Quyết định 08/2009/QĐ-UBND ban hành Đề án về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long ban hành

Số hiệu 08/2009/QĐ-UBND
Ngày ban hành 07/04/2009
Ngày có hiệu lực 17/04/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Long
Người ký Phạm Văn Đấu
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

--------------

Số: 08/2009/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 07 tháng 4 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân của Quốc hội nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết số: 24/2008/NQ-CP, ngày 28/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
Căn cứ Chương trình hành động số 23-CTr/TU, ngày 04/11/2008 của Tỉnh uỷ Vĩnh Long;
Xét đề nghị của ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Đề án về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký và được đăng công báo tỉnh.

Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Cục KT VBQPPL- Bộ Tư pháp;
- TT.TU&HĐND tỉnh (báo cáo);
- CT&PCT UBND tỉnh (báo cáo);
- Đoàn ĐBQH tỉnh (báo cáo);
- Sở Tư pháp, Toà án ND tỉnh, Viện KSNDtỉnh;
- Hội Nông dân VN tỉnh VL (PH. thực hiện);
- Tỉnh đoàn VL (PH. thực hiện);
- BLĐ. VPUBND tỉnh;
- TT. Công báo tỉnh, Báo Vĩnh Long;
 - Các Phòng NC;
- Website của VP.UBND tỉnh;
- Lưu: VT, 4.14.05

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Văn Đấu

 

ĐỀ ÁN

VỀ NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN, NÔNG THÔN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 08./2009/QĐ-UBND ngày 07 /4/2009 của Ủy ban nhân dân Tỉnh Vĩnh Long)

Phần thứ I:

THỰC TRẠNG NÔNG NGHIỆP, NÔNG DÂN VÀ NÔNG THÔN

I. NHỮNG THÀNH TỰU:

Kinh tế tỉnh nhà những năm gần đây có bước phát triển khá. Đến hết năm 2008, tổng sản phẩm (GDP) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2008 tăng bình quân trên 12%/năm. Trong đó, tỷ trọng khu vực I chiếm 53,5%, khu vực II chiếm 15,2%, khu vực II chiếm 31,3%. Nền nông nghiệp của tỉnh là một nền sản xuất tiên tiến trong khu vực, có cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý. Nông thôn từ thời kỳ đổi mới đến nay phát triển tương đối khá, nhất là cơ sở hạ tầng thiết yếu như điện, đường, trường, trạm y tế, nước sạch… Nông dân là lực lượng quan trọng trong sản xuất, chiếm cơ cấu trên 60% lao động của tỉnh, đã và đang đóng góp hiệu quả cho kinh tế tỉnh nhà, là lực lượng cách mạng tin tưởng của Đảng và Nhà nước ta. Bên cạnh đó, Hội Nông dân đã thể hiện tốt vai trò một tổ chức chính trị - xã hội quan trọng và đã có những đóng góp to lớn trong hỗ trợ nâng cao đời sống nông dân, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, cải thiện kinh tế nông thôn.

Cơ cấu kinh tế của tỉnh trong những năm gần đây chuyển dịch đúng hướng, ngành nông nghiệp giai đoạn 2001-2005 giảm bình quân 0,75%/năm, và giảm mạnh giai đoạn 2006-2008 (bình quân 1,25%/năm). Tỷ trọng nông nghiệp chiếm 59,2% nằm 2000 giảm còn 53,5% năm 2008. Tuy nhiên, giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng rất cao (trên 50%) trong cơ cấu tổng sản phẩm và có xu hướng tăng nhẹ trong năm 2008.

1. Sản xuất nông nghiệp - thủy sản:

Giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp (giá cố định 1994) trong giai đoạn 2000-2008 tăng bình quân 5,9%/năm, trong đó nông nghiệp tăng 4,8%/năm, lâm nghiệp tăng 1,35 %/năm, thủy sản tăng 26,65%/năm. Tuy nhiên, chỉ số tăng trưởng hàng năm không ổn định, tăng nhiều trong những năm 2003, 2004, 2005 bình quân trên 6%/năm; năm 2006, 2007 mức giảm chỉ còn trên 4,6%/năm; riêng năm 2008 lại tăng nhanh 7,64%, là năm có mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2000-2008. Các giải pháp tăng giá trị sản xuất nông nghiệp chủ yếu bằng tăng vụ; năng suất lúa đã dần bão hoà; trong khi đó lại gặp phải tác động bất lợi của điều kiện tự nhiên (lũ, hạn, dịch bệnh liên tục trên cây trồng và vật nuôi...), giá cả nông sản không ổn định làm cho sản xuất có dấu hiệu chậm lại.

Tuy có những khó khăn nhất định do thiên tai, dịch bệnh, nhưng trong lĩnh vực nông nghiệp cũng đã có những tiến bộ quan trọng về năng suất và sản lượng. Năng suất lúa tăng khá, diện tích cây lâu năm được mở rộng; đàn bò và đàn heo tăng mạnh; ngành thủy sản có bước đột phá về diện tích và sản lượng nuôi.

