ỦY
BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
05/2016/QĐ-UBND
|
Hà
Nội, ngày 18 tháng 02
năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG CÁC HÀNH VI VI
PHẠM PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ
HÀ NỘI
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Báo chí ngày
28/12/1989; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Báo chí ngày 12/6/1999;
Căn cứ Luật Công nghệ thông tin ngày 29/6/2006;
Căn cứ Luật Viễn thông ngày
23/11/2009;
Căn cứ Luật Tần số vô tuyến điện
ngày 23/11/2009;
Căn cứ Luật Bưu chính ngày
17/6/2010;
Căn cứ Luật Xuất bản ngày
20/11/2012;
Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành
chính ngày 20/6/2012;
Căn cứ Luật Quảng cáo ngày
21/6/2012;
Căn cứ Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày
04/4/2014 của Chính phủ quy định về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thông
tin và Truyền thông tại Tờ trình số 84/TTr-STTTT
ngày 20/01/2016 về việc
ban hành Quy chế phối hợp công tác phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật
trong lĩnh vực thông tin và truyền thông trên địa bàn thành phố Hà Nội, Báo cáo
thẩm định số 3412/STP-VBPQ ngày 13/11/2015 của Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế
phối hợp công tác phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực
thông tin và truyền thông trên địa bàn thành phố Hà Nội".
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể
từ ngày ký ban hành; thay thế Quyết định số 97/2009/QĐ-UBND ngày 28/8/2009 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Quy
chế phối hợp công tác phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực
thông tin và truyền thông trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân Thành phố; Giám đốc các sở, ngành: Thông tin và Truyền
thông, Công thương, Văn hóa và Thể thao, Du lịch, Công an Thành phố, Cục Hải
quan Thành phố; Ủy ban nhân dân các quận,
huyện, thị xã; các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền
thông; đơn vị liên quan trên địa bàn
thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Thông tin và Truyền thông;
- Bộ Tư pháp;
- TT Thành ủy, TT HĐND TP;
- Chủ tịch UBND Thành phố;
- Các PCT UBND Thành phố;
- Ban Tuyên giáo TU;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL-Bộ Tư pháp;
- Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
- Trung tâm THCB Thành phố, Cổng Giao tiếp điện tử TP;
- Các báo, đài thành phố Hà Nội;
- VPUBTP: CVP, các PCVP UBND Thành phố, Các phòng VX, TH;
- Lưu: VT, VX Dg.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Hồng Sơn
|
QUY CHẾ
PHỐI HỢP CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG CÁC HÀNH VI VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG LĨNH
VỰC THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 05/2016/QĐ-UBND ngày 18/2/2016 của Ủy ban nhân dân Thành phố)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
Quy chế này quy định nguyên tắc, nội
dung, hình thức, trách nhiệm phối hợp của
cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân khi tham gia công tác phòng, chống
các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông bao gồm:
báo chí, xuất bản; bưu chính; viễn thông và internet; truyền dẫn phát sóng; tần
số vô tuyến điện; công nghệ thông tin, điện
tử; phát thanh và truyền hình; cơ sở hạ tầng thông tin truyền thông; quảng cáo
trên báo chí, mạng thông tin máy tính và xuất bản phẩm trên địa bàn thành phố
Hà Nội.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với Sở Thông
tin và Truyền thông; Sở Công thương; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Du lịch; Công
an Thành phố; Cục Hải quan Thành phố; Sở, ban, ngành liên quan; Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; các tổ
chức, cá nhân tham gia hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông trên
địa bàn thành phố Hà Nội.
Điều 3. Nguyên
tắc phối hợp
1. Tuân thủ quy định của pháp luật,
chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Thành phố.
2. Bảo đảm sự nhất quán, phát huy
tính chủ động và trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên
quan trên địa bàn Thành phố.
3. Bảo đảm sự phù hợp chức năng, nhiệm
vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị
tham gia phối hợp.
4. Bảo đảm bí mật thông tin theo quy
định về bảo vệ bí mật nhà nước.
Điều 4. Nội dung
phối hợp
1. Phối hợp tuyên truyền, phổ biến giáo
dục pháp luật về lĩnh vực thông tin và truyền thông.
