THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1043/QĐ-TTg
|
Hà Nội, ngày 01
tháng 07 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC CÔNG NGHIỆP HÓA CỦA VIỆT NAM TRONG KHUÔN KHỔ HỢP
TÁC VIỆT NAM - NHẬT BẢN HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN 2030
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày
25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 1075/QĐ-TTg
ngày 13 tháng 8 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo
Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật
Bản hướng đến năm 2020;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch
và Đầu tư,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Chiến lược công nghiệp hóa của Việt
Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn
2030” (sau đây gọi tắt là Chiến lược CNH) với các nội dung chủ yếu sau:
1. Tầm nhìn, quan
điểm và mục tiêu
a) Tầm nhìn:
Phát triển vượt bậc sáu ngành công
nghiệp ưu tiên, bao gồm: điện tử; máy nông nghiệp; chế biến nông, thủy sản;
đóng tàu; môi trường và tiết kiệm năng lượng; và sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô
thành những ngành công nghiệp chủ lực của nền kinh tế, có giá trị gia tăng cao
và năng lực cạnh tranh quốc tế. Các ngành được ưu tiên phát triển trong Chiến
lược CNH giữ vai trò dẫn dắt về thúc đẩy thu hút đầu tư của doanh nghiệp trong
và ngoài nước, trước hết là doanh nghiệp Nhật Bản, tạo lan tỏa công nghệ và lan
tỏa kỹ năng đối với ngành công nghiệp nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói
chung.
b) Quan điểm:
- Chiến lược CNH đóng góp vào thực hiện
chính sách phát triển công nghiệp tổng thể của Việt Nam, tập trung vào phát triển
sáu ngành công nghiệp ưu tiên đã chọn trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế
so sánh của Việt Nam và sử dụng hiệu quả để tạo ra những ngành công nghiệp có
năng lực cạnh tranh quốc tế.
- Chiến lược CNH góp phần đẩy nhanh
quá trình CNH đến năm 2020 của Việt Nam. Các ngành được lựa chọn phù hợp với định
hướng phát triển công nghiệp chung của Việt Nam và đóng góp lớn vào tạo cú
huých cho phát triển của các ngành công nghiệp khác trong quá trình công nghiệp
hóa đến năm 2020. Chiến lược CNH đóng góp trực tiếp vào quá trình tái cơ cấu
ngành, phục vụ thực hiện chuyển đổi mô hình tăng trưởng gắn với tái cơ cấu nền
kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh
tế.
- Chiến lược CNH phải tạo bước đột
phá trong thu hút đầu tư và tăng hiệu quả đầu tư trực tiếp nước ngoài nói chung
và của Nhật Bản nói riêng vào Việt Nam; tạo dựng và củng cố liên kết sản xuất
giữa doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp trong nước; thúc đẩy chuyển giao, đổi
mới công nghệ và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam.
c) Mục tiêu:
- Mục tiêu chung:
Ưu tiên phát triển sáu ngành công
nghiệp được lựa chọn nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ, tăng trưởng năng suất lao
động và tạo dựng năng lực cạnh tranh quốc tế; phát triển những sản phẩm có giá
trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa công nghệ, đạt tiêu chuẩn chất lượng tiên
tiến cho xuất khẩu và tiêu dùng trong nước.
- Các mục tiêu cụ thể:
+ Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch
hành động đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cụ thể và khả thi cho từng ngành
trong số sáu ngành đã chọn; tập trung vào một số phân ngành, sản phẩm chiến lược;
thực hiện dự án thí điểm trong từng ngành, phân ngành nếu cần thiết.
+ Việt Nam và Nhật Bản hợp tác thu
hút dự án đầu tư có chất lượng của Nhật Bản vào các ngành công nghiệp ưu tiên
và ngành có liên quan.
+ Huy động tối đa sự tham gia của
Chính phủ - doanh nghiệp - nhà khoa học của Việt Nam và Nhật Bản vào toàn bộ
quá trình xây dựng, thực hiện và đánh giá hiệu quả phát triển các ngành công
nghiệp được lựa chọn.
- Một số chỉ tiêu chủ yếu đối với các
ngành ưu tiên phát triển:
Đến năm 2020, các ngành được ưu tiên
phát triển:
+ Các ngành được ưu tiên phát triển
đi đầu trong áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch gắn với đảm bảo tính hợp lý
về điều kiện kinh tế của Việt Nam.
