Quyết định 1220/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nam Định đến năm 2020"

Số hiệu 1220/QĐ-UBND
Ngày ban hành 24/06/2010
Ngày có hiệu lực 24/06/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Nam Định
Người ký Bùi Đức Long
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Giáo dục

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1220/2010/QĐ-UBND

Ngày 24 tháng 6 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN "ĐÀO TẠO NGHỀ CHO LAO ĐỘNG NÔNG THÔN TỈNH NAM ĐỊNH ĐẾN NĂM 2020"

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Dạy nghề số 76/2006/QH11 ngày 29 tháng 11 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 18/2010/NĐ-CP ngày 05/03/2010 của Chính phủ về việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; Quyết định số 40/2006/QĐ-TTg ngày 15 tháng 2 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2006-2010;

Căn cứ Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án " Dạy nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020"; Quyết định số 295/QĐ-TTg ngày 26/2/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án " Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm giai đoạn 2010 -2015"; Quyết định số 103/QĐ-TTg ngày 21/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Hỗ trợ thanh niên học nghề và tạo việc làm giai đoạn 2008-2015";

Căn cứ Quyết định số 87/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Nam Định đến năm 2020;

Căn cứ Công văn số 664/BLĐTBXH-TCDN ngày 9/3/2010 của Bộ Lao động TB và XH về việc hướng dẫn xây dựng kế hoạch triển khai Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020".

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tại tờ trình số 42/TT-SLĐTBXH ngày 15 tháng 6 năm 2010;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Đề án " Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nam Định đến năm 2020" (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. Mục tiêu:

1. Mục tiêu chung:

- Mở rộng và nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập của lao động nông thôn; góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động. cơ cấu kinh tế đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020.

- Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trình độ, năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý hành chính, quản lý, điều hành kinh tế - xã hội và thực thi công vụ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn.

2. Mục tiêu cụ thể:

a, Năm 2010:

- Đào tạo nghề (cả 3 cấp trình độ) cho 19,6 ngàn lao động ở khu vực nông thôn và lao động nữ trong tỉnh;

Trong đó số lao động được hỗ trợ chi phí học nghề (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) là 5,5 ngàn người, gồm:

+ Học nghề nông nghiệp:                                    2,2 ngàn người;

+ Học nghề phi nông nghiệp:                               3,3 ngàn người;

- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức cấp xã, gồm:

+ Đào tạo: Trình độ trung cấp (chuyên ngành Luật, Văn hoá, Công an,Quân sự) cho 300 người; trình độ Đại Học ( hệ vừa học vừa làm chuyên ngành Luật, Hành chính, kinh tế Nông nghiệp) cho 300 người;

+ Bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn và lý luận chính trị cho cán bộ công chức xã, phường, thị trấn: 1.500 ngàn người; cập nhập kiến thức quản lý Nhà nước mới cho từng vị trí công việc: 2.500 ngàn người;

b) Giai đoạn 2011 - 2015:

- Đào tạo nghề (cả 3 cấp trình độ) cho 120 ngàn lao động ở khu vực nông thôn và lao động nữ trong tỉnh. Bình quân mỗi năm đào tạo nghề khoảng 24 ngàn lao động;

Trong đó số lao động được hỗ trợ chi phí học nghề (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng) là 13 ngàn người/năm, gồm:

[...]