố trí 1 cán bộ chuyên trách CĐ hưởng lương từ ngân sách CĐ nếu có trên 1000 đoàn viên đến 2000 đoàn viên có thể bố trí 2 cán bộ chuyên trách CĐ; nếu có trên 2000 đoàn viên cũng không quá 3 cán bộ chuyên trách CĐ hưởng lương từ ngân sách CĐ.

3– Đối với đơn vị hành chính, sự nghiệp, (kể cả sự nghiệp có thu), nếu có từ 600 đoàn viên trở lên đến dưới 1500 đoàn viên, có thể bố trí 1 cán bộ chuyên trách CĐ hưởng lương từ ngân sách CĐ. Nếu có từ 1500 đoàn viên trở lên tối đa không quá 2 cán bộ làm chuyên trách CĐ hưởng lương từ ngân sách CĐ.

III. QUYỀN HẠN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG ĐOÀN NGÀNH TRUNG ƯƠNG VÀ LĐLĐ TỈNH, THÀNH PHỐ TRONG VIỆC BỐ TRÍ CÁN BỘ CHUYÊN TRÁCH CÔNG ĐOÀN TẠI CĐCS  

1. Tùy tình hình, đặc điểm sản xuất, kinh doanh, trình độ đội ngũ cán bộ công đoàn và đội ngũ công nhân, lao động ở từng đơn vị, các Công đoàn ngành Trung ương, LĐLĐ tỉnh, thành phố căn cứ quy định tại điểm 1, 2, 3 mục II, Quy định này để ra quyết định về biên chế cán bộ chuyên trách công đoàn hưởng lương từ ngân sách công đoàn.

2– Công đoàn ngành Trung ương, LĐLĐ tỉnh, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo Công đoàn cơ sở thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với cán bộ chuyên trách công đoàn hưởng lương từ ngân sách công đoàn tại CĐCS do mình quản lý trực tiếp theo đúng quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và Tổng Liên đoàn.

3– Công đoàn ngành Trung ương, LĐLĐ tỉnh, thành phố được quyền nâng lương, phụ cấp lương cho cán bộ chuyên trách CĐCS đơn vị sản xuất, kinh doanh, đơn vị sự nghiệp có thu theo Nghị định 26/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ từ hết ngạch Chuyên viên chính và tương đương trở xuống; Đối với cán bộ chuyên trách CĐCS hành chính, sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách Nhà nước, được nâng lương theo Nghị định 25/CP ngày 23/5/1993 của Chính phủ, từ ngạch chuyên viên 4.06 và tương đương trở xuống.

4– Tiền lương, phụ cấp có tính chất lương, BHXH, BHYT... lấy từ kinh phí 1% của CĐCS để trả.

5– Ngoài chế độ tiền lương, phụ cấp có tính chất lương nêu trên, các quyền lợi khác của cán bộ chuyên trách CĐ thực hiện theo Nghị định 133/HĐBT ngày 20/4/1991 và Nghị định 302/HĐBT ngày 19/8/1992 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ).

6– Hàng năm Công đoàn ngành Trung ương, LĐLĐ tỉnh, thành phố báo cáo đầy đủ đanh sách cán bộ chuyên trách công đoàn hưởng lương từ ngân sách công đoàn về Tổng Liên đoàn (qua Ban Tổ chức) để theo dõi.

[...]