+ Giá trị sản xuất của các ngành ưu
tiên tăng tối thiểu 20% hàng năm và đóng góp tối thiểu 35% vào tổng giá trị sản
xuất ngành công nghiệp.
+ Đứng trong số mười ngành có tốc độ
tăng năng suất lao động cao nhất.
Đến năm 2030, các ngành được ưu tiên
phát triển chủ yếu áp dụng công nghệ cao, công nghệ sạch gắn với đảm bảo tính hợp
lý về điều kiện kinh tế của Việt Nam.
2. Định hướng và
giải pháp
a) Định hướng:
- Định hướng đến năm 2020:
+ Tăng cường năng lực sản xuất của
sáu ngành được lựa chọn nhằm thích ứng với quá trình thực thi các cam kết hội
nhập kinh tế quốc tế đến năm 2020. Chuyển đổi các ngành công nghiệp phụ thuộc
vào lắp ráp, gia công giản đơn có giá trị gia tăng thấp sang nền công nghiệp sử
dụng tối đa đầu vào sản xuất trong nước thuộc thượng nguồn và trung nguồn để tạo
ra giá trị gia tăng cao, nâng dần năng lực cạnh tranh quốc tế.
+ Tạo dựng và mở rộng thị trường cho
sản phẩm của sáu ngành ưu tiên.
+ Tập trung phát triển công nghiệp hỗ
trợ cho sáu ngành ưu tiên gắn với chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực chất
lượng cao làm nền tảng cho các ngành này.
+ Đẩy nhanh việc đưa vào vận hành những
dự án lớn đã được phê duyệt trong các lĩnh vực thuộc thượng nguồn (hóa dầu, sản
xuất thép, điện lực, gas, năng lượng...) nhằm tăng hiệu quả đầu tư cho sự phát
triển lâu dài của các ngành công nghiệp ưu tiên phát triển.
- Định hướng giai đoạn 2020 - 2030:
Tăng cường mối liên kết ngành sản xuất
sản phẩm cuối cùng với ngành sản xuất đầu vào nguyên liệu, ngành sản xuất đầu
vào trung gian và ngành dịch vụ, hình thành cơ cấu công nghiệp nhất quán từ thượng
nguồn, trung nguồn tới hạ nguồn.
b) Một số giải pháp chủ yếu:
- Nghiên cứu, xây dựng Kế hoạch hành
động phát triển cho từng ngành; tiến hành khảo sát, thu hút sự tham gia hài hòa
của doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước và Trường đại học trong quá trình xây dựng Kế
hoạch hành động.
- Hoàn thiện đồng bộ khuôn khổ pháp lý
và chính sách khuyến khích phát triển các ngành đã chọn; công bố kế hoạch triển
khai thực hiện các chính sách khuyến khích và ưu đãi đối với từng ngành.
- Đẩy mạnh cải cách đồng bộ thủ tục hành
chính và thực hiện nhất quán ở tất cả các cấp hành chính từ Trung ương đến địa
phương.
- Phát triển một vài vùng, địa phương
thành những vùng động lực của Chiến lược CNH để phát triển các ngành được lựa
chọn, trong đó ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực tại
các vùng đó.
- Tổ chức thực hiện các Kế hoạch hành
động một cách nhất quán, thống nhất và trên nguyên tắc hai bên Việt Nam và Nhật
Bản cùng hợp tác trao đổi và Nhật Bản hỗ trợ tích cực trong quá trình tổ chức
thực hiện, đảm bảo nguồn lực được sử dụng hiệu quả.
- Xây dựng hệ thống kiểm tra, giám
sát để theo dõi việc thực hiện Kế hoạch hành động và đánh giá kết quả thực hiện.
- Việt Nam và Nhật Bản tập trung hợp
tác trong một số lĩnh vực trọng tâm để phục vụ thực hiện Chiến lược CNH một
cách nhất quán. Các lĩnh vực hợp tác trọng tâm bao gồm:
+ Rà soát và đánh giá chiến lược, quy
hoạch và chính sách hiện hành liên quan đến sáu ngành ưu tiên và đề xuất điều
chỉnh nhằm đảm bảo tính đồng bộ về chính sách và tính thực thi của Chiến lược
CNH và kế hoạch hành động của từng ngành.
+ Xúc tiến đầu tư vào sáu ngành ưu
tiên phát triển.