Cơ cấu nông-lâm-thủy sản: giai đoạn 2001-2008, có sự chuyển dịch theo hướng tăng mạnh ngành thủy sản. Tỉ trọng tương ứng: 2000: 95,19%-0,98%-3,83%; năm 2008: 84,14%-0,64%-15,22%. Cơ cấu trồng trọt - chăn nuôi - dịch vụ: có dấu hiệu gia tăng ngành trồng trọt. Tỉ trọng tương ứng: năm 2000: 73,47%-22,58%-3,95%; năm 2007: 74,37%-21,78%-3,85%. Riêng năm 2008 ngành chăn nuôi có dấu hiệu phục hồi, tỉ trọng tương ứng 70,44%-25,94%-3,62%. Qua đó nhận thấy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nội bộ ngành nông nghiệp tuy thiếu ổn định nhưng tiếp tục phát triển đúng hướng.

Khoa học kỹ thuật được áp dụng khá rộng rãi: Giai đoạn 2000-2007 đã thực hiện 38 đề tài/dự án cấp tỉnh, 2 dự án cấp bộ (kinh phí trên 11 tỷ đồng). Trong năm 2008 đã hợp đồng thực hiện 12 đề tài – tổng kinh phí hơn 4,2 tỷ đồng. Nhiều đề tài, dự án khoa học kỹ thuật đã được ứng dụng vào phục vụ sản xuất đạt hiệu quả cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo ra nhiều mô hình kinh tế tổng hợp, đạt lợi nhuận trên 50 triệu đồng/ha, phù hợp với điều kiện sinh thái địa phương, góp phần tích cực cho việc tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và nâng cao đời sống nhân dân trong tỉnh.

Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp có bước tiến bộ: Tình hình cơ giới hóa đã có nhiều chuyển biến tích cực; máy làm đất, máy thu hoạch, máy sấy lúa... được nông dân đầu tư ngày càng nhiều. Ước đến 2008 đã cơ giới hóa 100% khâu tuốt lúa, 96% diện tích khâu làm đất, 31% diện tích thu hoạch, 24,5% sản lượng sấy… từ đó góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm thất thoát, giảm giá thành sản xuất. Tỉnh đã thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn để nông dân mua thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, tổng số tiền đầu tư hơn 57 tỷ đồng, trong đó vốn vay ngân hàng có hỗ trợ lãi suất hơn 40 tỷ đồng, còn lại là vốn dân đầu tư.

Mô hình và giá trị sản xuất nông nghiệp tăng nhanh: giá trị sản xuất liên tục gia tăng từ 29,75 triệu đồng/ha năm 2003 lên 43,68 triệu đồng/ha năm 2005, 62,31 triệu đồng/ha vào năm 2007 và ước năm 2008 đạt 75 triệu đồng/ha. Ngoài ra, diện tích sản xuất đạt giá trị trên 50 triệu/ha/năm cũng tăng mạnh hàng năm như: từ 29.300 ha (2005), 32.530 ha (2006), 34.305 ha (2007) và lên đến 48.893 ha (2008). Một số mô hình cho giá trị sản xuất, năng suất cao xuất hiện nhiều như: Hợp tác xã Bưởi Năm Roi tại xã Mỹ Hòa - Huyện Bình Minh với diện tích 31 ha, hiệu quả kinh tế 50 - 60 triệu đồng/ha. Mô hình Cam sành xã Tân Hội - Thị xã Vĩnh Long, hiệu quả kinh tế 150 - 180 triệu đồng/ha. Mô hình Chôm chôm cho trái nghịch vụ tại Bình Hòa Phước- Long Hồ, Quới Thiện Vũng Liêm, hiệu quả kinh tế 80 -120 triệu đồng/ha. Mô hình sản xuất khoai lang tại xã Tân Thành, Tân Qiới – Bình Tân hiệu quả kinh tế từ 300-400 triệu đồng/ha….

2. Các tổ chức sản xuất và lao động ở nông thôn:

2.1. Một số tổ chức sản xuất chủ yếu ở nông thôn:

Kinh tế trang trại: Theo thống kê toàn tỉnh có 361 trang trại bao gồm các loại hình: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, tổng hợp… Tổng vốn đầu tư của các trang trại ước khoảng 171 tỷ đồng; diện tích bình quân khoảng 2,4 ha/trang trại. Bước đầu hình thành một số trang trại sản xuất hàng hóa qui mô lớn, đóng góp đáng kể cho phát triển kinh tế của địa phương. Đến hết năm 2008, các huyện thị đã cấp 112 giấy chứng nhận kinh tế trang trại. Trong thực tế, nếu áp dụng theo các tiêu chí trang trại hiện hành, số lượng trang trại có thể lớn hơn rất nhiều, tuy nhiên người dân vẫn còn e ngại trong việc đăng ký chứng nhận kinh tế trang trại.

[...]