Quyết định 1685/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Đề án thu hút đầu tư phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2011 - 2015

Số hiệu 1685/QĐ-UBND
Ngày ban hành 22/08/2012
Ngày có hiệu lực 22/08/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Giang
Người ký Đàm Văn Bông
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1685/QĐ-UBND

Hà Giang, ngày 22 tháng 8 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THU HÚT ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI TỈNH HÀ GIANG GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 3098/QĐ-BCT ngày 24/6/2011 của Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 1928/2005/QĐ-UBND ngày 14/9/2005 của UBND tỉnh Hà Giang về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại tỉnh Hà Giang đến năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 1739/QĐ-UBND ngày 06/7/2007của UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới cửa hàng xăng dầu tỉnh Hà Giang đến năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 5279/QĐ-UBND ngày 11/12/2009 của UBND tỉnh Hà Giang về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn tỉnh Hà Giang đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 của UBND tỉnh Hà Giang;

Căn cứ Nghị quyết số 47/2012/NQ-HĐND ngày 14/7/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang về việc ban hành một số chính sách khuyến khích phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Hà Giang;

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Văn bản số 242/SCT-QLTM ngày 24 tháng 5 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt ban hành kèm theo Quyết định này Đề án thu hút đầu tư phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2011 - 2015.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Các ngành, các cấp, các cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức năng quản lý và nhiệm vụ được phân công trong Đề án, xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện các nội dung của Đề án. Định kỳ 6 tháng và một năm, các sở, ngành; UBND các huyện, thành phố trong tỉnh báo cáo kết quả thực hiện với UBND tỉnh thông qua Sở Công Thương.

2. Sở Công Thương có trách nhiệm theo dõi, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện, chủ động tham mưu, đề xuất các biện pháp để thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đàm Văn Bông

 

ĐỀ ÁN THỰC HIỆN

THU HÚT ĐẦU TƯ, PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG (GIAI ĐOẠN 2011 - 2015)
(Ban hành theo Quyết định số 1685/QĐ-UBND ngày 22/08/2012 của UBND tỉnh Hà Giang)

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT

Cùng với quá trình đổi mới nền kinh tế, thực hiện chuyển đổi kinh tế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, thị trường hàng hóa trong nước và khu vực hội nhập phát triển khá nhanh, đã góp phần mở rộng giao lưu hàng hoá, phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân. Tuy nhiên, thực trạng phát triển thị trường trên địa bàn tỉnh Hà Giang hiện tại còn khá chậm so với cả nước và đang đặt ra những vấn đề cần giải quyết cả về phương diện kinh tế và xã hội, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây kinh tế - xã hội tỉnh Hà Giang đã có bước phát triển, nhu cầu mua sắm hàng hoá tiêu dùng của dân cư, nhất là lương thực, thực phẩm có xu hướng tăng lên ở cả khu vực đô thị và nông thôn. Thực trạng hệ thống mạng lưới thương mại của tỉnh cho thấy, bên cạnh hạ tầng cơ sở từ thời bao cấp để lại đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp vẫn còn nhiều cơ sở được hình thành tự phát, xây dựng tạm bợ, không đủ sức chứa do nhu cầu mua bán và áp lực thị trường ngày càng tăng. Ở khu vực đô thị, vẫn còn tình trạng kinh doanh lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, gây cản trở giao thông, mất cảnh quan, không đảm bảo vệ sinh môi trường....Nhiều loại hình thương mại chuyên doanh và đặc thù cần thiết cho cả sản xuất lẫn tiêu dùng cũng chưa được hình thành, điều đó đang là những yếu tố cản trở sự phát triển thị trường của tỉnh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.

[...]