UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH
PHÚC
--------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 156/QĐ-UBND
|
Vĩnh Phúc, ngày 22
tháng 01 năm 2013
|
QUYẾT
ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT QUY HOẠCH THĂM DÒ, KHAI THÁC VÀ SỬ DỤNG TÀI NGUYÊN CÁT, SỎI TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH VĨNH PHÚC ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày
26/11/2003;
Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH11
ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật đê điều số 79/2006/QH11
ngày 29/11/2006;
Căn cứ Luật Khoáng sản số 60/2010/QH12
ngày 17/11/2010;
Căn cứ Nghị định số 15/2012/NĐ-CP ngày
9/3/2012 của Chính phủ về Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Khoáng sản;
Căn cứ Nghị định số 124/2007/NĐ-CP,
ngày 31/7/2007 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng;
Căn cứ Nghị quyết số 72/NQ-HĐND ngày
21/12/2012 của HĐND tỉnh Vĩnh Phúc V/v thông qua Quy hoạch thăm dò, khai thác
và sử dụng tài nguyên cát, sỏi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm
nhìn đến năm 2030;
Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại tờ trình
số 06/TTr-SXD ngày 03/01/2013,
QUYẾT ĐỊNH :
Điều 1. Phê
duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên cát, sỏi trên địa bàn
tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với các nội dung chính như
sau :
1. Mục tiêu và quan
điểm phát triển.
1.1 Mục tiêu :
Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài
nguyên cát, sỏi xây dựng trên địa bàn Vĩnh Phúc làm cơ sở cho việc quản lý, cấp
phép khai thác theo đúng luật định của nhà nước, nhằm tận dụng tốt nguồn tài
nguyên thiên nhiên hiện có, đảm bảo khai thác và sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài
nguyên. Cung ứng, vận chuyển và kinh doanh thuận tiện, đáp ứng đầy đủ về khối
lượng và chất lượng cát, sỏi cho xây dựng của tỉnh trong giai đoạn trước mắt
cũng như lâu dài; đồng thời mở rộng thị trường cát, sỏi xây dựng ra ngoài tỉnh
nhằm tăng nguồn thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động, góp
phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh;
1.2 Quan điểm :
- Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng tài
nguyên cát, sỏi xây dựng phải gắn liền với quy hoạch phát triển kinh tế – xã
hội, quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm VLXD
thông thường, quy hoạch ngành công nghiệp, quy hoạch sử dụng đất đai, quy hoạch
đô thị, quy hoạch kết cấu hạ tầng của tỉnh, để đảm bảo tính khoa học và khả thi
cao. Khai thác và sử dụng tài nguyên cát, sỏi xây dựng phải đi đôi với quản lý
Nhà nước trong lĩnh vực này để nắm chắc khối lượng khai thác và kinh doanh, gắn
hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội, bảo vệ tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên,
môi trường sinh thái, di tích văn hoá, lịch sử, cảnh quan và đảm bảo an ninh
quốc phòng, trật tự an toàn xã hội;
- Hoạt động khai thác tài nguyên cát, sỏi xây
dựng trên cơ sở phát huy nội lực của tỉnh, tận dụng tiềm năng thiên nhiên, lao
động và nguồn lực cho đầu tư phát triển của các thành phần kinh tế, nhằm chống
độc quyền trong khai thác và lưu thông phân phối cát, sỏi xây dựng;
- Việc khai thác cát, sỏi trên các tuyến sông
phải đảm bảo an toàn cho luồng lạch giao thông đường thủy, cho các tuyến đê ven
sông, đặc biệt là các tuyến đê xung yếu theo đúng quy định của các pháp lệnh
của nhà nước;
- Các bãi tập kết sẽ được bố trí tại từng khu
vực khai thác để thuận tiện cho việc tập kết cát, sỏi và xuất lên phương tiện
vận chuyển đi tiêu thụ, các bãi tập kết phải được bố trí xa khu dân cư, các
công trình công cộng, cầu cống giao thông, thủy lợi với cự ly tối thiểu là
1.000 m;
- Nghiêm cấm việc hình thành các tuyến vận
chuyển cát, sỏi qua các đô thị để đảm bảo mỹ quan, môi trường và an toàn giao
thông; trường hợp cần vận chuyển cát sỏi đến các hộ sử dụng trong khu vực đô
thị yêu cầu phương tiện vận tải phải có bạt che phủ đảm bảo không để vật liệu
vương vãi trên đường. Ở các tuyến vận chuyển cát thường xuyên trên bộ với khối
lượng lớn phải hình thành các điểm hạ tải tại các nút giao thông để đảm bảo an
toàn.