+ Hợp tác trong lĩnh vực đào tạo cho
sáu ngành đã chọn.
+ Hợp tác trong thúc đẩy chuyển giao
công nghệ trong sáu ngành ưu tiên.
+ Hợp tác trong phát triển hạ tầng phục
vụ sáu ngành ưu tiên.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ máy chỉ đạo, điều hành thực hiện
Chiến lược CNH
Ban Chỉ đạo Chiến lược CNH của Việt
Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn
2030 được thành lập theo Quyết định số 1075/QĐ-TTg ngày 13 tháng 8 năm 2012 của
Thủ tướng Chính phủ chủ trì việc xây dựng, công bố và tổ chức triển khai thực
hiện Chiến lược này.
2. Phân công thực hiện Chiến lược CNH
a) Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
- Thông qua Phó trưởng Ban Chỉ đạo và
Tổ công tác chủ trì, làm đầu mối điều phối tổ chức, phối hợp và hợp tác với Nhật
Bản triển khai thực hiện Chiến lược CNH.
- Phối hợp với Bộ Tài chính và các Bộ
chuyên ngành xây dựng các chính sách khuyến khích, ưu đãi phù hợp với Chiến lược
phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và lộ trình giảm thuế quan theo
các cam kết khu vực và quốc tế nhằm thu hút đầu tư vào phát triển sáu ngành đã
chọn; cân đối ngân sách và vốn đầu tư cho phát triển sáu ngành công nghiệp này
và đưa vào kế hoạch 5 năm, hàng năm.
- Tham gia xây dựng và thực hiện Kế
hoạch hành động phát triển sáu ngành trong Chiến lược CNH thông qua Tổ công
tác.
b) Bộ Tài chính:
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
các Bộ chuyên ngành đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi về thuế, thuế
quan và thủ tục hành chính liên quan để khuyến khích phát triển sáu ngành công
nghiệp ưu tiên phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
các Bộ chuyên ngành xây dựng các chính sách khuyến khích, ưu đãi phù hợp với
Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020 và lộ trình giảm
thuế quan theo các cam kết khu vực và quốc tế nhằm thu hút đầu tư vào phát triển
sáu ngành đã chọn; cân đối ngân sách và vốn đầu tư cho phát triển sáu ngành
công nghiệp này và đưa vào kế hoạch 5 năm, hàng năm.
- Tham gia xây dựng và thực hiện Kế
hoạch hành động phát triển sáu ngành trong Chiến lược CNH thông qua Tổ công
tác.
c) Bộ Công Thương:
- Chủ trì, phối hợp
với các Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động ngành máy nông
nghiệp, ngành sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô, ngành công nghiệp môi trường và
tiết kiệm năng lượng.
- Phối hợp với Bộ
Thông tin và Truyền thông tổ chức thực hiện kế hoạch hành động ngành điện tử;
phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thực hiện kế hoạch
hành động ngành công nghiệp chế biến nông, thủy sản.
- Phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu
tư, Tài chính và các Bộ liên quan xây dựng các chính sách khuyến khích, ưu đãi
tạo điều kiện thu hút đầu tư vào phát triển năm ngành công nghiệp của Chiến lược
CNH nêu trên.
- Tham gia xây dựng và thực hiện Kế
hoạch hành động phát triển các ngành trong Chiến lược CNH thông qua Tổ công
tác.
d) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn:
- Chủ trì, phối hợp
với các Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch hành động ngành công
nghiệp chế biến nông, thủy sản.
- Phối hợp với Bộ
Công Thương tổ chức thực hiện kế hoạch hành động ngành máy nông nghiệp.
- Phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu
tư, Tài chính và các Bộ liên quan xây dựng chính sách khuyến khích, ưu đãi tạo
điều kiện thu hút đầu tư vào phát triển ngành hai ngành công nghiệp của Chiến
lược CNH nêu trên.
- Tham gia xây dựng và thực hiện Kế
hoạch hành động phát triển sáu ngành trong Chiến lược CNH thông qua Tổ công
tác.
đ) Bộ Giao thông vận
tải:
- Chủ trì, phối hợp
với các Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch hành động ngành đóng
tàu.
- Phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu
tư, Tài chính và các bộ liên quan xây dựng các chính sách khuyến khích, ưu đãi
tạo điều kiện thu hút đầu tư vào phát triển ngành công nghiệp đóng tàu.
