Kế hoạch 4137/KH-UBND năm 2014 thực hiện Chương trình hành động của ban chấp hành đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết “về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành

Số hiệu 4137/KH-UBND
Ngày ban hành 14/11/2014
Ngày có hiệu lực 14/11/2014
Loại văn bản Kế hoạch
Cơ quan ban hành Tỉnh Bình Thuận
Người ký Lê Tiến Phương
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4137/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 14 tháng 11 năm 2014

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH (KHÓA XII) THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT HỘI NGHỊ LẦN THỨ 9 BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (KHÓA XI) “VỀ XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HÓA, CON NGƯỜI VIỆT NAM ĐÁP ỨNG YÊU CẦU PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẤT NƯỚC”

Căn cứ Chương trình hành động số 29-NQ/TU ngày 11/7/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XII) thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”;

Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” trên địa bàn tỉnh với các nội dung cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện đầy đủ các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Chương trình hành động số 29-NQ/TU ngày 11/7/2014 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XII) về “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

- Bồi dưỡng và phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, ra sức gìn giữ và không ngừng phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc; từng bước xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ, khoa học, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

- Ngăn chặn kịp thời, có hiệu quả sự suy thoái về tư tưởng chính trị; đẩy lùi sự xuống cấp về đạo đức xã hội; hạn chế đến mức thấp nhất các biểu hiện thiếu văn hóa, phản văn hóa trong đời sống xã hội. Hình thành cơ bản các nề nếp giá trị văn hóa, trong hệ thống chính trị, trong các tổ chức, gia đình và cộng đồng dân cư; phấn đấu ngày càng thu hẹp sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa nghệ thuật giữa các vùng, miền trong tỉnh.

- Phấn đấu đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, ở cấp tỉnh có đủ các thiết chế văn hóa cơ bản (Trung tâm Văn hóa tỉnh, Bảo tàng, Thư viện mở rộng), tiếp tục đầu tư xây dựng đồng bộ và phát huy có hiệu quả thiết chế văn hóa- thể thao ở cấp huyện, thị xã, thành phố (từ 50-70%) và cơ sở xã, phường, thị trấn (từ 70-80%).

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

Rà soát, đánh giá việc khai thác, phát huy những thiết chế văn hóa hiện có từ tỉnh xuống các huyện, thị xã, thành phố và cơ sở xã, phường, thị trấn trong thời gian qua, trên cơ sở đó có kế hoạch tu bổ, nâng cấp phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, tránh lãng phí; bảo tồn và phát huy di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu của cộng đồng các dân tộc trong tỉnh; đồng thời tập trung đầu tư xây dựng một số công trình văn hóa thiết yếu, cụ thể:

a) Ở cấp tỉnh.

Tập trung nguồn lực đầu tư có trọng điểm cho văn hóa, bao gồm:

- Về kinh phí đầu tư:

+ Nguồn của Trung ương: Nguồn vốn đầu tư theo Quyết định số 88/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa giai đoạn 2012-2020 và Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030.

+ Nguồn của địa phương: Thực hiện việc đầu tư nguồn lực cho văn hóa theo hướng: đầu tư văn hóa tăng theo tỷ lệ thuận thu ngân sách hàng năm.

+ Nguồn huy động từ xã hội hóa: Cụ thể hóa cơ chế, chính sách xã hội hóa của Chính phủ trên lĩnh vực văn hóa sát hợp với tình hình thực tế của tỉnh để thu hút mạnh mẽ sự quan tâm đầu tư của các tổ chức, cá nhân nhằm góp phần phát triển sự nghiệp văn hóa, văn học - nghệ thuật của địa phương.

- Về quỹ đất: Ưu tiên dành quỹ đất công ở trung tâm thành phố Phan Thiết để xây dựng các thiết chế hoạt động văn hóa chủ yếu như: Trung tâm Văn hóa (thiết chế tổng hợp gồm: Nhà hát, nhà triển lãm), Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh (nâng cấp, mở rộng).

- Công tác bảo tồn, tu bổ, phát huy các di sản văn hóa: Chú trọng công tác bảo tồn và tôn tạo các loại hình di sản văn hóa. Ưu tiên các di tích đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia và di tích cấp tỉnh; bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa phi vật thể của cộng đồng các dân tộc tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

b) Ở cấp huyện, thị xã, thành phố và cơ sở xã, phường, thị trấn:

Đầu tư xây dựng và hoàn thành các công trình văn hóa, thể thao theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh tại Kế hoạch số 3839/KH-UBND ngày 26/9/2013 của UBND tỉnh về nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa đến năm 2020 và văn bản số 4180/UBND-VXDL ngày 15/10/2013 của UBND tỉnh.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nhiệm vụ

1.1 Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục thực hiện Nghị quyết

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền một cách đồng bộ, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan thông tin đại chúng trên địa bàn toàn tỉnh bằng các hình thức đa dạng, phong phú phù hợp với từng thời điểm thực hiện Nghị quyết; trong đó chú ý tuyên truyền, giáo dục lòng yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc; giáo dục kỹ năng sống, nâng cao ý thức tôn trọng pháp luật và xây dựng môi trường sống lành mạnh; giữ vững và tiếp tục phát huy truyền thống văn hóa, đạo lý tốt đẹp của dân tộc, từng bước hình thành các chuẩn mực giá trị văn hóa mới trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

a) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng Kế hoạch tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết trong toàn ngành bằng các hình thức phù hợp, gắn với việc khai thác, phát huy lợi thế đặc thù của chuyên ngành.

b) Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng trong tỉnh làm tốt công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết; đồng thời định hướng xây dựng các chuyên trang, chuyên mục trên báo giấy, báo điện từ, báo hình, báo nói nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI).

[...]