2.
Nội dung quy hoạch :
2.1 Phương án quy
hoạch đến năm 2020.
Căn cứ vào đặc điểm phân bố, trữ lượng, chất
lượng các nguồn tài nguyên cát, sỏi trên địa bàn tỉnh, quy hoạch các khu vực
thăm dò, khai thác theo quy mô công nghiệp và các khu vực thăm dò, khai thác
tận thu được xác định như sau:
- Thăm dò, khai thác cát, sỏi theo quy mô công
nghiệp được quy hoạch trên tuyến sông Lô và sông Hồng, tại các khu vực cát, sỏi
có trữ lượng lớn, có thị trường tiêu thụ rộng để đảm bảo hoạt động đầu tư thăm
dò, khai thác có hiệu quả. Các khu vực này sẽ cấp phép cho các doanh nghiệp có
đủ năng lực chuyên môn kỹ thuật và tài chính để thăm dò và khai thác đảm bảo
tuân thủ thiết kế. Thời hạn cấp phép căn cứ vào Luật Khoáng sản, trữ lượng
khoáng sản ở khu vực cấp phép và quy mô công nghệ khai thác của doanh nghiệp,
nhưng hàng năm phải xin giấy phép gia hạn để kịp thời điều chỉnh những hoạt
động vi phạm quy định trong khai thác cát, sỏi lòng sông của Nhà nước và của
tỉnh;
- Thăm dò, khai thác cát, sỏi tận thu
được quy hoạch trên tuyến sông Phó Đáy, tại các khu vực có nguồn cát bồi lắng
thường xuyên và phải đảm bảo các yêu cầu của Chỉ thị 29/2008/CT-TTg ngày
2/10/2008 của Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các
hoạt động khảo sát, thăm dò, khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát sỏi lòng sông.
Tất cả
các tổ chức, cá nhân trước khi làm hồ sơ trình cấp thẩm quyền cấp phép khai
thác phải kèm theo báo cáo khảo sát địa chất khu vực tài nguyên cát sỏi dự kiến
khai thác. Nguồn kinh phí cho công tác thăm dò, khảo sát do tổ chức, cá nhân
xin cấp phép bỏ ra và tự chịu trách nhiệm về rủi ro nếu có. Khối lượng khai
thác của 1 giấy phép không quá 5.000 m3/năm, thời hạn của 1 giấy
phép không vượt quá 6 tháng và chỉ thực hiện vào mùa khô.
Các chỉ tiêu quy hoạch cụ thể trên các tuyến
sông như sau :
- Trên tuyến sông Lô:
Trên tuyến sông Lô quy hoạch 7 khu vực thăm
dò, khai thác cát, sỏi thuộc các xã ven sông, gồm: khu vực Bạch Lưu, khu vực
Hải Lựu, khu vực Đôn Nhân (2 điểm), khu vực Tứ Yên, khu vực Đức Bác và khu vực
Cao Phong, với những chỉ tiêu sau :
+ Tổng diện tích đã thăm dò: 103,04 ha;
+ Tổng diện tích cần thăm dò bổ sung: 55,36
ha;
+ Tổng trữ lượng cát đã thăm dò: 4,99 triệu m3;
+ Tổng trữ lượng cát cần thăm dò bổ sung: 2,1
triệu m3;
+ Tổng công suất khai thác dự kiến:
· Đến năm 2015:
640 ngàn m3/năm
· Đến năm 2020:
795 ngàn m3/năm.
