HỘI
ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH PHƯỚC
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
19/2020/NQ-HĐND
|
Bình
Phước, ngày 10 tháng 12 năm 2020
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI 5 NĂM 2021 - 2025
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
KHÓA IX, KỲ HỌP THỨ MƯỜI BỐN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 21
tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Xét Báo cáo số 369/BC-UBND ngày 13
tháng 11 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra số 77/BC-HĐND-KTNS
ngày 24 tháng 11 năm 2020 của Ban kinh tế - ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý
kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất đánh giá tình
hình và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 -
2020 và đề ra kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 với các mục
tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp nêu trong báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh.
Trong đó, nhấn mạnh một số nội dung chủ yếu như sau:
1. Về tình hình
và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020
Thực hiện nhiệm vụ kế hoạch 5 năm
2016 - 2020, trong bối cảnh có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó
khăn, thách thức. Với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt
phá, hiệu quả” và tinh thần vượt khó, Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo quyết liệt,
tập trung thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân
tỉnh trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại,
trong đó chú trọng tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng
kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, đẩy mạnh phát triển các hợp
tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ
tầng, chỉ đạo quyết liệt công tác thu ngân sách và công tác cải cách thủ tục
hành chính; thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo và đảm bảo an ninh chính
trị, trật tự an toàn xã hội; cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn hệ thống
chính trị, sự đồng tình, ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp,
nên tình hình kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 của tỉnh đã đạt được những
thành tựu rất quan trọng và khá toàn diện trên các mặt, có sự bứt phá mạnh mẽ
góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa X nhiệm kỳ
2015 - 2020 và Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển
kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020. Kết quả, 16/18 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch
đề ra, trong đó tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm giai đoạn 2016 - 2020 ước
đạt 7,25% (tăng 0,15 điểm % so với giai đoạn 2011 - 2015); cơ cấu kinh tế chuyển
dịch đúng hướng, tỷ trọng ngành nông - lâm - thủy sản chiếm 21,9%; ngành công
nghiệp - xây dựng chiếm 40,5%; ngành dịch vụ chiếm 37,6%; quy mô nền kinh tế đạt
68.000 tỷ đồng (bằng 1,64 lần so với năm 2015); GRDP bình quân đầu người ước đạt
67,3 triệu đồng (tương đương 3.000 USD) cao hơn mức bình quân chung của cả nước
(2.750 USD), bằng 1,54 lần so với năm 2015; thu ngân sách tăng cao, ước năm
2020 đạt 10.700 tỷ đồng, vượt hơn gấp đôi chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 4.850 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, còn
một số hạn chế, yếu kém đó là:
- Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt
7,25%, không đạt mục tiêu của kế hoạch là tăng 7,5%. Quy mô kinh tế của tỉnh
còn nhỏ so với các tỉnh trong vùng;
- Ngành nông nghiệp chưa chuyển mạnh
sang sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, còn phụ thuộc nhiều
vào thời tiết, dịch bệnh và giá cả thị trường không ổn định, nên ảnh hưởng
không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người nông dân;
- Công nghiệp còn phổ biến là chế biến
xuất khẩu nguyên liệu và gia công, tiêu hao nhiều lao động trực tiếp, chậm đổi
mới, ứng dụng, công nghệ tiên tiến;
- Ngành du lịch tuy phát triển nhưng
chưa khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh sẵn có; công tác xúc tiến, quảng
bá, liên kết hợp tác phát triển du lịch còn hạn chế;
- Môi trường đầu tư kinh doanh tuy cải
thiện nhưng chưa thật sự thông thoáng, thiếu hấp dẫn; giải quyết thủ tục hành
chính, nhất là thủ tục liên quan đến đất đai trong một số trường hợp còn gây
khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Chỉ số PCI của tỉnh đứng rất thấp;
- Một số trường ở bậc mầm non còn thiếu
nhiều phòng học cho trẻ ra lớp ở các độ tuổi. Chất lượng dạy, học ở không ít cơ
sở giáo dục chưa cao; công tác xã hội hóa đầu tư vào giáo dục chủ yếu chỉ đầu
tư ở các cơ sở giáo dục mầm non; đào tạo nghề chưa gắn với nhu cầu các khu công
nghiệp;
- Các thiết chế văn hóa - thể thao
chưa đồng bộ, đầu tư thiếu thiết thực, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và thụ
hưởng của người dân; văn hóa khu dân cư và gia đình văn hóa còn hình thức, một
số trường hợp không thực chất;
- Việc thu hút bác sỹ còn hạn chế,
thiếu giải pháp khuyến khích bác sỹ làm việc tại cơ sở y tế công lập;
- Nguồn nhân lực còn hạn chế cả về số
lượng và chất lượng, nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực quản lý
còn thiếu chưa đáp ứng yêu cầu cho các doanh nghiệp FDI;
- Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật
và tai nạn giao thông đã được kiềm chế nhưng chưa bền vững; hoạt động của tội
phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy, tình hình cho vay lãi nặng trong
giao dịch dân sự diễn biến khá phức tạp;
- Tình trạng khiếu kiện kéo dài của
người dân liên quan đến đất đai chưa được giải quyết triệt để.
