Quyết định 2169/QĐ-BYT năm 2011 về Kế hoạch hoạt động thị trường tổng thể phương tiện tránh thai trong Chương trình mục tiêu quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 2169/QĐ-BYT
Ngày ban hành 27/06/2011
Ngày có hiệu lực 27/06/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Nguyễn Bá Thủy
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

BỘ Y TẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2169/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 27 tháng 06 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG THỊ TRƯỜNG TỔNG THỂ PHƯƠNG TIỆN TRÁNH THAI TRONG CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA DÂN SỐ VÀ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 188/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;

Căn cứ Quyết định số 18/2008/QĐ-TTg ngày 29/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình;

Căn cứ Quyết định số 2331/QĐ-TTg ngày 20/12/2010 về việc ban hành danh mục các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2011;

Để triển khai thực hiện Chiến lược Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Kế hoạch hoạt động thị trường tổng thể phương tiện tránh thai trong Chương trình mục tiêu quốc gia dân số và kế hoạch hóa gia đình".

Điều 2. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Y tế và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Lưu: VT, TCDS (5 bản).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Bá Thủy

 

KẾ HOẠCH

HOẠT ĐỘNG THỊ TRƯỜNG TỔNG THỂ PHƯƠNG TIỆN TRÁNH THAI TRONG CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA DÂN SỐ VÀ KẾ HOẠCH HÓA GIA ĐÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2169/QĐ-BYT ngày 27 tháng 6 năm 2011 của Bộ Y tế)

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG

Tỷ lệ sử dụng biện pháp tránh thai (BPTT) đến 1/4/2010 đạt 78,0%, trong đó BPTT hiện đại đạt 67,5%. Điều này có ý nghĩa là đa số các cặp vợ chồng đã chấp nhận thực hiện BPTT để tránh mang thai ngoài ý muốn và cũng đảm bảo để duy trì tổng tỷ suất sinh ở mức 2,0% (1/4/2010). Tuy nhiên, tình hình cung cấp và sử dụng phương tiện tránh thai (PTTT) còn có những bất cập như sau:

- Hầu hết các PTTT được cung cấp miễn phí do nguồn ngân sách nhà nước đầu tư (trừ bao cao su và một phần thuốc uống tránh thai kết hợp), nên chưa bảo đảm tính bền vững của Chương trình dân số và kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ).

- Thu nhập và sự phân biệt giàu nghèo giữa các tầng lớp nhân dân ngày càng gia tăng và theo đó là nhu cầu sử dụng PTTT đa dạng về chủng loại và chất lượng, bao gồm cả PTTT chất lượng cao ngày càng tăng của các nhóm đối tượng khách hàng, nên việc cung cấp miễn phí PTTT hầu hết cho các khách hàng trở thành sự bất bình đẳng đối với việc sử dụng ngân sách nhà nước.

- Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi thành nước có thu nhập trung bình, nên các nhà tài trợ đã ngừng viện trợ không hoàn lại các PTTT, gây ra sự thiếu hụt ngân sách dành cho các hoạt động của Chương trình DS-KHHGĐ.

- Nhu cầu PTTT để thay thế các PTTT đã hết chu kỳ có tác dụng tránh thai và nhu cầu PTTT cho các nhóm khách hàng mới phát sinh tiếp tục gia tăng trong giai đoạn 2011-2015, và nhu cầu sử dụng PTTT của số đông khách hàng ngày đa dạng với yêu cầu chất lượng cao ngày càng tăng theo mức thu nhập của các tầng lớp nhân dân. Đồng thời, số lượng phụ nữ trong độ tuổi sinh sản dự báo sẽ đạt đỉnh điểm vào khoảng 27 triệu người vào năm 2015 và duy trì ở mức 27 triệu người cho đến năm 2025. Đây là thời điểm có số người trong độ tuổi sinh đẻ, đặc biệt là độ tuổi trẻ (20-29 tuổi) đông nhất trong lịch sử nhân khẩu học của Việt Nam và vì vậy, đây cũng là thời điểm nhu cầu PTTT là lớn nhất, đòi hỏi sự đa dạng và chất lượng cao của các PTTT.

Để giải quyết các bất cập nêu trên, cần thiết phải xây dựng kế hoạch hoạt động thị trường tổng thể PTTT nhằm đáp ứng nhu cầu về số lượng, đa dạng hóa về chủng loại và chất lượng PTTT ngày càng cao của các nhóm khách hàng bằng cách bảo đảm khả năng tiếp cận với PTTT thông qua các kênh phân phối miễn phí, tiếp thị xã hội (TTXH) và thị trường thương mại phù hợp với nguyện vọng, khả năng chi trả và điều kiện sử dụng của mỗi nhóm khách hàng. Cách tiếp cận thị trường tổng thể PTTT được định nghĩa là "một phương pháp tiếp cận phối hợp để đáp ứng các nhu cầu đa dạng và chất lượng ngày càng cao của các nhóm khách hàng và đảm bảo rằng, thị trường tổng thể PTTT là sự cân bằng hợp lý giữa các thị phần của nhiều kênh cung cấp PTTT tới các nhóm khách hàng có hoàn cảnh, điều kiện và khả năng chi trả khác nhau.

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG

1. Căn cứ pháp lý

Nghị quyết số 47-NQ/TW ngày 22/3/2005 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình đã chỉ rõ nhiệm vụ và một số giải pháp chủ yếu, trong đó xác định nhiệm vụ "Hoàn thiện hệ thống dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người sử dụng về các BPTT. Chú trọng đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị và nâng cao trình độ cán bộ y tế, tham gia cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ, khuyến khích các tổ chức xã hội và tư nhân tham gia cung cấp các dịch vụ này. Đẩy mạnh TTXH và bán rộng rãi các PTTT" (khoản 5, mục c, phần II).

Chỉ thị số 23/2008/CT-TTg ngày 4/8/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình, trong đó yêu cầu các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cần "tăng mức đầu tư từ ngân sách trong nước để bảo đảm PTTT" (gạch đầu dòng thứ 6, điểm b, khoản 1) và yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư "đưa yêu cầu vay vốn, nhận viện trợ của nước ngoài về PTTT vào danh mục ưu tiên nhận vốn ODA" (khoản 5).

[...]