Thứ 6, Ngày 25/10/2024

Quyết định 147/2007/QĐ-TTg về chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 147/2007/QĐ-TTg
Ngày ban hành 10/09/2007
Ngày có hiệu lực 07/10/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 147/2007/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 10 tháng 9 năm 2007

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 23 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị quyết số 73/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006 của Quốc hội khoá XI, kỳ họp thứ 10 về điều chỉnh chỉ tiêu, nhiệm vụ Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng;

Căn cứ Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam đến năm 2020;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quan điểm chỉ đạo phát triển rừng sản xuất

1. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư trồng rừng và chế biến lâm sản theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

2. Rừng sản xuất là rừng đa mục tiêu, trồng rừng sản xuất nhằm tăng thu nhập cho người làm nghề rừng và góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái.

3. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng đầu tư và hưởng lợi trực tiếp từ việc trồng rừng, khai thác và chế biến gỗ, lâm sản; Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí ban đầu nhằm khuyến khích phát triển rừng, đồng thời là để chi trả một phần giá trị môi trường do rừng trồng mang lại và bù đắp lợi nhuận thấp do tính đặc thù của nghề rừng.

4. Phát triển rừng sản xuất phải gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm lâm sản để tạo được nghề rừng ổn định và phát triển bền vững.

5. Ưu tiên hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư trồng rừng sản xuất ở các xã đặc biệt khó khăn, tạo động lực thúc đẩy phát triển lâm nghiệp ở các xã này. Trong đó đặc biệt ưu tiên hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất ở các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và các huyện miền núi của các tỉnh Trung Bộ.

Điều 2. Mục tiêu phát triển rừng sản xuất

1. Trồng 2 triệu ha rừng sản xuất, bình quân mỗi năm trồng 250 nghìn ha (bao gồm cả diện tích trồng lại rừng sau khai thác).

2. Giải quyết việc làm, tăng thu nhập nhằm ổn định đời sống cho đồng bào miền núi.

3. Thúc đẩy hình thành thị trường nghề rừng phát triển ổn định lâu dài, bao gồm thị trường cung cấp giống, dịch vụ kỹ thuật, thị trường chế biến và tiêu thụ lâm sản.

Điều 3. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng trong nước hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam thực hiện trồng rừng sản xuất, khai thác và chế biến lâm sản.

2. Những dự án đã áp dụng theo quy định tại Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ và những diện tích đã được hỗ trợ trồng rừng từ nguồn vốn ODA không thuộc phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng tại Quyết định này.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

1. Hỗ trợ sau đầu tư: là hình thức hỗ trợ mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng có đất quy hoạch là rừng sản xuất tự tổ chức trồng rừng, sau khi rừng trồng được nghiệm thu, Nhà nước sẽ thanh toán cho người trồng rừng phần vốn hỗ trợ theo quy định tại Quyết định này.

2. Hỗ trợ đầu tư: là hình thức hỗ trợ một phần vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng để trồng rừng.

Chương II

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐẦU TƯ CỦA NHÀ NƯỚC

Điều 5. Hỗ trợ đầu tư trồng rừng và khuyến lâm

1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng ở các xã đặc biệt khó khăn (theo Quyết định số 164/2006/QĐ-TTg ngày 11 tháng 7 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Danh sách xã đặc biệt khó khăn), trồng rừng trên đất trồng, đồi núi trọc, quy hoạch là rừng sản xuất thì được hỗ trợ vốn từ ngân sách nhà nước, mức hỗ trợ cụ thể như sau:

a) Trồng các loài cây sản xuất gỗ lớn (khai thác sau 10 năm tuổi), cây bản địa, mức hỗ trợ 3 triệu đồng/ha; trồng các loài cây sản xuất gỗ nhỏ (khai thác trước 10 năm tuổi), mức hỗ trợ 2 triệu đồng/ha.

[...]