Quyết định 08/2007/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 do tỉnh Quảng Trị ban hành

Số hiệu 08/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 17/05/2007
Ngày có hiệu lực 17/05/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Trị
Người ký Lê Hữu Phúc
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 08/2007/QĐ-UBND

Đông Hà, ngày 17 tháng 5 năm 2007

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 3 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 25 tháng 10 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 23/2006/NĐ-CP ngày 3/3/2006 của Chính phủ về việc thi hành Luật Bảo vệ và phát triển rừng;

Căn cứ Quyết định số 18/2007/QĐ-TTg ngày 5/2/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt nam giai đoạn 2006-2020;

Căn cứ Công văn số 605/BNN-LN ngày 23 tháng 3 năm 2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về góp ý cho dự thảo chiến lược phát triển lâm nghiệp Quảng Trị giai đoạn 2005 - 2010 và định hướng đến năm 2020; Thẩm định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn số 325/BNN-LN ngày 05 tháng 12 năm 2006 về kết quả rà soát quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Quảng Trị;

Căn cứ Nghị quyết số 03/2007/NQ-HĐND ngày 12 tháng 4 năm 2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị Khoá V, kỳ họp thứ 9 về Quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng đến năm 2010, định hướng đến năm 2020;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 344/TTr-SNN ngày 27 tháng 4 năm 2007 về việc xin phê duyệt Đề án quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh Quảng Trị,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu:

Bảo vệ và phát triển vốn rừng tự nhiên, rừng trồng hiện có, chống suy thoái nguồn tài nguyên rừng, thực hiện xã hội hoá nghề rừng trên cơ sở tổ chức, quản lý, sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên rừng, giao đất, giao rừng nhằm giải quyết tốt mục tiêu phòng hộ, an ninh môi trường, cung cấp đầy đủ nguồn nguyên liệu cho phát triển công nghiệp chế biến gỗ, lâm sản và lâm sản ngoài gỗ góp phần vào công cuộc đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế - xã hội của Tỉnh đồng thời đáp ứng nhu cầu gỗ tiêu dùng của nhân dân, xây dựng nền lâm nghiệp phát triển bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Nâng độ che phủ của rừng từ 41,2% hiện nay lên 43-44% vào năm 2010 và ổn định độ che phủ rừng trên 50% so với đất tự nhiên toàn tỉnh vào năm 2020.

2. Chỉ tiêu và nhiệm vụ:

2.1. Ổn định quy hoạch, xây dựng và phát triển 3 loại rừng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 với diện tích 330.126 ha.

- Xây dựng rừng phòng hộ: Xây dựng hệ thống rừng phòng hộ ổn định, tập trung vào lưu vực 3 con sông chính trên địa bàn tỉnh và hệ thống rừng phòng hộ cát ven biển. Tổng diện tích rừng phòng hộ 95.794 ha chiếm 20,2 % so với diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh.

- Xây dựng rừng đặc dụng: Xây dựng ổn định Khu bảo tồn thiên nhiên Đakrông (37.640 ha), Rú Lịnh thuộc địa bàn huyện Vĩnh Linh (270 ha), Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hoá (25.200 ha), Khu bảo vệ cảnh quan đường Hồ Chí Minh huyền thoại tại huyện Hướng Hoá (5.680 ha). Tổng diện tích rừng đặc dụng 68.790 ha chiếm 14,5% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh.

- Xây dựng rừng sản xuất: Quy hoạch điều chỉnh đối tượng rừng đã trồng, rừng tự nhiên nghèo kiệt không có khả năng phục hồi, đất trống, đồi núi trọc có độ dốc nhỏ, địa hình thuận lợi cho phát triển rừng sản xuất. Thực hiện trồng rừng thâm canh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả rừng trồng. Tổng diện tích đất quy hoạch để phát triển rừng sản xuất 165.542 ha, chiếm 34,9% diện tích đất tự nhiên toàn tỉnh.

2.2. Một số chỉ tiêu cụ thể:

- Diện tích trồng rừng hàng năm: Giai đoạn 2007-2010: 4.500 ha/năm, trong đó: Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng: 1.000 - 1.500ha/năm, trồng rừng sản xuất: 3.000 - 3.500 ha/năm; Định hướng từ năm 2011 đến năm 2020: 5.000 ha/năm, trong đó: Trồng rừng phòng hộ, đặc dụng: 1.500 ha/năm, trồng rừng sản xuất: 3.500 ha/năm.

- Diện tích khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên hàng năm: Giai đoạn 2007-2010: 18.000 ha/năm; Định hướng từ năm 2011 đến năm 2020: 20.000 ha/năm.

- Diện tích giao khoán bảo vệ rừng phòng hộ xung yếu hàng năm: Giai đoạn 2007-2010: 40.000 ha/năm; Định hướng từ năm 2011 đến năm 2020: 50.000 ha/năm.

- Khai thác, chế biến và tiêu thụ lâm sản:

+ Đối với rừng tự nhiên: Từ năm 2007 trở đi không khai thác gỗ từ rừng tự nhiên để tập trung thực hiện các biện pháp kỹ thuật lâm sinh, nâng cao chất lượng, trữ lượng rừng. Việc khai thác rừng được xem xét khi rừng đã phục hồi về trữ lượng và chất lượng (trữ lượng đạt khoảng 90 - 120 m3/ha vào năm 2010 và 120 - 150 m3/ha vào năm 2020).

+ Đối với rừng trồng: Giai đoạn 2007-2010 mỗi năm khai thác 1.000 - 1.500 ha rừng trồng từ các chương trình dự án lâm nghiệp đã đầu tư và cây trồng phân tán với sản lượng gỗ từ 100.000 - 150.000m3/năm nhằm đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho chế biến gỗ. Giai đoạn 2011-2020 xây dựng vùng nguyên liệu ổn định sản lượng gỗ khai thác hàng năm từ 130.000 - 180.000m3/năm.

+ Khai thác lâm sản ngoài gỗ :

Sản lượng nhựa thông khai thác hàng năm: Giai đoạn 2007-2010: 4.000-5.000 tấn/năm; Định hướng từ năm 2011 đến năm 2020: 8.000 tấn/năm.

[...]