2. Về kế hoạch
phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025
a) Mục tiêu tổng quát
Tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh
của tỉnh, tạo động lực mới để phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, vững chắc.
Đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế hợp lý cao hơn mức bình quân chung của cả nước.
Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp thuộc nhóm
các tỉnh phát triển nhanh và bền vững, có quy mô kinh tế khá trong khu vực kinh
tế trọng điểm Đông Nam bộ; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thu hẹp
khoảng cách giữa nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng biên
giới với đô thị trong tỉnh; tăng cường kết nối vùng; hoàn thành chính quyền điện
tử, đô thị thông minh, từng bước chuyển dần sang chính quyền số; đảm bảo quốc
phòng an ninh vững chắc.
b) Các chỉ tiêu chủ yếu
* Chỉ tiêu kinh tế
1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình
quân hàng năm đạt từ 9% đến 10%/năm.
2. GRDP bình quân đầu người đạt trên
100 triệu đồng, tương đương 4.500 USD, trong đó kinh tế số chiếm khoảng 18%
GRDP của tỉnh.
3. Cơ cấu kinh tế: công nghiệp xây dựng
chiếm 46 - 48%, dịch vụ chiếm 36 - 38%, nông lâm thủy sản chiếm 15 - 17%.
4. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã
hội giai đoạn 2021 - 2025 là 185.000 tỷ đồng.
5. Thu ngân sách đạt 18.000 tỷ đồng -
18.500 tỷ đồng.
6. Kim ngạch xuất khẩu đạt 5 tỷ USD.
7. Thành lập mới 6.000 doanh nghiệp
và 150 hợp tác xã.
* Chỉ tiêu xã hội, môi trường
8. Có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn
mới; có thêm 02 huyện được công nhận huyện nông thôn mới. Mỗi huyện, thị xã,
thành phố nâng cấp từ 01 đến 02 xã lên phường, thị trấn.
9. Có 70% trường đạt chuẩn quốc gia.
Đến cuối nhiệm kỳ, mỗi cấp học có ít nhất 30% số trường hoàn thiện thiết chế
trường học thông minh và dạy song ngữ; phấn đấu Internet băng thông rộng phủ
100% các xã, phường, thị trấn; tỷ lệ người sử dụng internet trên 75%; tỷ lệ
thuê bao di động sử dụng smartphone trên 72%.
10. Phấn đấu đến năm 2025 đạt 10 bác
sỹ và 32 giường bệnh/vạn dân; duy trì mức sinh thay thế, tăng nhanh dân số cơ học
để có tổng mức tỷ lệ tăng dân số hàng năm đạt 2%; 100% xã đạt chuẩn quốc gia về
y tế; 100% trẻ em được tiêm chủng; khống chế tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh
dưỡng còn 10%. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% và bảo hiểm xã hội đạt
45%.
11. Phấn đấu hàng năm, có từ 90% trở
lên hộ gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, có từ 70% trở lên
thôn, ấp, khu phố và tương đương được công nhận danh hiệu “thôn/ấp/khu phố văn
hóa”, có từ 70% trở lên xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới; có từ 70% trở lên
phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; 100% cơ quan đơn vị, doanh nghiệp đạt
chuẩn văn hóa.
