Quyết định 1292/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng thực hiện Chiến lược công nghiệp hoa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam-Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1292/QĐ-TTg
Ngày ban hành 01/08/2014
Ngày có hiệu lực 01/08/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Nguyễn Tấn Dũng
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1292/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 01 tháng 08 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP MÔI TRƯỜNG VÀ TIẾT KIỆM NĂNG LƯỢNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC CÔNG NGHIỆP HÓA CỦA VIỆT NAM TRONG KHUÔN KHỔ HỢP TÁC VIỆT NAM - NHẬT BẢN HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Quyết định số 1043/QĐ-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030;

Xét đề nghị của Bộ Công Thương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng thực hiện Chiến lược Công nghiệp hóa của Việt Nam trong khuôn khổ hợp tác Việt Nam - Nhật Bản hướng đến năm 2020, tầm nhìn 2030 theo Quyết định số 1043/QĐ-TTg ngày 01 tháng 7 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi tắt là Kế hoạch hành động) với các nội dung chủ yếu sau:

1. Định hướng

Phát triển mạnh ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng đến năm 2020 trở thành ngành công nghiệp chủ lực, có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu xử lý ô nhiễm, môi trường, sử dụng năng lượng bền vững.

2. Mục tiêu

- Hoàn thiện cơ chế và chính sách ưu đãi, hỗ trợ, tạo môi trường thuận lợi và hấp dẫn thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng.

- Tăng cường kiểm tra, giám sát và nâng cao nhận thức, năng lực thực thi, tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng.

- Thu hút đầu tư phát triển, chuyển giao công nghệ phát triển ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng để doanh nghiệp sản xuất ra các sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng quốc gia.

- Nâng cao năng lực nghiên cứu, tiếp nhận, làm chủ và chuyển giao các công nghệ chế tạo thiết bị, xử lý môi trường và tiết kiệm năng lượng phù hợp với các điều kiện cụ thể của Việt Nam.

3. Kế hoạch hành động

Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng gồm 36 hành động, chia theo lĩnh vực (Phụ lục kèm theo) như sau:

a) Lĩnh vực sản xuất thiết bị xử lý môi trường: từ hành động số 1 đến số 6.

b) Lĩnh vực dịch vụ môi trường: từ hành động số 7 đến số 11.

c) Lĩnh vực tái chế, tái sử dụng chất thải: từ hành động số 12 đến số 16.

d) Lĩnh vực tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính: từ hành động số 17 đến số 25.

đ) Lĩnh vực cơ chế, chính sách và các hoạt động hỗ trợ: từ hành động số 26 đến số 36.

4. Giải pháp thực hiện

- Nhà nước tăng cường công tác quản lý, tạo sức ép và thị trường đầu ra; đồng thời, ban hành và thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng.

- Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư; thu hút các nguồn vốn đầu tư, công nghệ tiên tiến của nước ngoài tham gia thực hiện Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng.

- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng, xúc tiến đầu tư, hợp tác phát triển, chuyển giao công nghệ để thực hiện Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng.

5. Kinh phí thực hiện

- Kinh phí để thực hiện Kế hoạch hành động được huy động từ các nguồn vốn: Ngân sách nhà nước, vốn viện trợ quốc tế, vốn huy động từ xã hội, đầu tư nước ngoài và các nguồn vốn hợp pháp khác.

[...]