- Trên tuyến sông
Hồng:
Trên tuyến sông Hồng quy hoạch 4 khu vực thăm dò, khai thác cát, sỏi
thuộc các xã ven sông, gồm: khu vực Cao Đại – Phú Thịnh, khu vực Vĩnh Thịnh –
Vĩnh Ninh, khu vực Đại Tự - Liên Châu và khu vực Trung Hà với những chỉ tiêu
sau :
+ Tổng diện tích đã thăm dò: 189,232 ha;
+ Tổng diện tích cần thăm dò bổ sung: 138,54 ha;
+ Tổng trữ lượng cát đã thăm dò: 3,64 triệu m3;
+ Tổng trữ lượng cát cần thăm dò bổ sung: 12 triệu m3;
+ Tổng công suất khai thác dự kiến:
· Đến năm 2015:
1.220 ngàn m3/năm
· Đến năm 2020:
1.800 ngàn m3/năm.
- Trên tuyến sông Phó
Đáy:
Trên tuyến sông Phó Đáy quy hoạch 2
khu vực thăm dò, khai thác cát, sỏi tận thu, gồm: khu vực Yên Dương, huyện Tam
Đảo và Quang Sơn, Hợp Lý, Bắc Bình, huyện Lập Thạch; khu vực Bồ Lý, Đại Đình,
huyện Tam Đảo và Thái Hòa huyện Lập Thạch, với những chỉ tiêu sau :
+ Tổng trữ lượng cát cần thăm dò: 300
ngàn m3;
+ Tổng công suất khai thác hàng năm:
30 ngàn m3/năm;
Ghi chú:
- Phương án quy hoạch thăm dò, khai thác cát trên từng tuyến sông được
trình bày trong phụ lục kèm theo. Các dự án phát sinh ngoài Phụ lục phải được
sự đồng ý của Ủy ban nhân dân tỉnh mới được triển khai các bước tiếp theo;
- Các khu vực không được đưa vào quy hoạch trên cả ba tuyến sông đều
thuộc khu vực cấm và tạm thời cấm hoạt động khai thác cát xây dựng trong giai
đoạn từ nay đến năm 2020;
- Bãi tập kết cát sỏi
xây dựng:
Quy hoạch bến bãi trên các tuyến sông
thuộc quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa của
ngành giao thông vận tải của tỉnh. Các đơn vị khai thác và kinh doanh cát sỏi
xây dựng cần khảo sát lựa chọn địa điểm, xác định quy mô bãi chứa, thiết kế bãi
chứa cát tuân thủ theo các tiêu chí đã được quy định trình lên cơ quan có thẩm
quyền phê duyệt. Căn cứ vào khả năng khai thác và nhu cầu kinh doanh cát sỏi
trên địa bàn tỉnh, quy hoạch định hướng các bãi tập kết cát sỏi trên ba tuyến
sông, như sau :
- Tuyến sông Lô: Trong giai
đoạn tới sẽ duy trì các bãi tập kết hiện có tại một số xã: Đức Bác, Như Thụy,
Tứ Yên (huyện Sông Lô). Dự kiến mở các bãi tập kết mới, gồm các xã: Hải Lựu,
Đôn Nhân, Phương Khoan (huyện Sông Lô); Ngừng hoạt động bãi tập kết tại thị
trấn Tam Sơn (huyện Sông Lô).
- Tuyến sông Phó Đáy: Trong
giai đoạn tới sẽ duy trì các bãi tập kết hiện có tại xã Việt Xuân (huyện Vĩnh
Tường). Dự kiến mở các bãi tập kết mới tại các khu vực được quy hoạch thăm dò,
khai thác (phía trên đập tràn Liễn Sơn), gồm các xã: Bồ Lý, Yên Dương (huyện Tam
Đảo); Thái Hòa, Hợp Lý (huyện Lập Thạch).
