Quyết định 2188/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 do tỉnh Sơn La ban hành

Số hiệu 2188/QĐ-UBND
Ngày ban hành 08/09/2008
Ngày có hiệu lực 08/09/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Sơn La
Người ký Hoàng Chí Thức
Lĩnh vực Bộ máy hành chính,Tài nguyên - Môi trường

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2188/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 08 tháng 9 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG TỈNH SƠN LA ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về thi hành Luật Bảo vệ và Phát triển rừng;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP;

Căn cứ Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về mục tiêu, nhiệm vụ, chính sách và tổ chức thực hiện Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng; Quyết định số 100/2007/QĐ-TTg ngày 06 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 661/QĐ-TTg ngày 29 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 384/QĐ-TTg ngày 09 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Sơn La thời kỳ 2006 - 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 218/NQ-HĐND ngày 21 tháng 7 năm 2008 của HĐND tỉnh Sơn La về thông qua quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Sơn La đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020;

Xét đề nghị của Chi cục Lâm nghiệp tại Tờ trình số 28/TTr-CCLN ngày 18 tháng 8 năm 2008; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo thẩm định số 331/BCTĐ-KHĐT ngày 04 tháng 9 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Sơn La đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020, với các nội dung chính sau:

I. PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU VÀ NHIỆM VỤ

1. Phương hướng phát triển

Phát triển rừng một cách toàn diện, lấy nhiệm vụ bảo vệ, khôi phục rừng phòng hộ đầu nguồn làm trọng tâm. Đẩy mạnh phát triển rừng sản xuất, nâng cao chất lượng rừng hiện có, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung gắn với chế biến lâm sản tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp.

Lấy khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng để phát triển vốn rừng là chính, chú trọng trồng rừng sản xuất tập trung gắn với cơ sở chế biến và thị trường; Phát triển hệ thống rừng phòng hộ đầu nguồn, phòng hộ môi trường, gắn với du lịch sinh thái.

Rà soát, hoàn thiện công tác giao đất rừng, giao rừng, khoán rừng và cho thuê rừng nhằm đảm bảo các khu rừng đều có chủ quản lý, sử dụng rừng đúng mục đích, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vi phạm pháp luật về rừng.

Phát triển kinh tế rừng phải gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, đặc biệt là đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với thị trường, đồng thời mở rộng liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư bảo vệ rừng, trồng rừng, kinh doanh rừng, bao tiêu sản phẩm.

Phát huy cao nội lực và các nguồn lực trong dân, đồng thời tranh thủ tối đa sự giúp đỡ của Trung ương, các nguồn đầu tư của nước ngoài và các tổ chức phi chính phủ, các thành phần kinh tế cho bảo vệ và phát triển rừng.

2. Mục tiêu và nhiệm vụ đến năm 2020

2.1. Mục tiêu

Tập trung xây dựng, bảo vệ hệ thống rừng phòng hộ lưu vực sông Đà, sông Mã và các vùng đầu nguồn quan trọng khác. Quản lý bảo vệ tốt các khu rừng đặc dụng hiện có. Phát triển rừng sản xuất theo hướng mở rộng liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, đầu tư vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm.

Phấn đấu đến năm 2020 trồng mới 98.278 ha trong đó rừng sản xuất 69.141 ha, rừng phòng hộ 28.737 ha; khoanh nuôi tái sinh 180.000 ha, bảo vệ rừng 850.000 ha, nâng độ che phủ rừng từ 42,08% năm 2006 lên 55% năm 2015 và 60% vào năm 2020.

2.2. Nhiệm vụ

a) Về kinh tế

* Giai đoạn 2008 - 2010

+ Tăng giá trị sản xuất của ngành lâm nghiệp (bao gồm cả công nghiệp chế biến lâm sản và các dịch vụ môi trường) bình quân 4%/năm, đạt 160 - 170 tỷ đồng/năm. Giá trị lâm sản xuất khẩu 1,0 triệu USD/năm.

[...]