Thông tư liên tịch 06/1998/TTLT-TCBĐ-TCHQ về việc làm thủ tục hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện, vật phẩm, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính và chuyển phát nhanh do Tổng cục Bưu điện và Tổng cục Hải quan ban hành

Số hiệu 06/1998/TTLT-TCBĐ-TCHQ
Ngày ban hành 11/12/1998
Ngày có hiệu lực 26/12/1998
Loại văn bản Thông tư liên tịch
Cơ quan ban hành Tổng cục Bưu điện,Tổng cục Hải quan
Người ký Mai Liêm Trực,Phan Văn Dĩnh
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu

TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN-TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 06/1998/TTLT-TCBĐ-TCHQ

Hà Nội , ngày 11 tháng 12 năm 1998

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA TỔNG CỤC BƯU ĐIỆN - TỔNG CỤC HẢI QUAN SỐ 06/1998/TTLT-TCBĐ-TCHQ NGÀY 11 THÁNG 12 NĂM 1998 VỀ VIỆC LÀM THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI BƯU PHẨM, BƯU KIỆN, VẬT PHẨM, HÀNG HOÁ XUẤT KHẨU, NHẬP KHẨU GỬI QUA DỊCH VỤ BƯU CHÍNH VÀ CHUYỂN PHÁT NHANH

Căn cứ Pháp lệnh Hải quan ngày 24-2-1990;
Căn cứ Nghị định số 109/1997/NĐ-CP ngày 12-11-1997 của Chính phủ về Bưu chính Viễn thông;
Tổng cục Bưu điện và Tổng cục Hải quan thống nhất qui định trách nhiệm, mối quan hệ công tác trong việc làm thủ tục hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện, vật phẩm, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính và chuyển phát nhanh như sau:

I. QUI ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng chịu sự điều chỉnh của Thông tư này là:

- Chủ hàng có bưu phẩm, bưu kiện, vật phẩm, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu (dưới đây còn gọi là người gửi khi xuất khẩu hay người nhận khi nhập khẩu);

Các doanh nghiệp được phép kinh doanh các dịch vụ bưu phẩm, bưu kiện, dịch vụ chuyển phát nhanh vật phẩm, hàng hoá, và dịch vụ bưu chính uỷ thác quốc tế (dưới đây gọi là doanh nghiệp) - là đại diện của chủ hàng;

- Người khác được chủ hàng uỷ quyền hợp pháp.

2. Các đối tượng nêu trên khi xuất khẩu, nhập khẩu bưu phẩm (trừ thư), bưu kiện, vật phẩm, hàng hoá đều phải:

- Làm thủ tục hải quan; chịu sự kiểm tra, giám sát và quản lý của cơ quan Hải quan;

- Nộp đủ thuế và lệ phí;

- Thực hiện đầy đủ các thủ tục qui định của cơ quan quản lý chuyên ngành theo qui định của pháp luật.

3. Vật phẩm, hàng hoá gửi trong bưu phẩm, bưu kiện hoặc trong các kiện hàng xuất khẩu, nhập khẩu gửi qua dịch vụ bưu chính và chuyển phát nhanh là vật phẩm, hàng hoá không thuộc Danh mục cấm xuất, cấm nhập của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, không thuộc Danh mục cấm nhập khẩu của nước nhận và quy định cấm gửi của Điều ước quốc tế mà Nhà nước Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết.

Đối với vật phẩm, hàng hoá thuộc Danh mục của cơ quan quản lý chuyên ngành thì cơ quan Hải quan hướng dẫn các đối tượng nêu tại điểm 1 trên đây liên hệ và làm thủ tục với cơ quan quản lý chuyên ngành theo qui định. Trường hợp xác định rõ không có nội dung vi phạm qui định quản lý chuyên ngành trong vật phẩm, hàng hoá thì cơ quan Hải quan tiến hành hoàn tất thủ tục.

4. Việc miễn thuế, thu thuế và hoàn thuế; việc thu lệ phí hải quan và các khoản thu khác phải thực hiện theo qui định hiện hành của Nhà nước, hướng dẫn thực hiện của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan. Cơ quan Hải quan niêm yết công khai các qui định nêu trên tại những nơi làm thủ tục.

