Nghị quyết 70/NQ-HĐND năm 2021 về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 do tỉnh Quảng Nam ban hành

Số hiệu 70/NQ-HĐND
Ngày ban hành 08/12/2021
Ngày có hiệu lực 08/12/2021
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Phan Việt Cường
Lĩnh vực Đầu tư

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 70/NQ-HĐND

Quảng Nam, ngày 08 tháng 12 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ TƯ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Đầu tư công ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ các Nghị định số 40/2020/NĐ-CP ngày 6 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 12 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước;

Thực hiện Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 – 2025;

Xét Tờ trình số 8724/TTr-UBND ngày 03 tháng 12 năm 2021 và Báo cáo số 231/BC-UBND ngày 03 tháng 12 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh; Báo cáo thẩm tra số 214/BC-HĐND ngày 07 tháng 12 năm 2021 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025

1. Tổng kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 là 33.574,592 tỷ đồng (không bao gồm 03 chương trình mục tiêu Quốc gia), cụ thể như sau:

a) Vốn ngân sách địa phương 26.236,899 tỷ đồng, trong đó:

- Vốn theo tiêu chí, định mức 4.826,700 tỷ đồng.

- Nguồn thu sử dụng đất 14.290 tỷ đồng, trong đó đưa vào cân đối đầu tư 10.175 tỷ đồng.

- Nguồn xổ số kiến thiết 540 tỷ đồng.

- Nguồn vượt thu, tăng thu, tiết kiệm chi 4.000 tỷ đồng.

- Nguồn bội chi ngân sách địa phương 2.427,898 tỷ đồng.

- Nguồn vốn khác giao cho địa phương 152,301 tỷ đồng.

b) Vốn ngân sách trung ương 7.337,693 tỷ đồng (chưa bao gồm 03 chương trình mục tiêu Quốc gia), trong đó:

- Vốn trong nước đầu tư theo ngành, lĩnh vực 5.676,969 tỷ đồng.

- Vốn nước ngoài ngân sách trung ương cấp phát 1.660,724 tỷ đồng.

2. Nguyên tắc phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025

a) Tuân thủ Luật Đầu tư công 2019, Luật Ngân sách nhà nước; Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025; Quyết định số 26/2020/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị quyết số 973/2020/UBTVQH14 ngày 08 tháng 7 năm 2020; Nghị quyết số 11/2020/NQ-HĐND ngày 20 tháng 11 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi đầu tư phát triển nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 12/2020/NQ-HĐND ngày 20 tháng 11 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định phân cấp nhiệm vụ chi đầu tư phát triển giữa ngân sách cấp tỉnh và ngân sách cấp huyện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

b) Phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác, của từng ngành, lĩnh vực và địa phương.

c) Phân bổ vốn đầu tư tập trung, không phân tán, dàn trải, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Chỉ giao kế hoạch vốn đối với các dự án đã đủ thủ tục đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Luật Đầu tư công và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

d) Phân bổ vốn hợp lý cho các ngành, vùng miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các vùng khó khăn, góp phần thu hẹp dần khoảng cách về trình độ phát triển kinh tế, thu nhập và mức sống của dân cư giữa các vùng, miền trong tỉnh.

[...]