- Tuyến sông Hồng: Trong giai
đoạn tới dự kiến mở các bãi tập kết tại các xã: Phú Thịnh, Vĩnh Ninh (huyện
Vĩnh Tường); Đại Tự, Liên Châu, Trung Hà (huyện Yên Lạc).
2.2 Định hướng quy
hoạch đến năm 2030.
- Tiếp tục triển khai việc thăm dò
nguồn cát, sỏi kể cả cát bê tông, xây trát và cát san lấp, bao gồm thăm dò mở
rộng cả theo chiều rộng và chiều sâu tầng cát, sỏi cũng như thăm dò phát hiện
các điểm mỏ cát, sỏi mới, tập trung vào các khu vực bãi bồi ven sông, để có
thêm nguồn cung ứng cát, sỏi cho khai thác.
- Việc khai thác cát, sỏi cần được
quản lý chặt chẽ về số lượng và chất lượng. Đối với cát, sỏi cho bê tông và xây
trát vẫn đặt mục tiêu đáp ứng cho nhu cầu nội tỉnh là chính để tiết kiệm nguồn
tài nguyên cho sử dụng lâu dài của tỉnh. Đối với cát san lấp cần tiếp tục đầu
tư khai thác quy mô lớn để đáp ứng cho nhu cầu của tỉnh và cung ứng một phần ra
ngoài tỉnh.
- Các doanh nghiệp khai thác cần tập
trung đầu tư đổi mới công nghệ để nâng cao năng lực khai thác; đồng thời đầu tư
vào công nghệ chế biến để nâng cao chất lượng cát, sỏi tận dụng tốt tiềm năng
cát, sỏi vào những mục đích sử dụng khác nhau một cách hợp lý. Việc khai thác cát,
sỏi tại các bãi bồi cần bảo đảm tiết kiệm quỹ đất sử dụng và nhanh chóng hoàn
thổ để trả lại đất đai canh tác cho nhân dân.
Điều 2. Tổ chức thực
hiện.
1. Sở Xây dựng.
a) Tổ chức phổ biến Quy hoạch thăm dò,
khai thác và sử dụng cát, sỏi xây dựng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đến năm
2020, tầm nhìn đến năm 2030 sau khi được UBND tỉnh phê duyệt,
để các ngành, các cấp, các huyện, thành phố trong tỉnh có căn cứ thực hiện;
đồng thời xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch trên địa bàn tỉnh và
các huyện có hoạt động khai thác cát, sỏi xây dựng;
b) Trong quá trình triển khai thực
hiện quy hoạch, cần phối hợp với các ngành chức năng ở tỉnh, như: Sở Tài nguyên
và Môi trường, Sở Công thương... có trách nhiệm thường xuyên cập nhật các thông
tin về hoạt động thăm dò, khai thác cát, sỏi xây dựng để kịp thời báo cáo, đề
xuất điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội
của tỉnh; tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở của các dự án đầu tư xây dựng công
trình mỏ cát, sỏi;
c) Tăng cường thực hiện chức năng quản
lý nhà nước và tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý nhà nước theo
thẩm quyền về khai thác cát sông trên địa bàn tỉnh làm vật liệu xây dựng; xem
xét và đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức lập, thẩm định quy hoạch sử dụng
cát, sỏi trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Tài
nguyên và Môi trường
a) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành
tỉnh có liên quan và các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục pháp luật về quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác, vận chuyển, bảo vệ
khoáng sản cát, sỏi lòng sông để tổ chức, cá nhân có liên quan và nhân dân
thông suốt thực hiện tốt; thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của
các đơn vị khai thác cát, sỏi;
b) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh
việc thu hồi giấy phép khai thác cát lòng sông đối với các đơn vị chưa thực
hiện đúng, đầy đủ các nội dung quy định về việc quản lý, cấp phép thăm dò, khai
thác và sử dụng tài nguyên cát, sỏi trên địa bàn tỉnh và các quy định khác có
liên quan;
c) Tăng cường công tác kiểm tra, đề
xuất xử lý nghiêm các vi phạm về khai thác cát, sỏi trên địa bàn tỉnh đúng theo
Nghị định số 150/2004/NĐ-CP ngày 29/7/2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm
hành chính trong lĩnh vực khoáng sản, Nghị định số 77/2007/NĐ-CP ngày 10/5/2007
của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 150/2004/NĐ-CP ngày
29/7/2004;
d) Chủ động lập kế hoạch phối hợp với
các ngành, các huyện trong tỉnh, các cơ quan quản lý của Trung ương tại địa
phương, các tỉnh lân cận có ranh giới trên sông với tỉnh để tổ chức thanh tra,
kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác, vận
chuyển cát theo quy định. Hỗ trợ Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã
về chuyên môn nghiệp vụ phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi
phạm;
e) Chủ trì, phối hợp các sở, ngành,
các địa phương có liên quan dự thảo trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy
định về cơ chế quản lý, kiểm tra khối lượng và sản lượng khai thác cát, sỏi
lòng sông trong các doanh nghiệp.
