Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Nghị quyết 136/2015/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh 5 năm, giai đoạn 2016 - 2020 tỉnh Lai Châu

Số hiệu 136/2015/NQ-HĐND
Ngày ban hành 11/12/2015
Ngày có hiệu lực 21/12/2015
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Tỉnh Lai Châu
Người ký Giàng Páo Mỷ
Lĩnh vực Thương mại,Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH LAI CHÂU
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:136/2015/NQ-HĐND

Lai Châu, ngày 11 tháng 12 năm 2015

KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, ĐẢM BẢO QUỐC PHÒNG - AN NINH 5 NĂM, GIAI ĐOẠN 2016 – 2020

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Quyết định số 240/QĐ-TTg ngày 28 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Quy hoạch tổng thể kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu đến năm 2020;

Sau khi xem xét Tờ trình số 1809/TTr-UBND ngày 30/11/2015 của UBND tỉnh về việc thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2016 - 2020; Báo cáo thẩm tra số: 374/BC-HĐND ngày 02 tháng 12 năm 2015 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Nhất trí thông qua kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh 5 năm, giai đoạn 2016 – 2020 tỉnh Lai Châu với nội dung chủ yếu sau:

I. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT VÀ CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

1. Mục tiêu tổng quát

Tiếp tục nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội; khai thác hiệu quả, hợp lý tiềm năng, lợi thế để phát triển các ngành kinh tế, trọng tâm là phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chú trọng công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội. Tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, bảo đảm giữ gìn biên giới ổn định, hòa bình, hữu nghị, kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; mở rộng, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại. Phát triển toàn diện, nhanh và bền vững, đưa Lai Châu thành tỉnh trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020

(1). Tốc độ tăng trưởng GRDP: trên 10%/năm. Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp, thủy sản: 20%; công nghiệp, xây dựng: 38%; dịch vụ: 42%. GRDP bình quân đầu người: 40 triệu đồng.

(2). Tổng sản lượng lương thực có hạt: trên 200.000 tấn; diện tích cây chè: trên 4.500 ha; tỷ lệ che phủ rừng: trên 50%; 35-40% xã đạt chuẩn nông thôn mới.

(3). Thu ngân sách trên địa bàn: trên 2.000 tỷ đồng.

(4). Kim ngạch xuất nhập khẩu tăng bình quân: trên 10%/năm; giá trị xuất khẩu hàng địa phương tăng bình quân: trên 7%/năm.

(5). 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, mặt đường được cứng hóa; trên 90% thôn, bản có đường xe máy, ô tô đi lại thuận lợi; trên 95% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; trên 95% dân số đô thị được sử dụng nước sạch; trên 85% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.

(6). Giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tỷ lệ trường chuẩn quốc gia các cấp học: Mầm non: 37%, Tiểu học: 44%, Trung học cơ sở: 33%, Trung học phổ thông: 39%.

(7). Trên 70% xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế; 12 bác sỹ/1vạn dân; tỷ lệ tăng dân số tự nhiên: 17,43‰; tỷ lệ giảm sinh bình quân: 0,5‰/năm; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng: dưới 20%.

(8). Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân: 3-4%/năm; giải quyết việc làm mới cho lao động trong độ tuổi: trên 7.000 lao động/năm; đào tạo nghề: trên 6.000 lao động/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo: trên 50%.

(9). 85% hộ gia đình, 65% thôn, bản, khu phố, 95% cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn văn hóa.

II. NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

1. Phát triển kinh tế

1.1. Phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản và xây dựng nông thôn mới:

Đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp; thu hút doanh nghiệp đầu tư, tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, vật nuôi, hướng tới sản xuất hàng hóa. Nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp – lâm nghiệp, đảm bảo an ninh lương thực, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới. Mở rộng thâm canh, tăng vụ, đưa giống lúa có chất lượng cao vào sản xuất, xây dựng các vùng sản xuất lúa hàng hóa có thương hiệu gạo đặc sản địa phương. Đến năm 2020, tăng thêm 2.000 ha diện tích lúa hai vụ, có 29.000 tấn lúa hàng hóa. Đẩy mạnh thâm canh, mở rộng diện tích trồng và tăng năng suất cây ngô, phấn đấu sản lượng đạt 78.000 tấn vào năm 2020. Đến năm 2020, tổng sản lượng lương thực đạt 200 nghìn tấn. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân trên 5,8%/năm.

Tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu chè tập trung, đến năm 2020 diện tích chè đạt trên 4.500 ha; đổi mới công nghệ chế biến và mẫu mã sản phẩm gắn với xây dựng, đăng ký thương hiệu và chỉ dẫn địa lý chè chất lượng cao. Phát triển cao su đại điền theo quy hoạch, đến năm 2020 diện tích cao su đạt 15.000 ha; tăng cường công tác quản lý, chăm sóc diện tích cao su hiện có, tăng cường các giải pháp phát triển sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho công nhân cao su; xây dựng một số nhà máy chế biến mủ cao su có công nghệ tiên tiến, đảm bảo môi trường.

Tập trung nâng cao tỷ trọng ngành chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp, phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai để phát triển mạnh đàn trâu, bò. Thực hiện đồng bộ các biện pháp kỹ thuật về phòng, chống rét và dịch bệnh. Tạo điều kiện thuận lợi để người dân và doanh nghiệp liên kết đầu tư phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Phát triển thuỷ sản, cá nước lạnh theo quy hoạch; khai thác có hiệu quả các lòng hồ thủy điện, phát triển nuôi trồng thủy sản.

Tập trung bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh và trồng mới rừng gắn với việc thực hiện tốt chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. Trồng rừng mới: trên 6.855 ha.

Tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn gắn với bảo vệ môi trường, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Phấn đấu đến năm 2020, có 38 xã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới, bình quân các xã đạt 15,5 tiêu chí.

1.2. Phát triển công nghiệp – xây dựng:

[...]