Quyết định 2388/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt Chương trình phát triển làng nghề tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2008 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2020

Số hiệu 2388/QĐ-UBND
Ngày ban hành 15/11/2007
Ngày có hiệu lực 15/11/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Vĩnh Long
Người ký Trương Văn Sáu
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2388/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 15 tháng 11 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2008 - 2010 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân, ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 66/2006/NĐ-CP, ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

Căn cứ Quyết định phê duyệt số 910 QĐ/BNN-CB, ngày 31 tháng 3 năm 2006 và Kế hoạch thực hiện số 1802/BNN-CB, ngày 21 tháng 7 năm 2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Đề án Phát triển ngành nghề nông thôn trong công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn đến năm 2010;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Long tại Tờ trình số 147/TTr-SNNPTNT, ngày 06 tháng 11 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình phát triển làng nghề tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2008 - 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 (kèm theo Chương trình phát triển làng nghề tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2006 - 2010, tầm nhìn 2020).

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan và huyện, thị xã, cùng các cấp chính quyền địa phương tổ chức thực hiện Chương trình này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Công nghiệp, các thành viên Ban Chỉ đạo, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trương Văn Sáu

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2008 - 2010, TẦM NHÌN 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2388/QĐ-UBND, ngày 15 tháng 11 năm 2007 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long)

I. THỰC TRẠNG BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ:

1. Vai trò bảo tồn và phát triển làng nghề.

- Giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho lao động nông thôn. Mỗi làng nghề góp phần giải quyết việc làm cho khoảng trên dưới 450 lao động, với mức thu nhập bình quân tháng từ 300 ngàn đồng đến 1,6 triệu đồng, các làng nghề đã góp phần đáng kể trong phát triển kinh tế địa phương, tăng thu nhập người dân nông thôn, xoá đói giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo thành thị và nông thôn.

- Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, gia tăng tỉ trọng hàng phi nông nghiệp. Các loại hình ngành nghề nông thôn góp phần tạo thêm thu nhập cho nông dân trong lúc nông nhàn, tạo việc làm cho những người dân không đất, từ đó gia tăng tỉ trọng khu vực kinh tế phi nông nghiệp. Bên cạnh đó, các làng nghề cũng góp phần thúc đẩy các loại hình dịch vụ phục vụ cho làng nghề như vận tải, các dịch vụ phục vụ công nhân, thông tin liên lạc... góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, hình thành các cụm dân cư đông đúc, hình thành, mở rộng các thị trấn, thị tứ góp phần đô thị hoá nông thôn.

- Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá. Các sản phẩm của các làng nghề mang tính mỹ thuật, văn hoá gắn với quá trình phát triển của lịch sử, bảo tồn các làng nghề nhằm bảo tồn những nét văn hoá độc đáo, mang bản sắc của dân tộc, vùng, miền. Các sản phẩm làng nghề mới mang những hoạ tiết dân tộc, mang những câu chuyện văn hoá dân gian lên sản phẩm góp phần phát huy bản sắc văn hoá, đưa văn hoá Việt Nam đến mọi nơi trên mọi sản phẩm trong và ngoài nước.

- Tạo ra giá trị lớn hơn cho ngành công nghiệp nông thôn, để lĩnh vực này đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng chung của ngành công nghiệp tỉnh.

2. Tình hình bảo tồn và phát triển làng nghề:

Trong những năm gần đây, do tác động của nền kinh tế thị trường, do không chịu được áp lực cạnh tranh, một số làng nghề truyền thống (dệt chiếu, đan đát, làm nhang...) không cạnh tranh lại các sản phẩm thay thế có nguồn gốc nhập khẩu hoặc sản phẩm công nghệ hiện đại nên một số làng nghề truyền thống bị mai một dần. Tuy nhiên, cũng có một số làng nghề mới xuất hiện (sản xuất gốm mỹ nghệ, đan thảm lục bình, kết cườm...).

Căn cứ Thông tư số 116/2006/TT-BNN, ngày 18/12/2006 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh đã xác định được 22 làng nghề, làng có nghề ở nông thôn. Cụ thể:

- 12 làng nghề đạt tiêu chí: 02 làng nghề đan thảm lục bình (huyện Tam Bình); 06 làng nghề sản xuất gạch, gạch - gốm; 04 làng nghề se lõi lác, làng nghề trồng lác và se lõi lác (Vũng Liêm).

- 10 làng nghề chưa đạt tiêu chí làng nghề (đạt tiêu chí làng có nghề): 01 làng nghề bánh tráng nem (Trà Ôn); 02 làng nghề gạch - gốm (Mang Thít 01; Long Hồ 01); 01 làng nghề sản xuất cốm dẹp, 01 làng sản xuất tàu hủ ky, 01 làng sản xuất nhang, 01 làng đan đát (Bình Minh); 01 làng kết cườm, 01 làng chằm nón, 01 làng dệt chiếu thảm (Long Hồ).

[...]