Quyết định 197/1999/QĐ-TCHQ về Quy chế quản lý hải quan đối với địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chuyển tiếp do Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan ban hành

Số hiệu 197/1999/QĐ-TCHQ
Ngày ban hành 03/06/1999
Ngày có hiệu lực 18/06/1999
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Phan Văn Dĩnh
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu

TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 197/1999/QĐ-TCHQ

Hà Nội, ngày 03 tháng 6 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 197/1999/QĐ-TCHQ NGÀY 03 THÁNG 6 NĂM 1999 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ HẢI QUAN ĐỐI VỚI ĐỊA ĐIỂM LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN NGOÀI CỬA KHẨU VÀ HÀNG HOÁXUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU CHUYỂN TIẾP

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN

Căn cứ khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được Quốc hội thông qua ngày 20/5/1998;
Căn cứ Pháp lệnh Hải quan ngày 20/2/1990;
Căn cứ Điều 4 -Nghị định 16/1999/NĐ-CP ngày 27/3/1999 của Chính phủ qui định về thủ tục hải quan, giám sát hải quan và lệ phí hải quan;
Căn cứ khoản 2 Điều 1 Quyết định số 159/TTg ngày 15.3.1996 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển Tổng Công ty Hàng hải Việt nam;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục giám sát, quản lý về hải quan;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý hải quan đối với địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu và hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chuyển tiếp.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký; Bãi bỏ các Quyết định số 89/TCHQ-QĐ ngày 02/8/1994, Quyết định số 27/TCHQ-GSQL ngày 8/4/1996, Quyết định số 86/QĐ-TCHQ ngày 29/4/1997 và các quy định có liên quan về địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chuyển tiếp tại các văn bản do Tổng cục Hải quan ban hành trước ngày Quyết định này có hiệu lực (danh mục kèm theo).

Điều 3: Thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan, Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hải quan , chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Phan Văn Dĩnh

(Đã ký)

 

TỔNG CỤC HẢI QUAN

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ HẢI QUAN ĐỐI VỚI ĐỊA ĐIỂM LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN NGOÀI CỬA KHẨU VÀ HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU CHUYỂN TIẾP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 197/1999/QĐ-TCHQ ngày tháng 03 năm 1999 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)

Chương 1

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Địa điểm làm thủ tục hải quan ngoài cửa khẩu, địa điểm kiểm tra hải quan (trừ địa điểm kiểm tra hải quan tại đại lý chuyển phát nhanh, bưu chính uỷ thác và công ty liên doanh thực hiện theo qui định tại Thông tư Liên tịch số 06/1998/TTLT-TCBĐ-TCHQ ngày 11.12.1998 của Tổng cục Bưu điện và Tổng cục Hải quan), địa điểm thông quan nội địa- ICD (dưới đây gọi chung là địa điểm kiểm tra ) nêu tại Quy chế này bao gồm:

1. Những địa điểm được Chính phủ cho phép và được Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ra quyết định thành lập (kể cả các ICD) để làm thủ tục hải quan cho tất cả các loại hàng hoá XNK.

2. Những địa điểm do Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ra quyết định thành lập để làm thủ tục hải quan cho các loại hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (kể cả hàng thu gom xuất khẩu-CFS) quy định tại khoản 2, Điều 4, Nghị định 16/1999/NĐ-CP ngày 27. 3.1999, trừ hàng hoá kinh doanh nhập khẩu có thuế nhập khẩu quy định tại Điều 3 Nghị định 94/1998/NĐ-CP ngày 17.11.1998 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số ĐiềuLuật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

3. Tại các địa điểm kiểm tra quy định tại khoản1 Điều này có tổ chức bộ máy hải quan hoạt động như một đơn vị hải quan cửa khẩu, tên đơn vị hải quan được lấy theo địa danh nơi thành lập địa điểm kiểm tra. Riêng đối với các địa điểm quy định tại khoản 2 Điều này thì tuỳ theo từng địa điểm cụ thể, Tổng cục Hải quan sẽ có Quyết định về tổ chức bộ máy hải quan cho phù hợp.

