BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ
PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1987/QĐ-BNN-TT
|
Hà Nội, ngày 21
tháng 8 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH CÀ PHÊ VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN
NĂM 2030
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày
03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Nông nghiệp và PTNT và Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của
Chính phủ sửa đổi Điều 3 Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Trồng trọt, Vụ
trưởng Vụ Kế hoạch,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1:
Phê duyệt quy hoạch phát triển ngành cà phê Việt Nam đến
năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với các nội dung chính sau:
I. QUAN ĐIỂM
PHÁT TRIỂN
1. Quy hoạch phát triển cà phê
phải dựa trên cơ sở nhu cầu thị trường. Khai thác có hiệu quả lợi thế về đất
đai, nguồn nước, khí hậu, thời tiết để phát triển cà phê theo hướng sản xuất
hàng hóa, tập trung, quy mô lớn, hiệu quả và bền vững.
2. Phát triển cà phê theo hướng
tập trung vào đầu tư thâm canh, áp dụng khoa học, công nghệ để nâng cao năng suất,
chất lượng, hiệu quả, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm cà phê trên thị trường.
3. Phát triển mạnh công nghiệp
chế biến cà phê, cơ cấu sản phẩm đa dạng, chất lượng cao gắn với thị trường
trong nước và xuất khẩu, nhằm nâng cao giá trị gia tăng.
4. Phát huy mọi nguồn lực của các
thành phần kinh tế và sự hỗ trợ của nhà nước, để đảm bảo sản xuất cà phê có hiệu
quả, bền vững; Giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế, xã hội gắn với bảo vệ môi
trường và giữ vững trật tự xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.
II. MỤC TIÊU
PHÁT TRIỂN
1. Đến năm 2020: Tổng diện tích
trồng cà phê cả nước đạt 500.000,0 ha, sản lượng cà phê nhân đạt 1.112.910,0 tấn,
mở rộng công suất chế biến lên 125.000,0 tấn, trong đó sản phẩm cà phê hòa tan
và cà phê 3 trong 1 khoảng 50.000,0 tấn, kim ngạch xuất khẩu từ 2,1 - 2,2 tỷ
USD.
2. Định hướng đến năm 2030: Tổng
diện tích trồng cà phê cả nước: 479.000,0 ha, sản lượng cà phê nhân đạt
1.122.675,0 tấn, tiếp tục mở rộng công suất chế biến lên: 135.000,0 tấn, trong
đó sản phẩm cà phê hòa tan và cà phê hòa tan 3 trong 1 khoảng 60.000,0 tấn, kim
ngạch xuất khẩu đạt trên 2,2 tỷ USD.
III. ĐỊNH HƯỚNG
QUY HOẠCH
1. Về quỹ đất trồng cà phê:
Để đạt các mục tiêu về diện
tích trồng cà phê đến năm 2020: 500.000,0 ha và tầm nhìn đến năm 2030:
479.000,0 ha, phải tiến hành rà soát, đánh giá các điều kiện sinh thái thích
nghi với cây cà phê, loại bỏ diện tích ít thích hợp và không thích hợp để tiếp
tục duy trì phát triển ổn định bền vững.
2. Định hướng quy hoạch cà phê ở
các vùng:
a) Vùng trồng cà phê:
- Vùng trọng điểm phát triển cà
phê: gồm 04 tỉnh Tây Nguyên: Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đắk Nông, Gia Lai.
+ Đến năm 2020: Diện tích trồng
cà phê: 447.000,0 ha chiếm 89,4% so với tổng diện tích cà phê cả nước. Trong
đó, tỉnh Đắk Lắk: 170.000,0 ha, Lâm Đồng: 135.000,0 ha, Gia Lai: 73.000,0 ha, Đắk
Nông: 69.000,0 ha.
+ Tầm nhìn đến năm 2030 diện
tích trồng cà phê: 433.000,0 ha chiếm 90,4% so với tổng diện tích cà phê cả nước.
