Quyết định 223/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 223/QĐ-TTg
Ngày ban hành 12/02/2015
Ngày có hiệu lực 12/02/2015
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Hoàng Trung Hải
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 223/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 12 tháng 02 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN LƯU VỰC SÔNG NHUỆ - SÔNG ĐÁY ĐẾN NĂM 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn;

Căn cứ Quyết định số 57/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2030 với các nội dung chính như sau:

1. Phạm vi quy hoạch

Diện tích lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy thuộc toàn bộ ranh giới hành chính của tỉnh Hà Nam, tỉnh Ninh Bình và một phần ranh giới hành chính của tỉnh Hòa Bình, tỉnh Nam Định và thành phố Hà Nội với tổng diện tích khoảng 7.665 km2.

2. Quan điểm quy hoạch

- Phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội; Quy hoạch sử dụng đất; Quy hoạch xây dựng các tỉnh thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy; Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 57/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2008; Chiến lược quốc gia quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn 2050 tại Quyết định số 2149/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ; các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Quy hoạch quản lý chất thải rắn các tỉnh thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy được lập trên cơ sở từng bước đóng cửa các bãi chôn lấp chất thải rắn không hợp vệ sinh và quá tải bảo đảm giải quyết ô nhiễm môi trường, phát triển bền vững. Xây dựng đồng bộ các cơ sở xử lý chất thải rắn cấp vùng tỉnh, liên đô thị và hệ thống thu gom, vận chuyển phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa phương.

- Chất thải rắn phải được phân loại tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý bằng công nghệ tiên tiến phù hợp. Hạn chế tối đa chất thải rắn phải chôn lấp nhằm tiết kiệm tài nguyên đất và bảo vệ môi trường. Chất thải rắn nguy hại được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định bảo đảm không phát tán ra môi trường.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và quản lý các hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn.

3. Mục tiêu quy hoạch

- Cụ thể hóa Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 57/2008/QĐ-TTg ngày 29 tháng 4 năm 2008.

- Dự báo tổng lượng chất thải rắn phát sinh, xác định phương thức phân loại, thu gom, vận chuyển chất thải rắn; xác định các cơ sở xử lý chất thải rắn và phạm vi phục vụ đáp ứng nhu cầu xử lý chất thải rắn cho lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

- Nâng cao hiệu quả quản lý tổng hợp chất thải rắn, cải thiện chất lượng môi trường, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững trong lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

- Làm cơ sở cho việc triển khai các dự án đầu tư xây dựng cơ sở xử lý chất thải rắn trên địa bàn các tỉnh thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.

4. Nội dung quy hoạch

a) Các chỉ tiêu quy hoạch

- Các chỉ tiêu tính toán quy hoạch căn cứ theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành. Tiêu chuẩn tính toán, tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn theo các giai đoạn đến năm 2030 của các tỉnh thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy như sau:

- Chất thải rắn sinh hoạt:

+ Năm 2020: Tỷ lệ thu gom khu vực đô thị 95%, nông thôn 70%;

+ Năm 2030: Tỷ lệ thu gom khu vực đô thị 100%, nông thôn 90%.

[...]