Nghị quyết 80/2022/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 do tỉnh Quảng Trị ban hành

Số hiệu 80/2022/NQ-HĐND
Ngày ban hành 09/12/2022
Ngày có hiệu lực 19/12/2022
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Trị
Người ký Nguyễn Đăng Quang
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 80/2022/NQ-HĐND

Quảng Trị, ngày 09 tháng 12 năm 2022

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2023

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
KHÓA VIII, KỲ HỌP THỨ 14

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 21/11/2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;

Thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg ngày 22/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2023;

Xét Báo cáo số 242/BC-UBND ngày 21/11/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2022 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh năm 2023; Báo cáo thẩm tra của các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 với các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau:

I. Mục tiêu tổng quát

Giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh. Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Quyết liệt và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất kinh doanh. Phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành và thực thi pháp luật; quyết liệt phòng chống tham nhũng, lãng phí; xây dựng bộ máy liêm chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

II. Các chỉ tiêu chủ yếu

- Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (theo GRDP) đạt 6,5-7%; trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,5-4%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 9,5-10%; khu vực dịch vụ tăng 6-6,5%.

- GRDP bình quân đầu người đạt 70 triệu đồng.

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 27.000 tỷ đồng.

- Tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 4.050 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt 3.400 tỷ đồng.

- Sản lượng lương thực có hạt đạt 26 vạn tấn.

- Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10% so với năm 2022.

- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 32.000 tỷ đồng.

- Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 72,3% (tương đương 73/101 xã).

- Tạo việc làm mới cho 12.000 lao động.

- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,66%; trong đó: lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 33%.

- Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 55%.

- Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế 95,15%.

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,0-1,5%.

- Tỷ lệ độ che phủ rừng 49,7-49,8%.

- Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 95,92%;

- Tỷ lệ dân cư thành thị được sử dụng nước sạch 95,3%.

[...]