Nghị định 302-HĐBT năm 1992 về quyền và trách nhiệm của công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp, cơ quan do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 302-HĐBT
Ngày ban hành 19/08/1992
Ngày có hiệu lực 19/08/1992
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Quyền dân sự

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 302-HĐBT

Hà Nội, ngày 19 tháng 8 năm 1992

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 302-HĐBT NGÀY 19-8-1992 VỀ QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ TRONG CÁC DOANH NGHIỆP, CƠ QUAN

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4 tháng 7 năm 1981;
Căn cứ Luật công đoàn ngày 30 tháng 6 năm 1990 và Nghị định số 133-HĐBT ngày 20 tháng 4 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng hướng dẫn thi hành Luật công đoàn;
Sau khi thoả thuận với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

NGHỊ ĐỊNH:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. - Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đơn vị sự nghiệp, cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội (gọi chung là doanh nghiệp, cơ quan) thành lập theo Điều lệ công đoàn Việt Nam đều thuộc phạm vi thi hành Nghị định này.

Điều 2. - Căn cứ nhiệm vụ và tình hình cụ thể của mỗi doanh nghiệp, cơ quan, Ban chấp hành công đoàn cơ sở (dưới đây gọi tắt là công đoàn cơ sở) cùng với người đứng đầu doanh nghiệp, cơ quan xây dựng quy chế về mối quan hệ hợp tác giữa hai bên trong mọi hoạt động có liên quan đến quyền và trách nhiệm của công đoàn nhằm xây dựng doanh nghiệp cơ quan, và chăm lo đời sống người lao động.

Chủ tịch công đoàn cơ sở được mời dự các hội nghị của doanh nghiệp, cơ quan bàn những vấn đề có liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích của người lao động. Được doanh nghiệp, cơ quan cung cấp các tài liệu, thông tin cần thiết về những vấn đề nói trên.

Điều 3.

1. Công đoàn cơ sở tham gia ý kiến với người đứng đầu doanh nghiệp, cơ quan trong việc thực hiện các chế độ, chính sách, pháp luật quy định về nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, chăm lo đời sống vật chất và văn hoá, thể dục, thể thao, nghỉ ngơi và du lịch cho người lao động; chăm sóc đời sống của người trước đây làm việc tại doanh nghiệp, cơ quan đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức, nghỉ vì bị tai nạn lao động hay bị bệnh nghề nghiệp.

Công đoàn cơ sở tổ chức kiểm tra, hoặc phối hợp với người đứng đầu doanh nghiệp, cơ quan kiểm tra việc chấp hành các chế độ, chính sách, pháp luật nói trên trong doanh nghiệp cơ quan theo quy định tại điều 12 của Nghị định số 133-HĐBT ngày 20 tháng 4 năm 1991 của Hội đồng Bộ trưởng hướng dẫn thi hành Luật công đoàn (sau đây gọi tắt là Nghị định số 133-HĐBT).

2. Công đoàn cơ sở đại diện cho người lao động kiến nghị với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, hoặc Toà án xử lý những hành vi vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động hoặc tập thể lao động theo quy định của pháp luật.

Người lao động chưa gia nhập công đoàn cũng có quyền yêu cầu công đoàn cơ sở đại diện và bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình trước doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức hữu quan, Toà án.

3. Công đoàn cơ sở phối hợp với người đứng đầu doanh nghiệp, cơ quan giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động giữa người lao động hoặc tập thể lao động với doanh nghiệp, cơ quan. Đại diện công đoàn cơ sở được tham dự và phát biểu ý kiến trong trường hợp các tranh chấp lao động nói trên được chuyển sang cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc Toà án xét xử.

4. Công đoàn cơ sở giáo dục, động viên người lao động làm tròn nghĩa vụ lao động, hoàn thành tốt chức trách được giao, thực hiện nghiêm chỉnh các chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của doanh nghiệp, cơ quan, tham gia ý kiến với doanh nghiệp, cơ quan trong việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ văn hoá, khoa học - kỹ thuật nghiệp vụ, tay nghề cho người lao động.

Điều 4. - Quyền và trách nhiệm của công đoàn cơ sở về an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường.

