Quyết định 1342/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp máy nông nghiệp thực hiện Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1342/QĐ-TTg
Ngày ban hành 12/08/2014
Ngày có hiệu lực 12/08/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại,Bộ máy hành chính

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1342/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 12 tháng 08 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP MÁY NÔNG NGHIỆP THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC CÔNG NGHIỆP HÓA CỦA VIỆT NAM TRONG KHUÔN KHỔ HỢP TÁC VIỆT NAM - NHẬT BẢN HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Quyết định số 1043/QĐ-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030;

Xét đề nghị của Bộ Công Thương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp máy nông nghiệp thực hiện Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 theo Quyết định số 1043/QĐ-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, TKBT, KGVX, KTN, V.III, ĐMDN, KTTH, PL, Công báo;
- Lưu: Văn thư.

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP MÁY NÔNG NGHIỆP THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC CÔNG NGHIỆP HÓA CỦA VIỆT NAM TRONG KHUÔN KHỔ HỢP TÁC VIỆT NAM - NHẬT BẢN HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1342/QĐ-TTg ngày 12 tháng 8 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ)

I. THỰC TRẠNG

1. Vị trí, vai trò của ngành sản xuất nông lâm ngư nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế Việt Nam và triển vọng hướng tới năm 2020

Trong cơ cấu nền kinh tế của Việt Nam, ngành sản xuất nông lâm ngư nghiệp chiếm 25% GDP vào năm 2000 và chiếm 21% vào năm 2010. Theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, tỉ lệ này được dự kiến giảm xuống còn 15% vào năm 2020. Tuy nhiên, do bản thân GDP đang phát triển một cách nhanh chóng nên theo đà tăng trưởng của tổng sản lượng nông lâm ngư nghiệp, năm 2000 là 78 tỉ đô la, đến năm 2010 đã tăng lên đến 220 tỉ đô la. Đến năm 2020, cũng theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 thì để có con số GDP bình quân đầu người đạt 3000 USD, dân số 96.400.000 người, tỉ lệ thành phần GDP của nông nghiệp chiếm 15% thì cần phải đạt được tổng sản lượng lên tới 430 tỉ USD (gấp gần 2 lần trong vòng 10 năm).

Tỉ lệ người hoạt động trong ngành sản xuất nông lâm ngư nghiệp chiếm 65% trong năm 2000 và chiếm 49% trong năm 2010 trong tổng số dân số lao động. Theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm thì vào năm 2020, con số dự kiến sẽ là 30 - 35%.

2. Phân tích cung cầu

a) Dự báo đến năm 2020

Theo dự kiến của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020, cùng với đà phát triển công nghiệp hóa của Việt Nam có thể dự đoán được sự gia tăng của việc dịch chuyển cơ cấu lao động từ các ngành nông nghiệp hoặc từ các khu vực nông thôn sang. Đồng thời, dân số và nhu cầu lương thực vẫn tiếp tục tăng nên tổng sản lượng sản xuất nông nghiệp cũng cần phải được tăng thêm. Ngoài ra, việc duy trì và phát triển xuất khẩu lương thực cũng đang được coi là mục tiêu cần đạt được. Để duy trì được công tác giảm số lượng lao động trong sản xuất nông lâm ngư nghiệp và yêu cầu tăng cường sản xuất thì việc cải thiện năng suất lao động trong ngành sản xuất nông lâm ngư nghiệp là cần thiết.

Trong bối cảnh trên, nếu như không có các biện pháp chính sách đặc biệt thì cùng với việc chuyển đổi lao động, vấn đề thiếu hụt lao động và độ tuổi lao động cao hiện đang dần dần trở thành hiển nhiên sẽ càng trầm trọng hơn. Việc đảm bảo sản xuất lượng lương thực ổn định cung cấp cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn.

b) Tầm quan trọng của cơ giới hóa trong canh tác sản xuất lúa

Nếu có thể sản xuất được nhiều hơn chỉ với số lượng lao động nông nghiệp ít ỏi thì ngoài việc có thể thúc đẩy việc đa dạng hóa nông nghiệp, còn có thể dành thời gian và lao động cho các hoạt động phi nông nghiệp khác, từ đó góp phần cải thiện thu nhập cho người nông dân.

Với việc cải thiện năng suất, lượng lao động dư thừa phát sinh sẽ được luân chuyển đến khu vực thành thị, nếu lực lượng lao động này tham gia vào các ngành công nghiệp hay dịch vụ thì về mặt cung cấp lao động, điều này sẽ đóng góp cho sự phát triển của các ngành nghề này.

Để cải thiện năng suất lao động trong nông nghiệp thì việc thúc đẩy cơ giới hóa là rất cần thiết. Tại Nhật Bản, nhằm tăng năng suất nông nghiệp và cải thiện kinh tế nông nghiệp, năm 1953, “Luật thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp” đã được ban hành và vẫn còn áp dụng đến ngày nay.

Từ sau năm 1996, sau Thái Lan, Việt Nam là nước đứng thứ 2 trên thế giới trong xuất khẩu gạo. Các nước nhập khẩu gạo của Việt Nam có khoảng 20 nước. Năm 2013, Việt Nam xuất khẩu 6.587,074 ngàn tấn, đạt giá trị 2.922,681 triệu USD, giá gạo trung bình là 443,7 USD/tấn. Hơn nữa, gạo chiếm khoảng 30% trong tổng lượng xuất khẩu của các ngành liên quan đến nông lâm ngư nghiệp, chiếm 4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Ngoài ra, với hơn 80% nông dân tham gia trồng lúa thì việc phổ cập cơ giới hóa máy móc nông nghiệp trong canh tác lúa, phát triển ngành sản xuất máy móc nông nghiệp phục vụ cho canh tác sản xuất lúa gạo có thể mang lại ảnh hưởng lớn đối với Việt Nam.

[...]