2. Phối hợp tiếp nhận, trao đổi, cung
cấp thông tin.
3. Phối
hợp thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý vi phạm.
4. Thực hiện chế độ báo cáo, xây dựng
cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm.
5. Phối hợp trong việc tham mưu, đề
xuất với Ủy ban nhân dân Thành phố ban
hành cơ chế, chính sách, giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống các
hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Điều 5. Hình thức
phối hợp
1. Trao đổi ý kiến, cung cấp thông
tin bằng văn bản, email, điện thoại, fax, nhắn tin, băng ghi âm, ghi hình.
2. Tổ chức họp giao ban liên ngành.
3. Thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra
liên ngành.
4. Tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết
đánh giá việc thực hiện Quy chế.
5. Các hình thức khác phù hợp với quy
định của pháp luật.
Chương II
TRÁCH NHIỆM PHỐI
HỢP
Điều 6. Phối hợp
tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật
1. Sở Thông tin và Truyền thông chủ
trì thực hiện các nội dung sau:
a) Biên soạn tài liệu, xây dựng kế hoạch
tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật hàng năm về lĩnh vực thông tin và
truyền thông.
b) Tổ chức tập huấn nghiệp vụ thanh
tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
c) Cung cấp nội dung, tài liệu cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố; các đoàn thể
chính trị Thành phố; Sở Công thương; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Du lịch; Công
an Thành phố; Cục Hải quan Thành phố; Ủy ban
nhân dân quận, huyện, thị xã để tổ chức tuyên truyền.
2. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố; các đoàn thể
chính trị Thành phố phối hợp tổ chức
tuyên truyền và chỉ đạo các đơn vị thành
viên tổ chức tuyên truyền cho các thành viên của mình trên cơ sở nội dung, tài
liệu do Sở Thông tin và Truyền thông biên soạn, cung cấp.
3. Sở Công thương; Sở Văn hóa và Thể
thao; Sở Du lịch; Công an Thành phố; Cục Hải quan Thành phố; Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã ngoài việc
thực hiện nhiệm vụ chung về công tác tuyên truyền do Ủy ban nhân dân Thành phố giao hàng năm, có trách nhiệm phối hợp với
Sở Thông tin và Truyền thông tiếp nhận nội dung, tài liệu và tổ chức tuyên truyền
về lĩnh vực thông tin và truyền thông theo đề nghị của Sở Thông tin và Truyền
thông.
Điều 7. Phối hợp
tiếp nhận, trao đổi, cung cấp thông tin
1. Tiếp nhận thông tin
Sở Thông tin và Truyền thông cung cấp
đường dây nóng, địa chỉ email để tiếp nhận thông tin về các hành vi vi phạm
pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
2. Trao đổi, cung cấp thông tin
a) Sở Công thương; Sở Văn hóa và Thể thao;
Sở Du lịch; Công an Thành phố; Cục Hải quan Thành phố; UBND các quận, huyện, thị
xã và các cơ quan khác trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước được
giao; các tổ chức, cá nhân hoạt động liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền
thông khi phát hiện hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật cần kịp thời cung cấp
thông tin cho Sở Thông tin và Truyền thông để tiến hành rà soát, kiểm tra, xác
minh thông tin và có phương hướng, biện pháp xử lý kịp thời.
b) Trong trường hợp Sở Thông tin và Truyền thông cần xác minh, làm rõ hành
vi vi phạm pháp luật, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp, cung cấp đầy
đủ thông tin, tài liệu theo yêu cầu của Sở Thông tin và Truyền thông.
c) Khi phát hiện vi phạm về nội dung
thông tin trên báo chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội; các cơ quan, tổ
chức, cá nhân chủ động thông báo cho Sở Thông tin và Truyền thông để kịp thời
kiểm tra, xử lý theo quy định.
Điều 8. Phối hợp
thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý vi phạm
1. Sở Thông tin và Truyền thông thành
lập đoàn thanh tra, kiểm tra khi phát hiện hoặc tiếp nhận thông tin về các hành
vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và truyền thông trên
địa bàn, xử lý các tổ chức, cá nhân có
hành vi vi phạm theo thẩm quyền, khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm, tiến hành
lập hồ sơ chuyển sang cơ quan điều tra theo quy định của pháp luật.