1. Căn cứ tiêu chuẩn của Nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, công đoàn cơ sở thoả thuận với người đứng đầu doanh nghiệp, cơ quan các biện pháp bảo đảm, an toàn lao động, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ môi trường.

Công đoàn cơ sở có trách nhiệm giáo dục, động viên người lao động thực hiện phong trào bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường và tổ chức mạng lưới an toàn vệ sinh viên; tham gia ý kiến với người đứng đầu doanh nghiệp, cơ quan trong việc xét khen thưởng và xử lý vi phạm pháp luật về bảo hộ lao động.

2. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo hộ lao động và yêu cầu người đứng đầu doanh nghiệp, cơ quan thực hiện đúng pháp luật về bảo hộ lao động, bảo vệ môi trường. Khi phát hiện nơi làm việc có dấu hiệu nguy hiểm đến tính mạng người lao động, có quyền yêu cầu người có trách nhiệm thực hiện ngay biện pháp bảo đảm an toàn lao động, kể cả việc tạm ngừng hoạt động nếu thấy cần thiết. Công đoàn cơ sở cử đại diện tham gia điều tra tai nạn lao động, và có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hoặc Toà án xử lý người chịu trách nhiệm để xảy ra tai nạn lao động.

Điều 5. - Công đoàn cơ sở tham gia ý kiến với người đứng đầu doanh nghiệp, cơ quan giải quyết kịp thời các khiếu nại, tố cáo của người lao động theo quy định tại điều 14 của Nghị định số 133-HĐBT.

Người đứng đầu doanh nghiệp, cơ quan cùng công đoàn cơ sở giải quyết kịp thời, không để chậm quá 15 ngày những ý kiến bất đồng nảy sinh giữa tập thể lao động với người đứng đầu doanh nghiệp, cơ quan về những vấn đề có liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Trong trường hợp cần thiết, công đoàn cơ sở có thể tổ chức đối thoại giữa tập thể lao động hoặc đại biểu của tập thể lao động (nơi có từ 150 lao động trở lên) với người đứng đầu doanh nghiệp, cơ quan nhằm tìm ra biện pháp giải quyết hợp lý bảo đảm nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Hai bên phải thông báo trước cho nhau về yêu cầu nội dung và cách thức đối thoại; sau mỗi lần đối thoại, phải công bố kết quả những vấn đề đã giải quyết, những việc cần tiếp tục xử lý để mọi người đều biết. Việc đối thoại không để ảnh hưởng đến sản xuất, công tác của doanh nghiệp cơ quan.

II. QUYỀN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA CÔNG ĐOÀN CƠ SỞ TRONG CÁC DOANH NGHIỆP THUỘC CÁC THÀNH PHẦN KINH TẾ.

Điều 6. - Sau khi tập thể lao động thảo luận và nhất trí nội dung thoả ước lao động công đoàn cơ sở đại diện người lao động ký thoả ước lao động tập thể với người đứng đầu doanh nghiệp.

Khi người lao động yêu cầu, công đoàn cơ sở có trách nhiệm giúp người lao động ký hợp đồng lao động cá nhân với doanh nghiệp theo đúng pháp luật.

A - ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

Điều 7. - Công đoàn cơ sở phối hợp với Giám đốc doanh nghiệp tổ chức Đại hội công nhân viên chức để người lao động tham gia ý kiến vào việc quản lý doanh nghiệp.

Công đoàn cơ sở tham gia ý kiến với Giám đốc doanh nghiệp trong việc quản lý sản xuất, kỹ thuật, bảo tồn giá trị và phát triển vốn của Nhà nước giao cho doanh nghiệp, đấu tranh ngăn chặn mọi hiện tượng tiêu cực; phối hợp với Giám đốc doanh nghiệp trong việc tổ chức phong trào thi đua lao động sản xuất, kinh doanh, thực hành tiết kiệm, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ của doanh nghiệp theo quy định tại điều 4 của Nghị định số 133-HĐBT.

[...]
7
Chủ quản: Công ty TNHH ThuVienNhaDat. Giấy phép số: đang chạy thử nghiệm. Mã số thuế: 0318679464 Địa chỉ trụ sở: Số 15 Đường 32, Khu Vạn Phúc, P. Hiệp Bình Phước, TP. Thủ Đức, TP. HCM, Việt Nam Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