Quyết định 2365/QĐ-UBND năm 2016 về Đề án thực hiện khâu đột phá về cải cách hành chính; trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016-2020

Số hiệu 2365/QĐ-UBND
Ngày ban hành 19/09/2016
Ngày có hiệu lực 19/09/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Thọ
Người ký Bùi Minh Châu
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2365/QĐ-UBND

Phú Thọ, ngày 19 tháng 9 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN THỰC HIỆN KHÂU ĐỘT PHÁ VỀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH; TRỌNG TÂM LÀ CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020; Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 13/6/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 26-NQ/ĐH Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 15/4/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Phú Thọ khóa XVIII thực hiện khâu đột phá về cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 19/7/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ về việc thực hiện 4 khâu đột phá về huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội then chốt, phát triển nguồn nhân lực, phát triển du lịch và cải cách thủ tục hành chính tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 - 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 1062/TTr-SNV ngày 09 tháng 9 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án thực hiện khâu đột phá về cải cách hành chính; trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 - 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thực hiện./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Bùi Minh Châu

 

ĐỀ ÁN

THỰC HIỆN KHÂU ĐỘT PHÁ VỀ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH; TRỌNG TÂM LÀ CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
(Ban hành kèm Quyết định số 2356/QĐ-UBND ngày 19/9/2016 của UBND tỉnh Phú Thọ)

Phần I

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Sự cần thiết phải xây dựng Đề án

Thực hiện Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính Phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020; Phú Thọ được đánh giá là một trong những địa phương thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC); được Bộ Nội vụ đánh giá, xếp hạng Chỉ số CCHC (Par Index): Năm 2012 xếp thứ 23/63; năm 2013 xếp thứ 4/63; năm 2014 xếp thứ 7/63; năm 2015 xếp thứ 11/63 tỉnh, thành. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2012 xếp thứ 40/63; năm 2013 xếp thứ 54/63; năm 2014 xếp thứ 39/63; năm 2015 xếp thứ 35/63 tỉnh, thành. Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2012 xếp thứ 9/63; năm 2013 xếp thứ 35/63; năm 2014 xếp thứ 25/63; năm 2015 xếp thứ 03/63 tỉnh, thành; đồng thời đã đạt được một số kết quả nổi bật như sau:

Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh được chú trọng, đặc biệt là việc hoàn thiện hệ thống thể chế về cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của địa phương, trên tất cả các lĩnh vực. Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành đều mang tính dự báo chiến lược cao, ưu tiên giải quyết những vấn đề cấp bách, bức thiết, đồng thời cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; quy trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật được đổi mới phù hợp với hoạt động kiểm soát thủ tục hành chính (TTHC), đảm bảo đúng quy trình, tiến độ, chất lượng, phù hợp với quy định của pháp luật.

Đã triển khai việc xác định danh mục vị trí việc làm và cơ cấu công chức, viên chức theo ngạch trong các cơ quan, đơn vị của tỉnh và đã được Bộ Nội vụ phê duyệt tại Quyết định số 2068/QĐ-BNV ngày 31/12/2015; thực hiện thí điểm thi tuyển chức danh Lãnh đạo; đổi mới công tác đánh giá công chức theo hướng đề cao trách nhiệm người đứng đầu và gắn với kết quả công vụ; thực hiện tốt hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (CB, CC, VC); có chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ sinh viên tốt nghiệp Đại học đạt loại giỏi, xuất sắc, thạc sĩ, tiến sĩ về tỉnh công tác; đổi mới cơ chế quản lý và chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức (CB, CC) cấp xã và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã... Do đó, chất lượng đội ngũ CB, CC đã được nâng lên đáng kể, cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra; hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý điều hành của bộ máy chính quyền các cấp được tăng cường.

Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã tạo chuyển biến tích cực trong giải quyết TTHC, góp phần tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư sản xuất - kinh doanh của các thành phần kinh tế; toàn tỉnh đã có 100% các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã, có TTHC liên quan đến cá nhân, tổ chức và doanh nghiệp, đều triển khai thực hiện giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa. Một số lĩnh vực: Thu hút đầu tư; cấp Giấy phép xây dựng; chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình cá nhân sử dụng đất tại các phường, thị trấn đăng ký khai sinh và cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi đã được thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông. Mô hình một cửa điện tử hiện đại cũng được UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tại UBND thành phố Việt trì, UBND phường Gia Cẩm, UBND phường Tiên Cát; Bảo hiểm xã hội tỉnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh cũng đã áp dụng mô hình một cửa điện tử hiện đại vào tiếp nhận giải quyết các TTHC và tiếp nhận khám chữa bệnh cho nhân dân... Đã từng bước góp phần đổi mới mối quan hệ của các cơ quan hành chính nhà nước với người dân theo hướng phục vụ. Năm 2014, đã thực hiện khảo sát mức độ hài lòng của cá nhân, tổ chức đối với việc giải quyết các TTHC tại cơ quan hành chính nhà nước tỉnh Phú Thọ, tỷ lệ hài lòng chung của các cá nhân, tổ chức đạt 68%.

Cổng giao tiếp điện tử của tỉnh được duy trì và hoạt động ổn định, cung cấp đầy đủ các thông tin về chỉ đạo, điều hành, thông tin kinh tế xã hội của tỉnh; hệ thống một cửa điện tử tích hợp cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh được đưa vào sử dụng, cung cấp trực tuyến 100% các dịch vụ công của tỉnh ở mức độ 2; 28% các dịch vụ công ở mức 3; 5,3% các dịch vụ công ở mức 4.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế như:

- Hiệu quả của CCHC chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và yêu cầu nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới; mức độ xếp hạng Chỉ số CCHC (Par Index) của tỉnh tuy ở nhóm đạt kết quả tốt, nhưng chưa thực sự bền vững;

- Vị trí xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của tỉnh vẫn giữ mức thấp; trong đó, nhiều chỉ tiêu đánh giá chất lượng của công tác quản lý nhà nước có vị trí xếp hạng thấp; kết quả về thu hút đầu tư như hiện nay chưa tương xứng với điều kiện, tiềm năng và thế mạnh của tỉnh;

[...]