Kế hoạch 166/KH-UBND năm 2016 ứng phó sự cố cháy rừng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm 2016-2020

Số hiệu 166/KH-UBND
Ngày ban hành 17/11/2016
Ngày có hiệu lực 17/11/2016
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Văn Phương
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH
THỪA THIÊN HUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 166/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 17 tháng 11 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

ỨNG PHÓ SỰ CỐ CHÁY RỪNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ TỪ NĂM 2016 - NĂM 2020

Thực hiện Quyết định số 224/QĐ-TTg ngày 12 tháng 2 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020;

Căn cứ Nghị định 09/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng; Nghị định số 133/2015/NĐ-CP ngày 28 tháng 12 năm 2015 của Chính phủ Quy định việc phối hợp của Dân quân tự vệ với các lực lượng trong hoạt động bảo vệ biên giới, biển, đảo; bảo vệ an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở; bảo vệ và phòng, chống cháy rừng;

Theo Quyết định số 09/2013/QĐ-UBND ngày 23 tháng 02 năm 2013 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc ban hành Quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Quyết định số 944/QĐ-UBND ngày 09/5/2016 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2009-2020; Quyết định số 2711/QĐ-UBND ngày 25/11/2015 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2020 tỉnh Thừa Thiên Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch ứng phó sự cố cháy rừng trên địa bàn tỉnh với các nội dung như sau:

I. SỰ CẦN THIẾT, MỤC ĐÍCH, NGUYÊN TẮC VÀ YÊU CẦU

1. Sự cần thiết

Tỉnh Thừa Thiên Huế có diện tích tự nhiên 502.629,49 ha, trong đó, diện tích có rừng 283.003,0 ha; bao gồm rừng tự nhiên 212.172,2 ha, rừng trồng 70.830,8 ha. Đất có rừng trồng chưa thành rừng 29.340,3 ha. Độ che phủ rừng đạt 56,3%.

Toàn tỉnh có 93.523,89 ha rừng trồng và rừng trồng chưa thành rừng nằm trên các khu vực trọng điểm dễ xảy ra cháy, với địa hình rừng núi cao, có độ dốc lớn, hiểm trở, khó khăn trong việc di chuyển, tiếp cận đám cháy.

Thời tiết diễn biến phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, chịu tác động của biến đổi khí hậu, vào mùa hè tình trạng khô hạn kéo dài nhiều ngày, nhiều hồ chứa nước, khe suối bị cạn kiệt, làm cho thảm thực bì trên mặt đất khô nỏ, dễ bắt lửa; chịu tác động cộng hưởng gió Tây - Nam khô, nóng và hanh hoạt động mạnh vào thời kỳ cao điểm tháng 5 - 8 và kéo dài đến cuối mùa khô, báo động cháy rừng thường xuyên cấp V.

Là khu vực có nhiều bom đạn còn sót lại sau chiến tranh, có loại bom lân tinh khả năng tự phát cháy khi gặp oxy không khí ở nhiệt độ cao tự phát cháy.

Hầu hết rừng trồng thuần loài thông nhựa, keo các loại thường xảy ra cháy trên diện rộng. Các thiết kế trồng rừng của người dân chưa chú trọng đầu tư xây dựng các công trình phòng cháy.

Từ năm 2012 đến nay, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã xảy ra 59 vụ cháy, làm thiệt hại 106,02 ha rừng gây tổn thất hàng chục tỷ đồng, Công tác PCCCR đã được huy động hàng ngàn người với nhiều loại phương tiện tham gia chữa cháy rừng nhưng hiệu quả chưa cao.

Để công tác PCCCR đạt hiệu quả cao nhằm đáp ứng yêu cầu ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, việc xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố cháy rừng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm 2016 - 2020 là rất cần thiết.

2. Mục đích

- Bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng, góp phần hạn chế tối đa tình trạng cháy rừng nhằm đảm bảo an ninh môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh.

- Đảm bảo sự chỉ đạo thống nhất, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu ứng phó, khắc phục hậu quả khi có cháy rừng xảy ra.

- Là cơ sở để các cơ quan, đơn vị có liên quan thuộc các cấp tỉnh, huyện, xã thực hiện các nhiệm vụ được phân công như:

+ Tiến hành xây dựng và triển khai kế hoạch hành động PCCCR.

+ Có phương án tăng cường cơ sở vật chất, mua sắm phương tiện, trang thiết bị phát triển nguồn nhân lực, đào tạo kỹ thuật để phục vụ công tác PCCCR.

+ Triển khai công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân nhằm chủ động ứng phó có hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi có cháy rừng xảy ra.

3. Nguyên tắc và yêu cầu

- Cơ quan chỉ huy thống nhất điều hành công tác ứng phó sự cố cháy rừng trên địa bàn tỉnh là Ban chỉ đạo thực hiện kế hoạch Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh.

- Phát huy mọi nguồn nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật theo phương châm “4 tại chỗ và 4 sẵn sàng”, gồm: lực lượng; phương tiện, dụng cụ; hậu cần và chỉ huy.

- Tích cực, chủ động phòng ngừa, cảnh báo cháy rừng sớm; thu thập và xử lý thông tin nhanh, chính xác; chỉ huy điều hành thống nhất theo kế hoạch linh hoạt, sáng tạo và quyết đoán.

- Trong mọi trường hợp có cháy rừng xảy ra thì người chỉ huy PCCCR cao nhất được ủy quyền điều động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị của các đơn vị, cá nhân hiện có trên địa bàn tham gia ứng cứu.

- Trong trường hợp vượt quá khả năng của tỉnh, Ban chỉ đạo THKHBV&PTR tỉnh báo cáo Chi cục Kiểm lâm vùng II, Cục Kiểm lâm đề nghị hỗ trợ trong công tác PCCCR.

- Phát huy sức mạnh tổng hợp của ban ngành các cấp trên cơ sở chủ động tại chỗ từ cơ sở, kết hợp ứng cứu nhanh, huy động vật tư, phương tiện, lực lượng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để phục vụ công tác PCCCR. Phương tiện, trang thiết bị được huy động trưng dụng của các đơn vị, cá nhân vào hoạt động PCCCR bị thiệt hại sẽ được bồi thường theo quy định của pháp luật.

[...]