- Ngoài vùng trọng điểm cà phê
gồm 07 tỉnh: Kon Tum, Đồng Nai, Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu, Quảng Trị, Sơn La
và Điện Biên.
+ Đến năm 2020: Diện tích trồng
cà phê 53.000,0 ha, chiếm 10,6% diện tích cà phê cả nước. Trong đó: tỉnh Đồng
Nai: 13.000,0 ha, Bình Phước: 8.000,0 ha, Bà Rịa Vũng Tàu: 5.000,0 ha, Kon Tum:
12.500,0 ha, Quảng Trị: 5.000,0 ha, Sơn La: 5.000,0 ha, Điện Biên: 4.500,0 ha.
+ Tầm nhìn đến năm 2030: 07 tỉnh
ngoài vùng trọng điểm có tổng diện tích cà phê: 46.000,0 ha, chiếm 9,6% so với
tổng diện tích cà phê cả nước.
b) Cơ cấu diện tích trồng cà
phê vối và cà phê chè đến năm 2020:
- Cà phê vối: 460.000,0 ha chiếm
92,0% diện tích cà phê cả nước được trồng tập trung ở 5 tỉnh Tây Nguyên và 3 tỉnh
Đông Nam bộ;
- Cà phê chè:
40.000,0 ha, trồng tập trung ở các tỉnh Điện Biên 4.500,0 ha, Sơn La 5.000,0
ha, Quảng Trị: 5.000,0 ha, Lâm Đồng: 22.500,0 ha - 23.000,0 ha, Kon Tum:
2.500,0 ha - 3.000,0 ha.
c) Về chế biến:
- Đầu tư nâng cấp,
xây dựng mới các cơ sở chế biến cà phê nhân xuất khẩu, lắp đặt dây chuyền thiết
bị đồng bộ, hiện đại, công nghệ tiên tiến với mức độ tự động hóa cao.
- Khuyến khích
các nhà đầu tư trong và ngoài nước xây dựng mới các nhà máy chế biến cà phê
tiêu dùng (cà phê bột, cà phê hòa tan,…) với công nghệ thiết bị hiện đại, sản
phẩm đa dạng chất lượng cao đảm bảo an toàn thực phẩm và đáp ứng tốt thị hiếu
người tiêu dùng. Tổng công suất thiết kế các nhà máy chế biến cà phê tiêu dùng
đến năm 2020 đạt 125.000 tấn sản phẩm.
IV. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Về quy hoạch:
a) Ủy ban nhân
dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiến hành rà soát,xây dựng quy hoạch
phát triển cà phê; tổ chức thực hiện quy hoạch được duyệt.
b) Đối với diện
tích cà phê già cỗi trên 20 năm đã trồng ở nơi điều kiện sinh thái ít thích hợp
(đất có độ dốc cao, tầng canh tác mỏng, thiếu nước tưới,...), cây cà phê bị nhiễm
các bệnh rất khó phòng trị,... đồng thời không nằm trong vùng quy hoạch được
duyệt cần khuyến khích chủ sử dụng đất chuyển sang trồng cây khác theo đúng quy
hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của địa phương.
2. Về nghiên cứu,
chuyển giao KHCN và đào tạo nguồn nhân lực:
a) Tiếp tục đầu
tư kinh phí cho các dự án nghiên cứu, tuyển chọn, lai tạo và nhập nội các giống
cà phê có năng suất, chất lượng cao, cung ứng đủ giống đầu dòng cho các vườn
ươm phục vụ kịp thời yêu cầu sản xuất. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam chỉ đạo triển
khai thực hiện các dự án giống cà phê chất lượng cao theo Quyết định
2194/QĐ-TTg ngày 25 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.
b) Tiếp tục
nghiên cứu hệ thống các giải pháp tổng hợp phát triển ngành hàng cà phê bền vững
theo chuỗi giá trị gia tăng từ sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản đến tiêu
thụ. Đồng thời, nghiên cứu và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật đối với từng lĩnh
vực.
