Thông tư 08/2017/TT-BXD quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành

Số hiệu 08/2017/TT-BXD
Ngày ban hành 16/05/2017
Ngày có hiệu lực 01/07/2017
Loại văn bản Thông tư
Cơ quan ban hành Bộ Xây dựng
Người ký Phan Thị Mỹ Linh
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Tài nguyên - Môi trường

BỘ XÂY DỰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2017/TT-BXD

Hà Nội, ngày 16 tháng 05 năm 2017

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN XÂY DỰNG

Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu;

Căn cứ Nghị định số 62/2013/NĐ-CP ngày 25 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Hạ tầng Kỹ thuật;

Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư quy định về quản lý chất thải rắn xây dựng.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định chi tiết về việc phân loại, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải rắn xây dựng được quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu (sau đây viết tắt là Nghị định số 38/2015/NĐ-CP).

2. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây viết tắt là tổ chức, cá nhân) có hoạt động liên quan đến việc quản lý chất thải rắn xây dựng (sau đây viết tắt là CTRXD) trên lãnh thổ Việt Nam.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. CTRXD là chất thải rắn phát sinh trong quá trình khảo sát, thi công xây dựng công trình (bao gồm công trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, di dời, tu bổ, phục hồi, phá dỡ).

2. Hoạt động quản lý CTRXD là các hoạt động kiểm soát CTRXD trong suốt quá trình từ phát sinh, phân loại đến thu gom, vận chuyển, lưu giữ tạm thời, tái chế, xử lý hoặc tái sử dụng nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu những tác động có hại đối với môi trường và sức khỏe con người.

3. Chủ nguồn thải CTRXD là chủ đầu tư hoặc nhà thầu chính thi công xây dựng công trình (được chủ đầu tư ủy quyền thông qua hợp đồng) có phát sinh CTRXD.

4. Chủ thu gom, vận chuyển, xử lý CTRXD là các tổ chức, cá nhân thực hiện thu gom, vận chuyển, xử lý CTRXD.

5. Cơ sở xử lý CTRXD là cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý CTRXD (có thể bao gồm cả hoạt động tái chế, tái sử dụng hoặc chôn lấp).

Điều 3. Nguyên tắc quản lý chất thải rắn xây dựng

1. Quản lý CTRXD phải tuân thủ các nguyên tắc chung về quản lý chất thải có liên quan quy định tại Điều 4 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP.

2. Khi thiết kế công trình phải có giải pháp thiết kế và công nghệ, lựa chọn sử dụng vật liệu hợp lý nhằm hạn chế tối đa lượng chất thải phát sinh.

3. Vị trí, quy mô các điểm tập kết, trạm trung chuyển và cơ sở xử lý CTRXD phải phù hợp với quy hoạch xây dựng, quy hoạch quản lý chất thải rắn.

4. Dự án đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý CTRXD được hưởng ưu đãi theo các quy định về ưu đãi, hỗ trợ hoạt động bảo vệ môi trường, sản xuất vật liệu xây dựng và các ưu đãi khác theo quy định hiện hành.

5. Khuyến khích cộng đồng dân cư tham gia giám sát việc thực hiện các quy định quản lý CTRXD trên địa bàn.

Điều 4. Cơ sở dữ liệu về quản lý chất thải rắn xây dựng

1. Cơ sở dữ liệu về quản lý CTRXD bao gồm các số liệu như sau:

a) Thành phần, khối lượng CTRXD phát sinh;

b) Khối lượng CTRXD thu gom, vận chuyển và xử lý tại cơ sở xử lý;

[...]