Quyết định 1457/2008/QĐ-UBND ban hành Quy định về trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành

Số hiệu 1457/2008/QĐ-UBND
Ngày ban hành 25/06/2008
Ngày có hiệu lực 05/07/2008
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thừa Thiên Huế
Người ký Nguyễn Ngọc Thiện
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1457/2008/QĐ-UBND

Huế, ngày 25 tháng 6 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC VÀ THẨM QUYỀN XỬ LÝ KỶ LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 35/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ và Thông tư số 03/2006/TT-BNV ngày 08 tháng 02 năm 2006 của Bộ Nội vụ về việc Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 35/2005/NĐ-CP về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức;
Căn cứ Thông tư số 03/2007/TT-BNV ngày 12 tháng 6 năm 2007 của Bộ Nội vụ về việc Hướng dẫn thực hiện chế độ kỷ luật công chức cấp xã;
Căn cứ Công văn số 361/BNV-CCVC ngày 05 tháng 02 năm 2008 của Bộ Nội vụ về việc xử lý kỷ luật cán bộ, công chức bầu cử thuộc Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân các cấp;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 510/TTr-SNV ngày 28 tháng 5 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký; các quy định trước đây của UBND tỉnh trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các sở, ban cấp tỉnh; Chủ tịch Hội đồng Nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Huế và các huyện chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Thiện

 

QUY ĐỊNH

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC VÀ THẨM QUYỀN XỬ LÝ KỶ LUẬT CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1457/2008/QĐ-UBND Ngày 25 tháng 6 năm 2008 của Ủy ban Nhân dân tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy định này nhằm cụ thể hóa trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức vi phạm hành chính, vi phạm các quy định của pháp luật.

1. Đối tượng điều chỉnh tại quy định này:

a) Những người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào một ngạch công chức hoặc giao giữ một công vụ thường xuyên trong các cơ quan nhà nước ở cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã;

b) Những người được tuyển dụng, bổ nhiệm vào một ngạch viên chức hoặc giao giữ một nhiệm vụ thường xuyên trong đơn vị sự nghiệp của Nhà nước;

c) Cán bộ bầu cử thuộc UBND các cấp vi phạm kỷ luật mà chưa đến mức phải xử lý bằng hình thức cách chức hoặc miễn nhiệm, bãi nhiệm;

2. Các trường hợp sau đây nếu vi phạm pháp luật cũng xử lý kỷ luật theo quy định này, bao gồm: cán bộ, công chức được điều động sang làm việc tại các tổ chức kinh tế để giữ các chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị, Uỷ viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc, Giám đốc, Phó Giám đốc, Kế toán trưởng, người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần; tổ chức xã hội; tổ chức xã hội - nghề nghiệp; cán bộ, công chức đang nghỉ chế độ chờ làm thủ tục hưu trí; cán bộ, công chức sau khi điều động công tác về các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác mới phát hiện vi phạm kỷ luật.

3. Quy định này không bao gồm các đối tượng là những người vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, những người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội. Các chức danh bầu cử HĐND các cấp; cán bộ chuyên trách được bầu để giữ các chức vụ Bí thư, Phó Bí thư đảng ủy, người đứng đầu các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã.

Điều 2. Các trường hợp bị xử lý kỷ luật

1. Vi phạm việc thực hiện nghĩa vụ của cán bộ, công chức quy định tại Điều 6, 7 và Điều 8 của Pháp lệnh Cán bộ, công chức năm 2003 trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ.

2. Vi phạm những việc cán bộ, công chức không được làm quy định tại Điều 15, 16, 17, 19 và Điều 20 của Pháp lệnh cán bộ, công chức năm 2003.

3. Vi phạm Điều 37 Luật Phòng chống tham nhũng.

4. Vi phạm pháp luật bị Tòa án tuyên là có tội, kiến nghị xử lý về mặt hành chính hoặc bị cơ quan có thẩm quyền kết luận bằng văn bản về hành vi vi phạm pháp luật.

5. Cấp phát, sử dụng văn bằng, chứng chỉ không hợp pháp.

[...]