12. Tạo ra 200.000 việc làm mới trong
các cơ sở kinh tế; năng suất lao động tăng bình quân trên 7% năm; tỷ lệ thất
nghiệp ở thành thị dưới mức 3%; duy trì tỷ lệ sử dụng lao động nông thôn trên
90%. Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%; giảm tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi
năm 1%.
13. Tỷ lệ che phủ rừng và cây lâu năm
đạt 76,7%; có 100% cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn môi trường; 100%
dân số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.
3. Nhiệm vụ và giải
pháp
3.1. Về kinh tế
a) Cơ cấu lại nền kinh tế, tiếp tục lựa
chọn ngành, lĩnh vực trọng tâm để đầu tư hiệu quả; nâng cao vai trò quản lý của
Nhà nước, xây dựng các chính sách phù hợp thúc đẩy sản xuất phát triển.
Tập trung nguồn vốn để triển khai thực
hiện 10 công trình xây dựng cơ bản từ vốn ngân sách theo Nghị quyết Đại hội Đảng
bộ tỉnh lần thứ XI.
Ưu tiên các công trình giao thông trọng
điểm, cụ thể: Phối hợp với Trung ương để tập trung triển khai thực hiện các dự
án giao thông kết nối với các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, như:
Dự án đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành; dự án đường
cao tốc Chơn Thành - Đăk Nông, đường phía Đông Nam Quốc lộ 14 kết nối Đăk Nông
- Bình Phước vào đường Đồng Phú - Bình Dương, đường phía Tây Quốc lộ 13 kết nối
Bình Dương - Chơn Thành - Hoa Lư, đường sắt xuyên Á (Cảng Cái Mép - Dĩ An - Lộc
Ninh - Campuchia, đường ĐT 753 kết nối Đồng Xoài - Sân bay Quốc tế Long Thành
(tỉnh Đồng Nai) và Cảng Cái Mép, Thị Vải (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Hoàn chỉnh hạ tầng công nghệ thông
tin, phát triển mạnh hạ tầng số, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo nền tảng
để phát triển kinh tế số, xây dựng xã hội số, bao gồm: đường truyền kết nối;
thiết bị phần cứng; phần mềm quản lý; cơ sở dữ liệu; cơ bản hoàn thành xây dựng
chính quyền điện tử tại tỉnh; phấn đấu đến năm 2025, chính quyền điện tử của tỉnh
nằm trong top 30 các tỉnh, thành phố trên toàn quốc; 100% dịch vụ công được
cung cấp trực tuyến mức 3, mức 4; 90% hồ sơ thủ tục hành chính được giải quyết
trực tuyến; 100% hồ sơ được giải quyết đúng hạn theo quy định.
Tập trung đầu tư có trọng điểm hạ tầng
của thành phố Đồng Xoài, thị xã Bình Long, thị xã Phước Long, huyện Chơn Thành,
huyện Đồng Phú tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về thu hút đầu tư phát triển công
nghiệp, dịch vụ và dân cư, đô thị.
b) Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa,
hiện đại hóa; thúc đẩy nhanh hơn tỷ trọng công nghiệp, thương mại - dịch vụ
trong cơ cấu kinh tế; hỗ trợ, khuyến khích việc đổi mới công nghệ, áp dụng khoa
học và vận dụng hiệu quả các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ
tư vào sản xuất
- Quy hoạch mới và mở rộng các khu
công nghiệp tập trung; mỗi huyện từ 1 đến 3 cụm công nghiệp. Từng bước chuyển
các nhà máy nhỏ, lẻ vào các khu, cụm công nghiệp để quản lý và đảm bảo môi trường.
Mở rộng các khu công nghiệp Minh Hưng III (577,53ha), Bắc Đồng Phú (317 ha),
Nam Đồng phú (480 ha), Minh Hưng - Sikico (1000 ha). Bổ sung quy hoạch và đưa
vào hoạt động thêm Khu đô thị - dịch vụ - công nghiệp ở huyện Đồng Phú (6.317
ha) và 3 khu công nghiệp ở huyện Phú Riềng (1.300 ha).
Rà soát, điều chỉnh chính sách nhằm
thu hút đầu tư vào các lĩnh vực kinh tế trọng điểm. Ưu tiên thu hút theo cụm
ngành công nghiệp chế biến sâu nông, lâm sản (điều, cao su, gỗ, trái cây...),
công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp nông nghiệp.