2. Sở Công thương; Sở Văn hóa và Thể
thao; Sở Du lịch; Công an Thành phố; Cục Hải quan Thành phố; Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã; các
đơn vị, tổ chức liên quan có trách nhiệm phối hợp cử người tham gia đoàn thanh
tra, kiểm tra theo đề nghị của Sở Thông tin và Truyền thông.
3. Cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động
trong lĩnh vực thông tin và truyền thông có trách nhiệm thực hiện các biện pháp
nghiệp vụ, kỹ thuật nhằm ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật theo yêu cầu của
Sở Thông tin và Truyền thông.
4. Sở Thông tin và Truyền thông quyết
định trưng cầu giám định, làm thủ tục trình cơ quan có thẩm quyền thành lập Hội
đồng giám định về lĩnh vực thông tin và truyền thông theo quy định của pháp luật
để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm.
Điều 9. Chế độ
báo cáo
1. Các cơ quan tham gia phối hợp có
trách nhiệm phân công một (01) lãnh đạo phụ trách và một (01) chuyên viên thực
hiện công tác theo dõi, cập nhật thông tin, làm đầu mối trong việc tiếp nhận
thông tin, giao nhận tài liệu, số liệu, thực hiện chế độ báo cáo.
2. Định kỳ sáu (06) tháng các cơ quan
tham gia phối hợp tổ chức họp để trao đổi, đánh giá, rút
kinh nghiệm về việc thực hiện các nội dung phối hợp.
3. Sở Công thương, Sở Văn hóa và Thể
thao, Sở Du lịch, Công an Thành phố, Cục Hải quan Thành phố, đơn vị liên quan; Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tổng hợp, cung cấp thông tin kết quả thực hiện
các nội dung phối hợp về Sở Thông tin và
Truyền thông trước ngày 15 tháng 6 và trước ngày 15 tháng 12 hàng năm để tổng hợp
chung, báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố.
Điều 10. Phối hợp
tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành cơ chế, chính sách, giải
pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật
trong lĩnh vực thông tin và truyền thông
1. Hàng năm, Sở Thông tin và Truyền
thông có trách nhiệm thông báo cho Sở Công thương; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở
Du lịch; Công an Thành phố; Cục Hải quan Thành phố; Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã và các tổ chức, cá nhân
liên quan về kết quả thực hiện các nội dung phối hợp.
2. Sở Thông tin và Truyền thông chủ
trì, phối hợp với Sở Công thương; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Du lịch; Công an
Thành phố, Cục Hải quan Thành phố, Ủy ban
nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức sơ kết, tổng kết, nghiên cứu, đánh
giá, rút kinh nghiệm việc thực hiện công tác phối
hợp, trên cơ sở đó tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân
dân Thành phố ban hành cơ chế, chính sách, giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả
công tác phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực thông tin và
truyền thông.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Kinh phí thực hiện
1. Kinh phí để đảm bảo cho công tác phối
hợp thực hiện trên nguyên tắc: Cơ quan, đơn vị nào chủ trì công việc thì sử dụng
nguồn kinh phí của cơ quan, đơn vị mình theo quy định hiện hành.
2. Kinh phí hoạt động được sử dụng từ
các nguồn:
- Nguồn ngân sách nhà nước cấp.
- Các nguồn kinh phí khác theo quy định
của pháp luật.
Điều 12. Điều
khoản thi hành
1. Giám đốc các Sở: Thông tin và Truyền
thông; Công thương; Văn hóa và Thể thao; Du lịch; Công an Thành phố; Cục trưởng
Cục Hải quan Thành phố; Chủ tịch Ủy ban
nhân dân các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân Thành phố trong việc tổ chức, triển khai thực hiện
Quy chế này.
2. Các tổ chức, cá nhân hoạt động
trong lĩnh vực thông tin và truyền thông trên địa bàn Thành phố có trách nhiệm
thực hiện Quy chế này.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có
vướng mắc, bất cập, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân thông báo bằng văn bản
về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp
báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố xem
xét, điều chỉnh, bổ sung./.