- Tham gia xây dựng và thực hiện Kế
hoạch hành động phát triển sáu ngành trong Chiến lược CNH thông qua Tổ công
tác.
e) Bộ Thông tin và Truyền thông:
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Công
Thương và các Bộ, ngành liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch hành động phát triển
ngành điện tử.
- Phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu
tư, Tài chính và các bộ liên quan xây dựng các chính sách khuyến khích, ưu đãi
tạo điều kiện thu hút đầu tư vào phát triển công nghiệp điện tử.
- Tham gia xây dựng và thực hiện Kế
hoạch hành động phát triển sáu ngành trong Chiến lược CNH thông qua Tổ công
tác.
g) Bộ Khoa học và công nghệ:
- Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan
xây dựng các chính sách khuyến khích, ưu đãi tạo điều kiện thu hút đầu tư vào
phát triển các ngành ưu tiên trong Chiến lược CNH; xây dựng chính sách thúc đẩy
chuyển giao công nghệ, đẩy nhanh ứng dụng công nghệ cao trong sáu ngành công
nghiệp ưu tiên.
- Tham gia xây dựng và thực hiện Kế
hoạch hành động phát triển sáu ngành trong Chiến lược CNH thông qua Tổ công
tác.
h) Bộ Ngoại giao:
- Tham gia, phối hợp với Bộ Kế hoạch
và Đầu tư trong việc điều phối hoạt động hợp tác với Nhật Bản.
- Tham gia với các Bộ Kế hoạch và Đầu
tư, Tài chính và các bộ liên quan xây dựng các chính sách khuyến khích, ưu đãi
tạo điều kiện thu hút đầu tư vào phát triển sáu ngành công nghiệp của Chiến lược
CNH.
- Tham gia xây dựng và thực hiện Kế
hoạch hành động phát triển sáu ngành trong Chiến lược CNH thông qua Tổ công
tác.
i) Ngân hàng Nhà nước:
- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư,
Bộ Tài chính, các Bộ chuyên ngành xây dựng các chính sách ưu đãi tín dụng cho
sáu ngành đã chọn.
k) Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động
- Thương binh và Xã hội:
- Phối hợp với các Bộ, ngành liên
quan tổ chức thực hiện kế hoạch hành động liên quan đến việc đào tạo nguồn nhân
lực cho sáu ngành đã chọn.
- Tham gia xây dựng và triển khai thực
hiện Kế hoạch hành động phát triển sáu ngành trong Chiến
lược CNH thông qua Tổ công tác.
l) Các Bộ, ngành khác và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm
xây dựng Kế hoạch hành động và phối hợp xử lý các vấn đề liên quan theo đề xuất
của Ban Chỉ đạo và cơ quan chủ trì thực hiện Kế hoạch hành
động từng ngành.
3. Trách nhiệm và hỗ trợ của Chính phủ
Việt Nam và Nhật Bản
a) Trách nhiệm và hỗ trợ của Chính phủ
Việt Nam:
- Trong quá trình thực hiện các Kế
hoạch hành động của các ngành công nghiệp chiến lược, Ban Chỉ đạo
sẽ thành lập nhóm chuyên trách trong những Bộ, ngành liên quan và chỉ đạo tổ chức
thực hiện Kế hoạch hành động phát triển sáu ngành một cách
nhất quán.
- Các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm
cung cấp và chia sẻ thông tin, tài liệu, số liệu thống kê cần thiết phục vụ cho
tổ chức thực hiện Chiến lược CNH.
b) Trách nhiệm và hỗ trợ của Chính phủ
Nhật Bản:
- Các cơ quan liên quan của Nhật Bản
cam kết tham gia tích cực và hỗ trợ công tác triển khai thực hiện Chiến lược
CNH.
- Hỗ trợ kinh phí để thực hiện các cuộc
điều tra, khảo sát và tư vấn cần thiết phục vụ cho công tác triển khai thực hiện Chiến lược CNH.
- Tích cực xúc tiến đầu tư, tìm nhà đầu
tư có tiềm năng vào Việt Nam; chọn lọc thông tin và chia sẻ với các Bộ, ngành
và các bên liên quan phục vụ triển khai thực hiện Chiến lược CNH.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký ban hành.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi
hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ: TH, TKBT, KGVX, KTN,
V.III, ĐMDN, KTTH, PL, Công báo;
- Lưu: Văn thư, QHQT (3b).
|
THỦ TƯỚNG
Nguyễn Tấn Dũng
|