Đầu tư đồng bộ, hoàn thiện kết cấu hạ
tầng các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, đặc biệt là các công trình xử lý nước
thải và đảm bảo diện tích trồng cây xanh. Hoàn thiện hạ tầng ngoài hàng rào kết
hợp phát triển các khu đô thị, khu dân cư tạo thuận lợi về chỗ ở và sinh hoạt
cho người lao động trong các khu công nghiệp.
Chủ động tổ chức các hoạt động xúc tiến
xuất khẩu, triển lãm quốc tế để tìm kiếm thị trường; tạo điều kiện thuận lợi
cho các doanh nghiệp tham gia xúc tiến thương mại tại các thị trường mới. Phấn
đấu tốc độ tăng trưởng bình quân toàn ngành hàng năm đạt 9 - 10%.
Phát triển thương mại biên giới, tăng
cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư và các cửa khẩu
Tà Vát, Hoàng Diệu, Tân Tiến. Thu hút các nhà đầu tư vào các cửa khẩu, tạo điều
kiện thuận lợi, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và khai thác các dự án, phục vụ cho
hoạt động thương mại biên giới.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư các trung tâm
thương mại tập trung kết hợp với dịch vụ nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi tại
thành phố Đồng Xoài, thị xã Bình Long, thị xã Phước Long và huyện Chơn Thành.
Triển khai có hiệu quả sàn giao dịch nông sản tỉnh Bình Phước gắn với thương mại
điện tử, đầu tư xây dựng và quản lý có hiệu quả chợ đầu mối nông sản tỉnh Bình
Phước tại thành phố Đồng Xoài.
- Phát triển nông nghiệp trong 5 năm
tới với 03 nhiệm vụ trọng tâm: Tạo vùng nguyên liệu, chế biến; hình thành liên
kết chuỗi giá trị. 03 ngành trọng điểm: Chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp. 03 sản
phẩm xuất khẩu chủ yếu: Chăn nuôi (heo, gà), hạt điều, sản phẩm từ gỗ. 03 giải
pháp hỗ trợ khởi điểm.
Quy hoạch điều chỉnh lại vùng trồng
cây chuyên canh, trong đó trọng tâm là cây cao su, cây điều, cây ăn trái, cây lấy
gỗ trên cơ sở điều kiện thổ nhưỡng, nhu cầu nguyên liệu của các cơ sở chế biến
để xác định quy mô cho từng loại cây trồng. Chuyển một phần diện tích trồng cây
cao su sang quy hoạch đất công nghiệp, đô thị, dân cư, nông nghiệp ứng dụng
công nghệ cao. Xây dựng chính sách hỗ trợ người sản xuất trong vùng quy hoạch về
vốn, kỹ thuật, tổ chức sản xuất để nâng cao hiệu quả và làm cơ sở hình thành
chuỗi liên kết. Quy hoạch vùng chăn nuôi hướng đến an toàn dịch bệnh, chăn nuôi
công nghiệp. Quản lý chặt chẽ diện tích rừng hiện còn, nâng cao hiệu quả kinh tế
rừng. Quản lý và thực hiện việc trồng rừng trên các diện tích bán ngập tại các
lòng hồ.
- Dịch vụ du lịch: đầu tư các hạng mục
cần thiết để Khu di tích Quốc gia đặc biệt Căn cứ Bộ Chỉ huy quân giải phóng miền
Nam Việt Nam (Tà Thiết) thành điểm đến với sản phẩm du lịch đặc trưng. Hoàn
thành đầu tư dự án khu du lịch tâm linh Bà Rá, dự án khu du lịch sinh thái kết
hợp với phim trường Trảng cỏ Bù Lạch. Tập trung phát triển thành phố Đồng Xoài
trở thành đô thị thông minh, đô thị du lịch với các tiện ích, dịch vụ cao cấp,
điểm đến hấp dẫn đầu tiên cho chuỗi sản phẩm du lịch trong tỉnh. Đầu tư xây dựng
hạ tầng dự án khu đô thị kết hợp nghỉ dưỡng hồ Suối Cam; dự án khu đô thị mới
và công viên trung tâm Đồng Xoài;
- Dịch vụ tài chính, tín dụng, bảo hiểm:
Lãnh đạo, chỉ đạo hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh tập trung huy động và
cung ứng vốn cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển sản xuất,
kinh doanh;
- Dịch vụ viễn thông, công nghệ thông
tin: Phát triển hạ tầng viễn thông theo hướng phục vụ cho thương mại điện tử và
kinh tế số; phát triển một số doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin chủ
lực tại tỉnh để thực hiện tốt vai trò dẫn dắt về hạ tầng công nghệ, nền tảng
cho nền kinh tế số, xã hội số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư;
- Các đề tài nghiên cứu khoa học sau
khi được nghiệm thu bàn giao cho các đơn vị ứng dụng đạt 100%. Tiếp tục xây dựng
và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển doanh nghiệp
khoa học công nghệ. Nâng cao năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần
thứ 4.
