Quyết định 234/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt Đề án Phát triển khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2006 - 2010

Số hiệu 234/QĐ-UBND
Ngày ban hành 29/01/2007
Ngày có hiệu lực 29/01/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Long
Người ký Trương Văn Sáu
Lĩnh vực Thương mại

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 234/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 29 tháng 01 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN KHU, CỤM, TUYẾN CÔNG NGHIỆP VÀ LÀNG NGHỀ TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 134/2004/NĐ-CP, ngày 09/6/2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 66/2006/NĐ-CP, ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 984/QĐ-UBND, ngày 11 tháng 5 năm 2006 về việc thành lập Ban Chỉ đạo phát triển các khu, cụm, tuyến công nghiệp;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp Vĩnh Long tại Tờ trình số 08/TTr-SCN, ngày 09 tháng 01 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2006 - 2010 (kèm theo Đề án Chương trình phát triển khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2006 - 2010).

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và huyện, thị xã, cùng các cấp chính quyền địa phương tổ chức thực hiện Chương trình này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Công nghiệp, các thành viên Ban Chỉ đạo, Thủ trưởng các Sở, ban ngành tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trương Văn Sáu

 

ĐỀ ÁN

CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KHU, CỤM, TUYẾN CÔNG NGHIỆP VÀ LÀNG NGHỀ TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2006 - 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 234/QĐ-UBND, ngày 29 tháng 01 năm 2007 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)

I. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN KHU, CỤM, TUYẾN CÔNG NGHIỆP VÀ LÀNG NGHỀ GIAI ĐOẠN (2001 - 2005):

1. Tổng quan về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2001 - 2005:

Công nghiệp Vĩnh Long nếu xét trình độ sản xuất được chia làm 2 ngành: Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Trong đó ngành tiểu thủ công nghiệp chiếm 65% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp tỉnh, xét về cơ cấu kinh tế chưa phải là ngành kinh tế chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, nhưng rất đa dạng bao gồm nhiều ngành như: Cơ khí, kỹ thuật điện, điện tử, gia công kim loại, hóa chất, vật liệu xây dựng, gốm mỹ nghệ, chế biến lương thực, thực phẩm, dệt, da, may... được hình thành và phát triển dựa trên nguồn nguyên liệu và lao động địa phương nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu. Những ngành chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu công nghiệp của tỉnh như ngành chế biến lương thực, thực phẩm, chế biến thủy sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất gốm mỹ nghệ, hoá chất và dược liệu, thuốc lá, may mặc, giày da… Trong thời gian qua 5 năm (2001 - 2005), giá trị sản xuất của ngành có tốc độ phát triển bình quân hàng năm là 17,23%/năm, giá trị sản xuất (theo giá cố định 1994) năm 2005 là 2.021,555 tỷ đồng so năm 2000 tăng hơn 2 lần, thu hút giải quyết việc làm cho 52.451 lao động; so năm 2001 tăng 11.861 lao động. Qua kết quả trên, ngành công nghiệp đã góp phần cho cơ cấu kinh tế của tỉnh Vĩnh Long ở năm 2005 là khu vực I chiếm 53,38%; khu vực II chiếm 15,49% và khu vực III chiếm 31,13%. Trong đó công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chiếm tỷ trọng 11,8% trong GDP toàn tỉnh, so với năm 2001 cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tăng công nghiệp dịch vụ, giảm nông nghiệp nhưng sự chuyển dịch còn chậm.

2. Tình hình phát triển khu, cụm, tuyến công nghiệp và làng nghề:

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 163/QĐ-TTg, ngày 09/8/1999 về việc thành lập Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vĩnh Long. Sau khi thành lập Ban Quản lý các khu công nghiệp đã xúc tiến triển khai qui hoạch khu công nghiệp Mỹ Thuận với diện tích 73 ha thuộc ấp Tân Vĩnh Thuận, xã Tân Ngãi, thị xã Vĩnh Long và giao cho Công ty Xây dựng Kinh doanh và Phát triển nhà làm chủ đầu tư. Đến tháng 8/2002 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 670/QĐ-TTg, ngày 08/8/2002 tạm ngưng triển khai dự án đầu tư khu công nghiệp Mỹ Thuận và chuyển sang khu công nghiệp Hoà Phú.

Từ đó cho đến nay, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện qui hoạch chi tiết và tiến hành triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng 2 khu công nghiệp (Hoà Phú và Bình Minh) và tuyến công nghiệp Cổ Chiên.

a) Khu công nghiệp Hoà Phú:

Tính đến thời điểm hiện nay, khu công nghiệp đã thực hiện xong giai đoạn 1 với diện tích là 121 ha, trong đó đất công nghiệp là 92,41 ha, đang xúc tiến triển khai giai đoạn 2 là 109 ha.

Về thu hút đầu tư hiện có 13 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh vào đăng ký và xây dựng nhà máy sản xuất trong đó đã có 5 doanh nghiệp đi vào hoạt động, tổng số diện tích đã đăng ký 79 ha, còn lại 13 ha đạt 85,86% diện tích đất công nghiệp. 5 doanh nghiệp đi vào hoạt động là Công ty Liên doanh Tỷ Xuân, Công ty trách nhiệm hữu hạn sản xuất thức ăn gia súc Đỗ Lộc, Công ty trách nhiệm hữu hạn trách nhiệm hữu hạn trách nhiệm hữu hạn đầu tư xây dựng Tân Hải Long, Công ty trách nhiệm hữu hạn Biofeed, Công ty cổ phần Thủ công mỹ nghệ Nam Mỹ Thuận. Các doanh nghiệp đang xây dựng cơ bản là công ty trách nhiệm hữu hạn Acecook Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Á Châu. Các công ty còn lại đang lập thủ tục đầu tư, tổng số vốn đầu tư của các doanh nghiệp là 269 tỷ đồng và 25 triệu USD; tổng số vốn đầu tư hạ tầng cơ sở khu công nghiệp là 231 tỷ.

b) Khu công nghiệp Bình Minh:

[...]