Doanh nghiệp thuộc ngành Bưu điện được hưởng thù lao khi thu hộ các loại thuế và lệ phí cho ngành Hải quan tại những nơi không có tổ chức Hải quan theo mức qui định (1%) trên số thuế và lệ phí đã thu hộ. Doanh nghiệp sở tại thuộc ngành Bưu điện có trách nhiệm cuối mỗi năm tập hợp số tiền thuế, lệ phí đã thu hộ có xác nhận của Hải quan bưu điện gửi Cục Hải quan tỉnh, thành phố để làm cơ sở chuyển trả khoản thù lao được hưởng.

Tổng cục Hải quan hàng năm dự trù thêm nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước cấp cho ngành Hải quan để bù số tiền thù lao do ngành Bưu điện thu hộ thuế, lệ phí (1%). Cục Hải quan tỉnh, thành phố có trách nhiệm lập dự toán năm về nguồn chi trả, hàng năm chuyển số tiền thù lao trả cho doanh nghiệp sở tại thuộc ngành bưu điện đồng thời cuối mỗi năm tổng hợp quyết toán với Tổng cục Hải quan.

5. Trách nhiệm của Tổng cục Bưu điện:

5.1. Tổng cục Bưu điện căn cứ quy định hiện hành và sau khi thống nhất với Tổng cục Hải quan ra Quyết định thành lập Bưu cục Ngoại dịch, Bưu cục Kiểm quan, Bưu cục Cửa khẩu.

5.2. Tổng cục Bưu điện chỉ đạo các doanh nghiệp bố trí cho Hải quan bưu điện địa điểm làm việc, mặt bằng kiểm tra hàng hoá, nơi đặt máy kiểm tra, kho tạm giữ hàng chờ xử lý phù hợp với điều kiện hiện có; tạo điều kiện thuận lợi cho Hải quan Bưu điện thực hiện yêu cầu nghiệp vụ quản lý hải quan.

6. Trách nhiệm của Tổng cục Hải quan:

6.1. Căn cứ qui định của Chính phủ về Địa điểm kiểm tra hải quan ngoài khu vực cửa khẩu, Tổng cục Hải quan ra quyết định công nhận Địa điểm kiểm tra hải quan tại Đại lý chuyển phát nhanh, bưu chính uỷ thác và Công ty liên doanh.

6.2. Tổng cục Hải quan chỉ đạo Cục Hải quan các Tỉnh, Thành phố bố trí phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ và cán bộ Hải quan làm việc tại các Bưu cục Ngoaị dịch, Bưu cục Kiểm quan, Bưu cục Cửa khẩu, Địa điểm Kiểm tra hải quan để bảo đảm việc làm thủ tục hải quan đối với bưu phẩm, bưu kiện, vật phẩm, hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu được nhanh chóng, thuận lợi.

7. Việc phối hợp làm việc giữa Hải quan Bưu điện và doanh nghiệp sở tại:

7.1. Thời gian làm việc của Hải quan Bưu điện là thời gian làm việc theo giờ hành chính. Trường hợp do yêu cầu về thời gian khai thác bưu phẩm, bưu kiện, vật phẩm, hàng hoá ngoài giờ hành chính, Doanh nghiệp sở tại phải báo và đăng ký trước thời gian làm việc ngoài giờ với Hải quan Bưu điện. Căn cứ yêu cầu thực tế, Hải quan Bưu điện có trách nhiệm phân công nhân viên hải quan làm việc ngoài giờ theo thời gian đã đăng ký để phục vụ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và đảm bảo yêu cầu quản lý. Doanh nghiệp sở tại có trách nhiệm thanh toán chi phí làm việc ngoài giờ cho Hải quan Bưu điện phù hợp với Qui chế làm việc giữa hai bên.

7.2. Căn cứ vào nội dung của Thông tư này và điều kiện thực tế, Hải quan Bưu điện và doanh nghiệp sở tại xây dựng Qui chế làm việc trong quan hệ công tác giữa hai bên, trong đó có vấn đề thời gian làm việc của Hải quan và trách nhiệm thanh toán chi phí cho Hải quan bưu điện làm việc ngoài giờ hành chính qui định tại điểm 7.1 trên.

7.3. Cục Hải quan Tỉnh, Thành phố và Cục quản lý Bưu điện khu vực có trách nhiệm kiểm tra, giám sát và hàng năm tổng kết rút kinh nghiệm các nội dung trong công tác phối kết hợp làm việc giữa Hải quan và doanh nghiệp sở tại.

8. Một số từ ngữ trong Thông tư này được hiểu như sau:

[...]