3. Sở Giao
thông vận tải
a) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm
tra các phương tiện giao thông đường thuỷ tham gia khai thác cát, sỏi lòng
sông; kiểm tra, xử lý nghiêm các chủ phương tiện giao thông có tham gia khai
thác, vận chuyển cát sỏi gây ô nhiễm môi trường và cản trở đến hoạt động giao
thông đường thủy nội địa, các phương tiện vận chuyển đường bộ quá khổ, quá tải
trọng thiết kế không đảm bảo an toàn cho các tuyến đường, nhất là các tuyến đê
sông;
b) Thẩm định và trình Ủy ban nhân dân
tỉnh phê duyệt các bến bãi tập kết cát sỏi xây dựng trên địa bàn tỉnh theo đúng
luật định.
4. Sở Công
Thương
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước
về kinh doanh cát, sỏi lòng sông theo chức năng và thẩm quyền được giao; tham
gia, cho ý kiến thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của các đơn vị
khai thác cát, sỏi; tham gia ý kiến về thiết kế cơ sở của các dự án đầu tư xây
dựng công trình khai thác cát, sỏi; phối hợp với các ngành của tỉnh về thanh
tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động thăm dò, khai thác, vận
chuyển cát, sỏi theo quy định của pháp luật;
5. Sở Nông
nghiệp & PTNT :
Phối hợp với các ngành, các cấp chính
quyền tiến hành kiểm tra các tổ chức, cá nhân tham gia khai thác cát, sỏi trên
sông và các bãi tập kết cát, sỏi ven sông để phát hiện các hành vi vi phạm hành
lang chân đê, các trường hợp khai thác trái phép trên diện tích đất canh tác
của nhân dân, tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.
6. Công an
tỉnh
a) Chỉ đạo lực lượng chức năng tăng
cường phối hợp với Chi cục Quản lý thị trường, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi
trường có kế hoạch kiểm tra định kỳ, đột xuất trong khai thác, vận chuyển cát
của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, thông qua công tác tuần
tra kiểm soát, tổ chức kiểm tra ngay các trường hợp khai thác cát trái phép khi
nhân dân phát hiện báo tin để xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm;
b) Tăng cường công tác tuần tra, kiểm
soát việc khai thác cát, sỏi lòng sông của các tổ chức và cá nhân trên địa bàn
tỉnh; xử lý nghiêm các hành vi khai thác cát không giấy phép, khai thác không
đúng nơi quy định làm ảnh hưởng đến dòng chảy, gây sạt lở bờ sông; khai thác
gây ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nước trên các dòng sông.
