Nghị quyết 23/2021/NQ-HĐND quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư miền núi tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2021-2025

Số hiệu 23/2021/NQ-HĐND
Ngày ban hành 22/07/2021
Ngày có hiệu lực 02/08/2021
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Phan Việt Cường
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/2021/NQ-HĐND

Quảng Nam, ngày 22 tháng 7 năm 2021

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ SẮP XẾP, ỔN ĐỊNH DÂN CƯ MIỀN NÚI QUẢNG NAM, GIAI ĐOẠN 2021-2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ HAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Xét Tờ trình số 4311/TTr-UBND ngày 14 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về đề nghị thông qua Đề án và ban hành Nghị quyết Quy định cơ chế hỗ trợ sắp xếp dân cư vùng miền núi Quảng Nam giai đoạn 2021-2025; Báo cáo thẩm tra số 99/BC-HĐND ngày 21 tháng 7 năm 2021 của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định cơ chế, chính sách hỗ trợ sắp xếp, ổn định dân cư trên địa bàn 9 huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021-2025, gồm các huyện: Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Hộ gia đình cần phải di dời, bố trí dân cư để ổn định lâu dài (gọi tắt là hộ di dời chỗ ở), bao gồm:

a) Hộ gia đình vùng thiên tai cần phải di dời (gồm: Hộ gia đình mất nhà ở, đất ở do sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, sụt lún đất; hộ gia đình sống ở vùng có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, lũ ống, ngập lũ nguy hiểm).

b) Hộ gia đình sống trong các khu vực bảo vệ của rừng phòng hộ, rừng đặc dụng.

c) Hộ gia đình ở vùng đặc biệt khó khăn (gồm: Hộ gia đình sống phân tán; hộ gia đình sống ở các khu vực xa xôi, hẻo lánh không có điều kiện để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, không đảm bảo điều kiện phát triển sản xuất, ổn định đời sống).

2. Hộ gia đình di dời nhà ở tại chỗ để chia sẻ đất ở cho hộ gia đình thuộc khoản 1 Điều này (gọi tắt là hộ chỉnh trang tại chỗ).

Điều 3. Mục tiêu sắp xếp, ổn định dân cư

1. Mục tiêu chung:

Tập trung ưu tiên bố trí, sắp xếp dân cư, ổn định sản xuất gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới và các quy hoạch khác nhằm phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra; ổn định chỗ ở, tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, cải thiện sinh kế, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và an sinh xã hội khu vực miền núi.

Đến hết năm 2025, cơ bản hoàn thành sắp xếp, ổn định dân cư trên địa bàn các huyện miền núi của tỉnh.

2. Mục tiêu cụ thể:

Giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện sắp xếp, ổn định dân cư cho 7.821 hộ, bao gồm: 2.358 hộ dân vùng thiên tai và cư trú trong khu vực bảo vệ của rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; 5.463 hộ dân vùng đặc biệt khó khăn. Trong đó:

a) Giai đoạn 2021 - 2022: Thực hiện hỗ trợ cho 2.358 hộ, gồm: 2.333 hộ dân vùng thiên tai và 25 hộ dân cư trú trong khu vực bảo vệ của rừng đặc dụng, rừng phòng hộ.

b) Giai đoạn 2023 - 2025: Thực hiện hỗ trợ cho 5.463 hộ dân vùng đặc biệt khó khăn.

Điều 4. Nguyên tắc thực hiện, điều kiện hỗ trợ và các trường hợp không được hỗ trợ

1. Nguyên tắc thực hiện:

a) Sắp xếp, bố trí dân cư phải gắn với đất sản xuất, phù hợp quy hoạch xây dựng nông thôn mới và các quy hoạch khác trên địa bàn. Ưu tiên bố trí ổn định dân cư để khắc phục, phòng, tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai, trong đó các hộ mất nhà ở, chỗ ở và các hộ có nguy cơ cao hơn được ưu tiên thực hiện trước.

b) Sắp xếp, ổn định dân cư phải trên cơ sở nguyện vọng và sự đồng thuận của người dân, cộng đồng dân cư, phù hợp với phong tục, tập quán sinh hoạt, sản xuất của người dân địa phương, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo điều kiện kết cấu hạ tầng thiết yếu, an sinh xã hội, quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái.

[...]