Nghị định 16/1999/NĐ/CP về thủ tục hải quan, giám sát hải quan và lệ phí hải quan

Số hiệu 16/1999/NĐ-CP
Ngày ban hành 27/03/1999
Ngày có hiệu lực 11/04/1999
Loại văn bản Nghị định
Cơ quan ban hành Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Xuất nhập khẩu,Thuế - Phí - Lệ Phí

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 16/1999/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 27 tháng 3 năm 1999

 

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 16/1999/NĐ/CP NGÀY 27 THÁNG 3 NĂM 1999 QUY ĐỊNH VỀ THỦ TỤC HẢI QUAN, GIÁM SÁT HẢI QUAN VÀ LỆ PHÍ HẢI QUAN 

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Pháp lệnh Hải quan ngày 20 tháng 02 năm 1990;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng làm thủ tục hải quan

Hàng hóa, hành lý, ngoại hối, kim khí quý, đá quý, tiền Việt Nam, văn hóa phẩm, tài liệu, bưu phẩm, bưu kiện, các đồ vật và tài sản khác xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, hoặc quá cảnh lãnh thổ Việt Nam (dưới đây gọi chung là đối tượng làm thủ tục hải quan) đều phải làm thủ tục hải quan theo quy định tại Nghị định này. Trong trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia có quy định khác thì áp dụng theo các Điều ước quốc tế đó.

Điều 2. Giải thích các từ ngữ

Trong Nghị định này những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Thủ tục hải quan là các công việc mà người làm thủ tục hải quan và nhân viên hải quan phải thực hiện theo quy định của pháp luật đối với đối tượng làm thủ tục hải quan khi xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh hoặc quá cảnh;

2. Hành lý (bao gồm hành lý xách tay, hành lý ký gửi) là vật dụng cần thiết cho nhu cầu sinh hoạt hoặc mục đích chuyến đi của hành khách xuất cảnh, nhập cảnh lãnh thổ Việt Nam và của người làm việc trên phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam;

3. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu trong Nghị định này được hiểu là hàng hóa mua, bán của thương nhân Việt Nam với thương nhân nước ngoài theo các hợp đồng thương mại, bao gồm cả hàng hóa tạm nhập - tái xuất, tạm xuất - tái nhập và hàng hóa chuyển khẩu;

4. Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có điều kiện là hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phải theo hạn ngạch hoặc hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu phải có giấy phép của Bộ Thương mại hoặc Bộ quản lý chuyên ngành;

5. Phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh là các phương tiện vận tải trên các tuyến đường bộ, đường sắt, đường hàng không, đường biển và đường sông qua, lại biên giới Việt Nam;

6. Người làm thủ tục hải quan là người thực hiện thủ tục hải quan với cơ quan hải quan theo quy định tại khoản 1, Điều này;

7. Người khai báo hải quan là người ký tên trên tờ khai hải quan theo quy định của pháp luật, đó là chủ sở hữu hàng hoá hoặc người được chủ sở hữu hàng hoá uỷ quyền;

8. Tờ khai hải quan là chứng từ pháp lý bắt buộc dùng để kê khai các đối tượng làm thủ tục hải quan, được làm theo mẫu thống nhất do Tổng cục Hải quan quy định;

9. Hồ sơ hải quan bao gồm: tờ khai hải quan đã được người khai báo hải quan kê khai và ký tên kèm theo các chứng từ cần thiết liên quan được quy định cụ thể cho từng đối tượng làm thủ tục hải quan;

10. Khai báo hải quan là việc người làm thủ tục hải quan tự kê khai những nội dung theo yêu cầu của các tiêu chí trong tờ khai hải quan;

11. Kiểm tra hải quan là việc cơ quan hải quan xem xét, xác định tính hợp pháp, tính chính xác của bộ hồ sơ hải quan và thực tế hàng hoá, vật phẩm;

12. Giải phóng hàng là việc hải quan cho phép hàng hoá đã làm thủ tục hải quan được đặt dưới sự định đoạt của người làm thủ tục hải quan;

13. Niêm phong hải quan là dấu hiệu của hải quan gắn lên hàng hóa, vật phẩm, bao bì đựng hàng hóa hoặc vật phẩm, kho hàng, phương tiện vận tải, nhằm đảm bảo tính nguyên trạng của các đối tượng nói trên;

14. Áp tải hải quan là việc nhân viên hải quan đi cùng phương tiện vận tải để giám sát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu chưa hoàn thành thủ tục hải quan hoặc phương tiện vận tải quá cảnh chuyển dịch từ một cửa khẩu hoặc một địa điểm kiểm tra hải quan đến một cửa khẩu hoặc một địa điểm chỉ định khác trên lãnh thổ Việt Nam;

15. Giám sát hải quan là việc Hải quan kiểm soát hàng hoá, hành lý, phương tiện đang trong thời gian, địa điểm thuộc phạm vi kiểm soát của hải quan. Có hai hình thức giám sát: giám sát trực tiếp là việc giám sát được thực hiện bởi nhân viên hải quan; giám sát gián tiếp là việc giám sát được thực hiện thông qua niêm phong, cặp chì và thực hiện các biện pháp kỹ thuật khác.

Điều 3. Người làm thủ tục hải quan

Người làm thủ tục hải quan bao gồm:

[...]