Quyết định 380/QĐ-TTg năm 2008 về chính sách thí điểm chi trả dịch vụ môi trường rừng do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 380/QĐ-TTG
Ngày ban hành 10/04/2008
Ngày có hiệu lực 10/04/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Hoàng Trung Hải
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 380/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 10 tháng 04 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

CHÍNH SÁCH THÍ ĐIỂM CHI TRẢ DỊCH VỤ MÔI TRƯỜNG RỪNG

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg ngày 05 tháng 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam đến năm 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,

QUYẾT ĐỊNH:

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích

Tạo cơ sở cho việc xây dựng khung pháp lý về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng áp dụng trên phạm vi cả nước theo hướng xác định rõ lợi ích, quyền hạn và nghĩa vụ của các đối tượng được chi trả và phải chi trả dịch vụ môi trường rừng (sau đây viết tắt là dịch vụ MTR), thực hiện xã hội hóa nghề rừng, từng bước tạo lập cơ sở kinh tế bền vững cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường và các hệ sinh thái, nâng cao chất lượng cung cấp các dịch vụ, đặc biệt là bảo đảm nguồn nước cho sản xuất điện, nước và các hoạt động kinh doanh du lịch.

Điều 2. Phạm vi Điều chỉnh

1. Quyết định này quy định loại dịch vụ; mức nộp tiền sử dụng dịch vụ; chế độ quản lý và sử dụng tiền thu được từ dịch vụ MTR; quyền hạn, nghĩa vụ của các đối tượng được chi trả và phải chi trả dịch vụ MTR; trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc thực hiện chính sách chi trả dịch vụ MTR.

2. Thời gian áp dụng chính sách thí điểm chi trả dịch vụ MTR là hai năm, kể từ khi Quyết định này có hiệu lực thi hành. Chính sách chi trả dịch vụ MTR được áp dụng thí điểm trên địa bàn các tỉnh Lâm Đồng, Sơn La, Đồng Nai, Hòa Bình, Bình Thuận, Ninh Thuận và Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 3. Đối tượng áp dụng

1. Các tổ chức sử dụng và phải chi trả dịch vụ MTR trong Quyết định này, gồm:

a) Nhà máy thủy điện Đại Ninh thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tại tỉnh Bình Thuận;

b) Nhà máy thủy điện Đa Nhim thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tại tỉnh Ninh Thuận;

c) Nhà máy thủy điện Hòa Bình thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tại tỉnh Hòa Bình;

d) Các nhà máy thủy điện dọc Suối Sập thuộc tỉnh Sơn La;

đ) Tổng Công ty cấp nước Sài Gòn (SAWACO) thuộc thành phố Hồ Chí Minh;

e) Công ty xây dựng cấp nước Đồng Nai thuộc tỉnh Đồng Nai;

g) Chi nhánh cấp nước huyện Phù Yên và Mộc Châu thuộc Công ty cấp nước Sơn La, tỉnh Sơn La;

h) Tổ chức, cá nhân kinh doanh các loại hình du lịch và sản phẩm du lịch trên địa bàn các khu rừng đặc dụng, khu rừng phòng hộ thuộc phạm vi hành chính của 2 tỉnh Lâm Đồng và Sơn La.

2. Toàn bộ chủ rừng nằm ở vùng đầu nguồn lưu vực sông Đồng Nai, Sông Đà trong phạm vi hành chính của tỉnh Lâm Đồng và Sơn La.

3. Cơ quan nhà nước có liên quan đến việc thu, nộp quản lý và sử dụng tiền thu được từ chi trả dịch vụ MTR có trụ sở trên địa bàn các tỉnh Lâm Đồng, Sơn La, Đồng Nai, Ninh Thuận, Bình Thuận, Hòa Bình và thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

Trong Quyết định này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Dịch vụ MTR là việc cung ứng và sử dụng bền vững các giá trị sử dụng của môi trường rừng (Điều tiết nguồn nước, bảo vệ đất, chống bồi lắng lòng hồ, ngăn chặn lũ lụt, lũ quét, cảnh quan, đa dạng sinh học…).

2. Các chủ rừng theo quy định tại Quyết định này gồm: các chủ rừng được quy định trong Luật bảo vệ và phát triển rừng; các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, bản trực tiếp quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, bản được đại diện các chủ rừng của Nhà nước giao khoán bảo vệ rừng ổn định, lâu dài.

[...]