Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Quyết định 2149/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 2149/QĐ-TTg
Ngày ban hành 17/12/2009
Ngày có hiệu lực 17/12/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Hoàng Trung Hải
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 2149/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 17 tháng 12 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC QUỐC GIA VỀ QUẢN LÝ TỔNG HỢP CHẤT THẢI RẮN ĐẾN NĂM 2025, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 59/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chính sau đây:

1. Quan điểm

- Quản lý tổng hợp chất thải rắn là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó Nhà nước có vai trò chủ đạo, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa mọi nguồn lực, tăng cường đầu tư cho công tác quản lý tổng hợp chất thải rắn.

- Quản lý tổng hợp chất thải rắn được thực hiện liên vùng, liên ngành, đảm bảo sự tối ưu về kinh tế, kỹ thuật, an toàn về xã hội và môi trường, gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch phát triển khác.

- Quản lý tổng hợp chất thải rắn là một trong những ưu tiên của công tác bảo vệ môi trường, góp phần kiểm soát ô nhiễm, hướng tới phát triển bền vững đất nước.

- Quản lý tổng hợp chất thải rắn phải đáp ứng theo nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền”, theo đó các tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường có trách nhiệm đóng góp kinh phí, khắc phục, bồi dưỡng thiệt hại theo quy định của pháp luật.

- Quản lý chất thải rắn phải được thực hiện theo phương thức tổng hợp, nhằm phòng ngừa, giảm thiểu phát sinh chất thải tại nguồn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, tăng cường tái sử dụng, tái chế để giảm khối lượng chất thải phải chôn lấp.

2. Tầm nhìn tới năm 2050

Phấn đấu tới năm 2050, tất cả các loại chất thải rắn phát sinh đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, hạn chế khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp đến mức thấp nhất.

3. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát đến 2025

- Nâng cao hiệu quả quản lý tổng hợp chất thải rắn nhằm cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo sức khỏe cộng đồng và góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững đất nước.

- Hệ thống quản lý tổng hợp chất thải rắn được xây dựng, theo đó chất thải rắn được phân loại tại nguồn, thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến và phù hợp, hạn chế tối đa lượng chất thải phải chôn lấp nhằm tiết kiệm tài nguyên đất và hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Chất thải rắn nguy hại được quản lý và xử lý theo các phương thức phù hợp.

- Nhận thức của cộng đồng về quản lý tổng hợp chất thải rắn được nâng cao, hình thành lối sống thân thiện với môi trường. Các điều kiện cần thiết về cơ sở hạ tầng, tài chính và nguồn nhân lực cho quản lý tổng hợp chất thải rắn được thiết lập.

b) Mục tiêu cụ thể

- Đến năm 2015:

+ 85% tổng hợp chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường, trong đó 60% được tái chế, tái sử dụng, thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ.

+ 50% tổng lượng chất thải rắn xây dựng phát sinh tại các đô thị được thu gom xử lý, trong đó 30% được thu hồi để tái sử dụng hoặc tái chế.

+ 30% bùn bể phốt của các đô thị từ loại II trở lên và 10% của các đô thị còn lại được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường.

+ Giảm 40% khối lượng túi nilon sử dụng tại các siêu thị và trung tâm thương mại so với năm 2010.

+ 50% các đô thị có công trình tái chế chất thải rắn thực hiện phân loại tại hộ gia đình.

+ 80% tổng lượng chất thải rắn công nghiệp không nguy hại phát sinh được thu gom và xử lý đảm bảo môi trường, trong đó 70% được thu hồi để tái sử dụng và tái chế.

+ 60% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh tại các khu công nghiệp được xử lý đảm bảo môi trường.

[...]