7. Cục Thuế
tỉnh:
a) Tăng cường rà soát, chỉ đạo việc
cấp mã số thuế cho các tổ chức, cá nhân mới thành lập; phối hợp với Sở Tài
nguyên và Môi trường nắm chắc khối lượng được phép khai thác, khối lượng thực
hiện của các doanh nghiệp để tăng cường thu các loại thuế, phí trong khai thác
khoáng sản cát đúng theo quy định pháp luật;
b) Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm
các trường hợp doanh nghiệp khai thác cát không xuất hóa đơn, kê khai sản lượng
khai thác không đúng với thực tế. Phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra
và kiên quyết xử lý triệt để các trường hợp mua, bán, vận chuyển cát không có
hóa đơn theo quy định. Chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm tra,
xử lý các doanh nghiệp không thực hiện các nghĩa vụ về thuế, phí bảo vệ môi
trường theo quy định;
c) Báo cáo định kỳ về tình hình thu,
nộp các loại thuế và phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản cát,
sỏi lòng sông của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.
8. Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố, thị xã
a) Tăng cường công tác quản lý nhà
nước về khai thác, mua bán khoáng sản cát sông trong địa bàn phụ trách. Chủ
động tổ chức kiểm tra và xử lý các vi phạm theo thẩm quyền; các trường hợp vượt
thẩm quyền xử lý, báo cáo đề xuất cơ quan cấp trên theo quy định;
b) Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi
trường chủ động thực hiện và phối hợp với ngành chức năng tỉnh trong tổ chức
kiểm tra, thanh tra các đơn vị hoạt động khai thác cát sông trên địa bàn quản
lý;
9. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn:
a)
Thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản cát, sỏi chưa khai thác, phối hợp với
các cơ quan chức năng bảo vệ khoáng sản cát sỏi chưa khai thác trên địa bàn;
phát hiện, huy động các lực lượng trên địa bàn ngăn chặn kịp thời các hoạt động
khai thác trái phép; thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, tài nguyên
thiên nhiên khác theo quy định của pháp luật; bảo đảm an ninh, trật tự an toàn
xã hội tại khu vực có cát sỏi.
b)
Kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khai thác và vận chuyển cát, sỏi theo thẩm
quyền; phối hợp với các cấp các ngành liên quan thanh tra, kiểm tra hoạt động
khoáng sản trên địa bàn.
c) Báo cáo ủy ban nhân dân cấp trên tình hình
hoạt động khai thác cát sỏi trên địa bàn.
10. Các tổ
chức, cá nhân hoạt động khai thác khoáng sản
a) Thực hiện các nghĩa vụ theo quy
định của Luật Khoáng sản, Luật Bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật có
liên quan;
b) Thực hiện đúng và đầy đủ các nội
dung trong Báo cáo đánh giá tác động môi trường, bản cam kết bảo vệ môi trường
đã được phê duyệt và các quy định khác của pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo
đảm an toàn lao động và trật tự xã hội trong quá trình hoạt động khai thác,
kinh doanh cát, sỏi theo quy định của pháp luật;
c) Hoạt động khai thác phải phù hợp
với quyết định phê duyệt dự án đầu tư và thiết kế mỏ; bảo vệ, tiết kiệm tài
nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường và cảnh quan trong và sau khi khai thác;
phối hợp với các cơ quan chức năng trong công tác quản lý khai thác cát sông trên
địa bàn tỉnh;
d) Bồi thường thiệt hại do hoạt động
khai thác gây ra theo quy định của pháp luật; thực hiện các quy định về quản lý
hành chính, trật tự, an toàn xã hội và thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy
định của pháp luật;
e) Chỉ được phép tiến hành khai thác
trong phạm vi được cấp phép, nếu khai thác và vận chuyển cát sỏi làm sạt lở đê,
kè, bờ sông phải có trách nhiệm sửa chữa hoặc xây dựng lại đê kè đảm bảo an
toàn; phải nộp phí bảo vệ môi trường theo Chỉ thị số 25/2009/CT-UBND của UBND
tỉnh Vĩnh Phúc về việc tăng cường quản lý công tác khai thác tài nguyên khoáng
sản trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Điều 3. Quyết
định này có hiệu lực kể từ ngày ký,
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở,
ban, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch UBND các xã,
phường, thị trấn và Thủ trưởng các đơn vị, cá nhân liên quan căn cứ quyết định
thi hành ./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Phùng
Quang Hùng
|