c) Nâng cao hiệu quả quản lý, điều
hành của Nhà nước; xây dựng chính sách phù hợp tạo điều kiện cho phát triển
nhanh, bền vững
Tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác
thu ngân sách, phấn đấu đến năm 2025 thu ngân sách đạt 18.000 - 18.500 tỷ đồng.
Tăng cường quản lý, kiểm soát chặt chẽ chi, thực hiện tiết kiệm chi thường
xuyên, ưu tiên chi cho đầu tư phát triển và các chính sách an sinh xã hội. Tập
trung giải pháp giải ngân xây dựng cơ bản nhanh, hiệu quả.
Thực hiện đồng bộ các chính sách và
có giải pháp phù hợp để huy động các nguồn lực xã hội. Phấn đấu giai đoạn 2021
- 2025, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 185.000 tỷ đồng. Tập trung thu hút vốn
khu vực ngoài Nhà nước, vốn đầu tư nước ngoài; khuyến khích huy động nguồn vốn
đầu tư ngoài ngân sách để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội bằng các
hình thức đầu tư hợp tác công tư (PPP).
Quản lý chặt chẽ tài nguyên đất và
tài nguyên khoáng sản. Triển khai các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt, khắc
phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại bãi rác của các huyện, thị xã, thành phố;
tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm môi trường các cơ sở
sản xuất, kinh doanh, nhất là tại các khu, cụm công nghiệp, các trang trại chăn
nuôi.
Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển
doanh nghiệp, hợp tác xã, ưu tiên thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế
biến sâu, công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất theo chuỗi
giá trị. Khuyến khích hỗ trợ các mô hình hợp tác trong sản xuất kinh doanh;
nâng cao hiệu quả quỹ khởi nghiệp; mời gọi các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn đến
đầu tư tại tỉnh.
Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư
trong nước, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đối với các dự án phát triển công
nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ
cao. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân có
năng lực và chuẩn mực đạo đức, văn hóa doanh nhân trong nền kinh tế thị trường
định hướng xã hội chủ nghĩa.
3.2. Về văn hóa - xã hội
Quan tâm đầu tư các lĩnh vực xã hội
nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân để văn hóa thực sự trở thành nền
tảng tinh thần của xã hội, trong đó con người là trung tâm vừa là mục tiêu, vừa
là động lực phát triển.
a) Văn hóa, thể thao
Quản lý và sử dụng hiệu quả các thiết
chế văn hóa, thể thao. Quy hoạch, dự trữ quỹ đất để xây dựng các công trình văn
hóa, thể thao khi đủ điều kiện, ưu tiên đầu tư các công trình phục vụ thể dục,
thể thao cộng đồng và học đường. Đẩy mạnh phát triển nghệ thuật, thể thao quần
chúng. Bảo tồn các giá trị, phong tục, bản sắc văn hóa các dân tộc.
b) Giáo dục và đào tạo
Đầu tư cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất
các trường học đảm bảo đạt tiêu chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất, trang thiết bị.
Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện các cấp học, chú trọng giáo dục đạo đức
học sinh, dạy song ngữ tiếng Việt - tiếng Anh, xây dựng trường học thông minh
và duy trì phát triển các trường chuyên trung học phổ thông. Đẩy mạnh xã hội
hóa giáo dục và đào tạo; các hoạt động khuyến học, khuyến tài.