c) Đẩy mạnh công
tác khuyến nông, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, cung cấp thông tin, tập huấn,
đào tạo, nâng cao trình độ cho người lao động trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế
biến cà phê.
d) Tập trung chuyển
giao TBKT sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C, tiêu chuẩn UTZ certified, VietGAP
và sản phẩm cà phê đảm bảo có chứng chỉ chất lượng an toàn.
e) Nâng cao năng
lực cán bộ kỹ thuật, quản lý; thực hiện xã hội hóa đào tạo nghề cho nông dân, đảm
bảo tiếp cận được các công nghệ mới, sử dụng các thiết bị, máy móc vào sản xuất,
bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
3. Về tiêu thụ sản
phẩm:
a) Tiếp tục hoàn
thiện hệ thống các kênh tiêu thụ sản phẩm cà phê kết nối chặt chẽ theo chuỗi
giá trị gia tăng sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ, đảm bảo cà
phê hàng hóa tiêu thụ với giá cả hai bên cùng có lợi.
b) Khuyến khích tạo
điều kiện cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu à phê hợp đồng đầu
tư và tiêu thụ sản phẩm cà phê đảm bảo chất lượng an toàn, có chứng chỉ.
c) Đẩy mạnh hoạt
động xúc tiến thương mại, tiếp tục mở rộng thị trường - tiêu thụ các sản phẩm
cà phê, nhất là sản phẩm cà phê tiêu dùng (cà phê hòa tan, cà phê hòa tan 3
trong 1, ...), xây dựng thương hiệu và tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng sản phẩm
hàng hóa phù hợp với tổ chức cà phê thế giới (ICO) và các nước nhập khẩu. Hình
thành thị trường giao dịch cà phê kỳ hạn ở Việt Nam hoạt động có hiệu quả nhằm
xây dựng thị trường buôn bán hàng hóa phù hợp với thông lệ quốc tế.
d) Thành lập, hoạt
động có hiệu quả câu lạc bộ G20, thu hút 20 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng
đầu của Việt Nam tham gia và nghiên cứu loại hình doanh nghiệp xuất khẩu cà phê
có điều kiện (nhà máy chế biến, kho, số lượng và doanh thu đủ lớn).
4. Về đầu tư và
tín dụng:
a) Khuyến khích,
huy động nguồn vốn của các nhà đầu tư, vốn trong dân vào phát triển ngành cà
phê.
b) Ngân sách nhà
nước ưu tiên bố trí vốn thực hiện đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật
(thủy lợi, đường giao thông, điện) ở các vùng dự án trồng cà phê.
c) Vốn tín dụng đầu
tư phát triển bố trí thực hiện dự án trồng tái canh cà phê ở các địa phương thuộc
địa bàn trọng điểm phát triển cà phê theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt.
d) Các hộ, trang
trại, doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh cà phê thuộc đối tượng được vay vốn của
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo Quyết định số:
63/2010/QĐ-TTg ngày 15/11/2010, Thông tư số 03/2011/TT-NHNN điều kiện về vốn hỗ
trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch.
e) Các doanh nghiệp
sản xuất - kinh doanh cà phê thuộc đối tượng hưởng lợi từ chính sách khuyến
khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định số 61/NĐ-CP
ngày 04 tháng 6 năm 2010 và Thông tư số 84/TT-BTC của Bộ Tài chính góp phần
tăng năng lực cho ngành cà phê.
5. Tổ chức sản xuất:
a) Triển khai
chương trình trồng tái canh và ghép cải tạo trẻ hóa vườn cà phê theo đúng quy
trình kỹ thuật bảo đảm tiến độ và đạt hiệu quả cao.
b) Đầu tư phát
triển các cơ sở chế biến cà phê theo hướng đa dạng sở hữu, đa dạng hóa sản phẩm.
