Quyết định 3948/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

Số hiệu 3948/QĐ-UBND
Ngày ban hành 11/10/2016
Ngày có hiệu lực 11/10/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Ngô Văn Tuấn
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3948/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 11 tháng 10 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÒNG NGỪA, ỨNG PHÓ SỰ CỐ HÓA CHẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA

CHỦ TỊCH UBND TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Hóa chất số 06/2007/QH12 ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Hóa chất; Nghị định s 26/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2008/NĐ-CP;

Căn cứ Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 05 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất độc hại;

Căn cứ Thông tư số 28/2010/TT-BCT ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ Công Thương quy định cụ thể một số điều của Luật Hóa chất và Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ; Thông tư số 20/2013/TT-BCT ngày 05 tháng 8 năm 2013 của Bộ Công Thương quy định về Kế hoạch và Biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong lĩnh vực công nghiệp;

Theo đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 873/TTr-SCT ngày 23 tháng 9 năm 2016 về việc đề nghị phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” với các nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU

Huy động sức mạnh tổng hợp của các cấp, các cơ quan, ban, ngành, đơn vị và các lực lượng trên địa bàn tỉnh để ngăn chặn, hạn chế làm giảm thiệt hại tới mức thấp nhất do sự cố hóa chất gây ra đối với con người và môi trường, cũng như ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

II. PHÂN VÙNG MỨC ĐỘ NGUY HIỂM XUNG QUANH CƠ SỞ HÓA CHẤT

1. Phân vùng theo giới hạn nồng độ tiếp xúc của con người (AEGL)

AEGL là các giá trị nồng độ của hóa chất trong không khí được nghiên cứu để giúp cơ quan quản lý cũng như các doanh nghiệp đánh giá được tình trạng phơi nhiễm trong trường hợp xảy ra sự cố rò rỉ làm phát tán khí độc hay các sự cố nghiêm trọng khác.

Có 3 mức độ nồng độ AEGL được định nghĩa như sau:

AEGL-1: Là nồng độ trong không khí của một chất mà tại nồng độ đó người tiếp xúc có thể cảm thấy khó chịu, kích thích, hoặc không có triệu chứng nhất định. Tuy nhiên, những tác động chỉ là tạm thời và hồi phục khi ngừng tiếp xúc.

AEGL-2: Là nồng độ trong không khí của một chất mà tại nồng độ đó người tiếp xúc có thể phải chịu nhng ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài, thậm chí không thể phục hồi ngay khi thoát ra khỏi khu vực đó.

AEGL-3: Là nồng độ trong không khí của một chất mà tại nồng độ đó người tiếp xúc có thể bị đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng hoặc tử vong.

2. Phân vùng theo nồng độ ngay lập tức nguy hiểm đến sức khỏe con người (IDLH)

IDLH là giá trị nồng độ hóa chất trong không khí mà người tiếp xúc có thể tử vong ngay lập tức hoặc phải chịu hậu quả vĩnh viễn.

Giá trị IDLH thường được sử dụng trong việc lựa chọn trang thiết bị bảo hộ cá nhân cho công nhân hay nhân viên cứu hộ, cứu nạn trong các tình huống cụ thể.

3. Phân vùng theo khả năng cháy, nổ và cường độ bức xạ nhiệt

Hai phương án để đánh giá ảnh hưởng của một sự cố, đó là:

- Đánh giá ảnh hưởng sau khi sự cố đã xảy ra;

- Tính toán mô phỏng bằng các công cụ hỗ trợ.

Dựa trên kết quả đánh giá các tổ chức, cá nhân có thể lập được kế hoạch ứng phó nhm giảm thiểu tối đa thiệt hại đối với con người và tài sản.

[...]