Nghị quyết 85/NQ-HĐND năm 2020 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh 5 năm 2021-2025 do tỉnh Tuyên Quang ban hành

Số hiệu 85/NQ-HĐND
Ngày ban hành 15/12/2020
Ngày có hiệu lực 07/12/2020
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Tuyên Quang
Người ký Phạm Thị Minh Xuân
Lĩnh vực Đầu tư,Thương mại

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 85/NQ-HĐND

Tuyên Quang, ngày 15 tháng 12 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, BẢO ĐẢM QUỐC PHÒNG - AN NINH 5 NĂM 2021-2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG
KHÓA XVIII, KỲ HỌP THỨ 11

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Xét Tờ trình số 118/TTr-UBND ngày 03 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh 5 năm 2016-2020; Báo cáo thẩm tra số 168/BC-HĐND ngày 04 tháng 12 năm 2020 của các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Mục tiêu tổng quát

Xây dựng và phát triển tỉnh Tuyên Quang trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, liên kết với các tỉnh vùng trung du và miền núi phía Bắc, các tỉnh, thành phố trong cả nước và một số địa phương của nước ngoài. Đổi mới tư duy, hành động, chủ động, tích cực tham gia quá trình hội nhập quốc tế. Tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh hấp dẫn, thuận lợi, huy động và sử dụng tốt các nguồn lực, phát triển các thành phần kinh tế và loại hình doanh nghiệp; chú trọng phát triển kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối, đô thị động lực; khai thác tiềm năng, nguồn lực tập trung phát triển mạnh du lịch và các ngành dịch vụ; tiếp tục phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng, hiệu quả; xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu theo hướng hiện đại, văn minh với các tiêu chí nâng cao chất lượng; chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp có lợi thế, hiệu quả cao; nhằm thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa với cơ cấu kinh tế là dịch vụ - công nghiệp - nông lâm nghiệp. Đổi mới mạnh mẽ khoa học và công nghệ; nâng cao rõ rệt chất lượng giáo dục, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và y tế, văn hóa, thể dục thể thao. Cải thiện đời sống nhân dân đi đôi với giảm nghèo, tạo việc làm, bảo đảm an sinh xã hội. Đưa tỉnh Tuyên Quang phát triển khá, toàn diện, bền vững trong khu vực miền núi phía Bắc.

Điều 2. Một số chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025

1. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân 5 năm (theo giá so sánh năm 2010) đạt trên 8%.

2. Tổng sản phẩm (GRDP) bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đến năm 2025 đạt 64 triệu đồng.

3. Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng bình quân 5 năm (theo giá so sánh năm 2010) đạt 8%.

4. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 5 năm (theo giá so sánh năm 2010) đạt 14%. Phấn đấu 100 % hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia.

5. Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng bình quân 5 năm (theo giá so sánh năm 2010) đạt 4%.

6. Giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí của 47 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; đến năm 2025 có 68% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (30% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới); có thêm ít nhất 01 huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

7. Thu hút 2,6 triệu lượt khách du lịch.

8. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 4.000 tỷ đồng.

9. Tỷ lệ đô thị hoá đạt trên 27%

10. Duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học từ mức độ 2 trở lên, phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia ở các bậc học: Mầm non 53%, tiểu học 70%, trung học cơ sở 70% và trung học phổ thông 35%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo 72%, trong đó có bằng, chứng chỉ 30%.

11. Trên 90% số hộ gia đình đạt gia đình văn hoá; trên 80% số thôn, tổ dân phố đạt thôn, tổ dân phố văn hóa; trên 95% số cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hoá.

12. Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao theo tuổi) dưới 20%; 100% xã, phường, thị trấn đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã; có 10 bác sĩ và 38 giường bệnh/10.000 dân. Phấn đấu 100% người dân có thẻ bảo hiểm y tế.

13. Giải quyết và tạo việc làm cho 110.000 người.

14. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 2 đến 2,5%/năm.

15. Duy trì ổn định tỷ lệ che phủ rừng trên 65%; 99% hộ dân thành thị được sử dụng nước sạch; 98% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% chất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn; 96% chất thải rắn thông thường được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn.

16. Hoàn thành xây dựng ít nhất 200 cầu trên đường giao thông nông thôn; bê tông hóa ít nhất 1.080 km đường giao thông nông thôn (trong đó ít nhất 620 km đường giao thông nông thôn, ít nhất 460 km đường giao thông nội đồng); kiên cố hóa ít nhất 306 km kênh mương nội đồng.

Điều 3. Một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

1. Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 của cả nước; Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, trong đó tập trung vào 3 khâu đột phá và các nhiệm vụ trọng tâm.

2. Tiếp tục thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ, liên kết giữa các khâu trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị một cách bền vững; chuyển đổi mô hình tăng trưởng nông nghiệp đa chức năng, thân thiện với môi trường theo tiêu chuẩn quốc gia, có giá trị gia tăng cao; tập trung vào các sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc sản đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, giá trị gia tăng cao (cam, bưởi ở huyện Hàm Yên, huyện Yên Sơn; lạc ở xã Phúc Sơn, xã Minh Quang, huyện Chiêm Hóa). Xây dựng và triển khai thực hiện mô hình cánh đồng lớn ở huyện Sơn Dương và thành phố Tuyên Quang. Thực hiện tốt Luật Lâm nghiệp; rà soát quy hoạch đất lâm nghiệp, quản lý và bảo vệ chặt chẽ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; trồng và khai thác rừng sản xuất phục vụ công nghiệp chế biến. Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hàng hóa với quy mô phù hợp; phát triển thủy sản theo hướng thâm canh các loài cá cao sản; mở rộng diện tích nuôi các loài cá đặc sản có giá trị kinh tế cao.

[...]