Đặc biệt, ưu tiên xây dựng nhà máy công nghiệp chế biến cà phê hòa tan, cà phê
hòa tan 3 trong 1 đạt chất lượng cao với dây chuyền thiết bị công nghệ hiện đại,
gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu cà phê.
c) Khuyến khích
các doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư phát triển trồng, chế biến, tiêu thụ
sản phẩm cà phê chất lượng cao theo quy hoạch được duyệt.
d) Khuyến khích và
hỗ trợ việc hình thành các loại hình tổ chức kinh tế hợp tác hoặc hợp tác xã
trong lĩnh vực trồng, chế biến, tiêu thụ cà phê để hỗ trợ kinh tế hộ, kinh tế
trang trại trồng cà phê về kỹ thuật, dịch vụ vật tư và tiêu thụ sản phẩm. Đồng
thời mở rộng phương thức hợp tác liên kết giữa nông hộ + trang trại sản xuất cà
phê với các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê.
e) Nâng cao năng
lực, hiệu quả hoạt động của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, nghiên cứu đề xuất
thành lập thêm một số hội nghề nghiệp trồng, chế biến cà phê nhằm hỗ trợ, tạo
điều kiện, bảo vệ quyền lợi cho các thành viên và người sản xuất cà phê.
f) Tiếp tục
nghiên cứu tái cấu trúc lại cơ cấu ngành và lĩnh vực sản xuất, kinh doanh được
xác định là thế mạnh của Tổng Công ty Cà phê Việt Nam để sử dụng có hiệu quả
các nguồn lực và làm tốt vai trò của kinh tế nhà nước trong quá trình phát triển
bền vững ngành cà phê Việt Nam.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Các Tổng cục,
Cục, Vụ thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT:
- Hướng dẫn chỉ đạo
các địa phương rà soát, xây dựng quy hoạch phát triển ngành cà phê;
- Tăng cường năng
lực hệ thống thông tin chuyên ngành cung cấp kịp thời các thông tin cần thiết về
tình hình sản xuất, giá cả thu mua, công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ,
tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới cho các nông hộ, chủ trang trại, doanh nghiệp
hoạt động sản xuất - kinh doanh cà phê.
- Tổ chức chỉ đạo
thực hiện quy hoạch phát triển bền vững ngành cà phê cả nước.
2. Các Bộ ngành
trung ương: phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa
phương triển khai theo chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước; hướng dẫn các địa
phương sử dụng đất và chuyển đổi đất đúng pháp luật và có hiệu quả; đảm bảo các
yếu tố, nhất là vốn đầu tư cho phát triển theo quy hoạch.
3. Ủy ban nhân
dân các tỉnh: rà soát, xây dựng quy hoạch phát triển cà phê của địa phương, tổ
chức thực hiện quy hoạch được duyệt; xác định địa bàn thích hợp trồng cà phê có
hiệu quả, điều tra xác định diện tích cà phê già cỗi có thể trồng tái canh hoặc
chuyển sang cây khác mang lại hiệu quả kinh tế hơn so với cà phê, tiến hành lập
chương trình, kế hoạch hoặc dự án đầu tư trồng tái canh cà phê theo quy định.
4. Tổng công ty
cà phê Việt Nam, các công ty nhà nước về cà phê xây dựng kế hoạch phát triển cà
phê của đơn vị theo quy hoạch được phê duyệt, sử dụng hiệu quả các nguồn tài,
nguyên đất đai và các nguồn lực khác.
Điều 2: Quyết định
này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3: Chánh Văn
phòng Bộ, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Phó Thủ tướng Hoàng
Trung Hải (để b/cáo);
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ NN&PTNT;
- Văn phòng Chính phủ;
- UBND các tỉnh: Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đắk Nông, Kon Tum, Đồng Nai,
Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, Quảng Trị, Sơn La, Điện Biên;
- Các Tổng cục, Cục, Vụ trực thuộc Bộ;
- Tổng Công ty Cà phê Việt Nam;
- Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam;
- Website Bộ NN & PTNT;
- Lưu: VT, TT.
|
BỘ
TRƯỞNG
Cao Đức
Phát
|