Điều 2: Hàng hoá và phương tiện vận tải chuyên chở hàng hoá từ cửa khẩu nhập về địa điểm kiểm tra và từ địa điểm kiểm tra chuyển đến cửa khẩu xuất; hàng hoá trong quá trình xếp dỡ lên xuống phương tiện vận tải ; hàng hoá ra vào, lưu giữ tại địa điểm kiểm tra; hàng hoá xuất kho, nhập kho đều phải chịu sự giám sát, quản lý chặt chẽ của Hải quan địa điểm kiểm tra, Hải quan cửa khẩu và nộp lệ phí hải quan theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 3:

1. Hải quan cửa khẩu nhập chỉ được phép cho chuyển tiếp hàng hoá nhập khẩu từ cửa khẩu đến những địa điểm kiểm tra đã được Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan ra Quyết định thành lập quy định tại Điều 1 Quy chế này (có danh mục kèm theo - Phụ lục số 1) và đã được Hải quan địa điểm kiểm tra làm xong thủ tục đăng ký tờ khai, lập phiếu chuyển tiếp hàng nhập khẩu đúng quy định;

2. Các trường hợp chủ hàng có đơn xin chuyển tiếp thì được chuyển hàng hoá về những nơi quy định tại khoản 2 Điều 11 và khoản 2 Điều 12 Quy chế này (nhà máy, xí nghiệp, công trình, kho chuyên dụng) để làm thủ tục; những lô hàng chuyển tiếp đó đã được Hải quan địa điểm kiểm tra hoặc Hải quan cửa khẩu hoặc phòng Giám sát quản lý làm xong thủ tục đăng ký tờ khai và lập phiếu chuyển tiếp đúng quy định. Nhà máy, xí nghiệp, công trình, kho chuyên dụng đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố nào thì đăng ký tờ khai và làm thủ tục tại Hải quan địa điểm kiểm tra hoặc Hải quan cửa khẩu hoặc phòng Giám sát quản lý thuộc Cục Hải quan tỉnh, thành phố đó hoặc với Hải quan nơi gần nhất nếu tỉnh, thành phố đó chưa có Cục Hải quan cấp tỉnh. Việc đăng ký tờ khai tại phòng Giám sát quản lý chỉ thực hiện đối với những trường hợp tiến hành kiểm tra hàng hoá tại các nhà máy, xí nghiệp, công trình, kho chuyên dụng.

Điều 4:

1. Hàng hoá nhập khẩu được chuyển từ cửa khẩu đến địa điểm kiểm tra hoặc hàng hoá xuất khẩu đã làm xong thủ tục hải quan tại địa điểm kiểm tra được chuyển đến cửa khẩu để xuất khẩu phải đi đúng tuyến đường, đúng thời gian và đến đúng nơi quy định theo bộ hồ sơ hải quan. Nghiêm cấm dỡ hàng hoá xuống dọc đường trong quá trình vận chuyển, trường hợp bất khả kháng (tai nạn giao thông, sự cố hỏng xe...) buộc phải dỡ hàng hoá xuống dọc đường thì trước khi dỡ hàng yêu cầu phải thông báo ngay cho Cơ quan Hải quan hoặc Cơ quan Công an hoặc Chính quyền địa phương nơi gần nhất biết để lập biên bản và làm các thủ tục chứng nhận cụ thể theo quy định của Cơ quan chuyên ngành giải quyết xử lý trường hợp sự cố tai nạn giao thông và các sự việc liên quan khác.

2. Hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu vận chuyển từ địa điểm kiểm tra đến cửa khẩu và ngược lại phải được đóng trong container, toa tàu, xe chuyên dụng... (sau đây gọi chung là container) có đủ điều kiện để Hải quan thực hiện qui định về niêm phong hải quan. Đối với những loại hàng hoá kinh doanh nhập khẩu không thể thực hiện được chế độ niêm phong hải quan thì yêu cầu phải làm thủ tục tại cửa khẩu.

Chủ sở hữu hàng hoá hoặc người đại diện hợp pháp của chủ sở hữu hàng hàng hoá (dưới đây gọi chung là chủ hàng) hoặc người điều khiển phương tiện vận tải phải hoàn toàn chịu trách nhiệm bảo đảm sự nguyên trạng của niêm phong và hàng hoá trong quá trình vận chuyển từ cửa khẩu đến địa điểm kiểm tra và ngược lại.

[...]