Nâng cao chất lượng đào tạo của Trường
Chính trị tỉnh, Trường Cao đẳng Bình Phước. Xây dựng Trường Cao đẳng Bình Phước
tại khu công nghiệp Becamex Bình Phước để gắn đào tạo nghề, nguồn nhân lực với
vùng trọng điểm phát triển công nghiệp.
c) Y tế
Đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng y
tế từ tỉnh đến cơ sở theo hướng chuẩn hóa và hiện đại; kiện toàn tổ chức hệ thống
ngành y theo Đề án 999 của Tỉnh ủy; triển khai hiệu quả chính sách đặc thù để
phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế, nhất là đội ngũ bác sỹ;
chú trọng thu hút và đào tạo chuyên sâu, chuyên khoa, phát triển lĩnh vực y tế
thông minh; đẩy mạnh xã hội hóa về y tế. Chủ động, tổ chức triển khai có hiệu
quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, cảnh giác cao với các loại dịch bệnh
nguy hiểm.
Tạo điều kiện thuận lợi phát triển hệ
thống y tế tư nhân, nhất là lĩnh vực khám chữa bệnh dịch vụ, đồng thời quản lý
chặt chẽ về hoạt động, chuyên môn để phục vụ người bệnh; có chính sách đặc thù
thu hút đầu tư xây dựng một số cơ sở y tế đạt tiêu chuẩn quốc tế.
d) An sinh xã hội, giải quyết việc
làm
Vận động toàn xã hội tham gia với quyết
tâm cao nhất cho công tác an sinh xã hội. Sử dụng nguồn thu từ xổ số kiến thiết
để đầu tư vào lĩnh vực an sinh xã hội. Huy động các nguồn lực cho công tác giảm
nghèo bền vững. Điều tra, rà soát, đánh giá chính xác hộ nghèo, hộ cận nghèo
hàng năm để có giải pháp phù hợp. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ trợ cấp
xã hội theo quy định của Nhà nước.
đ) Công tác dân tộc
Triển khai thực hiện phân định vùng đồng
bào dân tộc thiểu số và miền núi, xác định cụ thể địa bàn xã, thôn đặc biệt khó
khăn theo quy định. Xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình phát triển
kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 -
2030. Thực hiện có hiệu quả Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm
2011 của Chính phủ về công tác dân tộc.
3.3. Về quốc phòng - an ninh
Xây dựng quốc phòng, an ninh vững mạnh,
mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại
Xây dựng lực lượng vũ trang địa
phương tinh gọn, đủ sức chiến đấu; xây dựng khu vực phòng thủ vững toàn diện, mạnh
trọng điểm trên cơ sở củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân. Nắm và dự báo
chính xác tình hình, xử lý kịp thời, không để bị động, bất ngờ, ngăn chặn hoạt
động của các đối tượng phản động, các phần tử cực đoan, các loại tội phạm xuyên
biên giới; xử lý hiệu quả tình trạng vi phạm quy chế biên giới; bảo vệ vững chắc
chủ quyền, an ninh biên giới.
Giữ vững ổn định chính trị, trật tự
an toàn xã hội, đảm bảo an ninh kinh tế. Nâng cao chất lượng phong trào toàn
dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững mạnh. Thực
hiện đồng bộ các giải pháp nhằm kiềm chế, giảm tai nạn giao thông trên cả ba
tiêu chí.
Thực hiện đúng chủ trương, đường lối
đối ngoại của Đảng. Nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại trên cả ba kênh:
đối ngoại đảng, ngoại giao chính quyền, ngoại giao nhân dân.
Điều 2. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện;
giao Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh,
các Tổ đại biểu Hội đồng nhân tỉnh và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám
sát việc thực hiện.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân
dân tỉnh Bình Phước khóa IX, kỳ họp thứ mười bốn thông qua ngày 08 tháng 12 năm
2020 và có hiệu lực từ ngày 21 tháng 12 năm 2020./.
Nơi nhận:
- Ủy ban thường vụ Quốc
hội, Chính phủ;
- VPQH, VPCP, Bộ TC, Bộ KH và ĐT, Bộ TP (Cục KTVB);
- TTTU, TTHĐND, UBND, BTTUBMTTQVN tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Các Ban của HĐND tỉnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh;
- TTHĐND, UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Trung tâm CNTT và TT;
- LĐVP, Phòng Tổng hợp;
- Lưu: VT.
|
CHỦ
TỊCH
Huỳnh Thị Hằng
|