Nghị quyết 11/2012/NQ-HĐND thông qua Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 11/2012/NQ-HĐND
Ngày ban hành 13/07/2012
Ngày có hiệu lực 23/07/2012
Loại văn bản Nghị quyết
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Ngô Thị Doãn Thanh
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2012/NQ-HĐND

Hà Nội, ngày 13 tháng 07 năm 2012

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC THÔNG QUA QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VĂN HÓA HÀ NỘI ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ 5

(Từ ngày 10/7/2012 đến ngày 13/7/2012)

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Xét Tờ trình số 40/TTr-UBND, ngày 18/6/2012 của UBND thành phố Hà Nội về việc thông qua Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa - Xã hội, Báo cáo giải trình số 102/BC-UBND ngày 9/7/2012; ý kiến thảo luận của các đại biểu HĐND Thành phố,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Thông qua Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu của qui hoạch

a. Mục tiêu chung

Xây dựng văn hóa Hà Nội xứng tầm với vị thế là Thủ đô, trung tâm văn hóa hàng đầu của cả nước, là địa phương tiêu biểu về lối sống và phong cách ứng xử văn hóa, vừa tiên tiến, hiện đại về nội dung, vừa phong phú, đa dạng về bản sắc dân tộc. Xây dựng Thành phố vì hoà bình, xanh - sạch - đẹp với không gian văn hóa và các công trình văn hóa kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, mang đậm bản sắc Thăng Long - Hà Nội, tiêu biểu cho giá trị văn hóa của dân tộc; đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại.

b. Mục tiêu cụ thể

- Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng động sáng tạo, tuân thủ pháp luật, có ý thức cộng đồng, có lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, có lối sống văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội; làm cho văn hóa trở thành nhân tố thúc đẩy con người tự hoàn thiện nhân cách, thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội; gắn kết văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa với hình thành nhân cách của công dân Thủ đô. Tạo môi trường văn hóa lành mạnh để con người phát triển hài hòa, toàn diện, đáp ứng được những yêu cầu của một xã hội văn minh, hiện đại.

- Bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị tốt đẹp, sự phong phú, đa dạng và bản sắc dân tộc của văn hóa Thăng Long; tập trung xây dựng những giá trị văn hóa mới đi đôi với mở rộng và chủ động, tiếp nhận có chọn lọc tinh hoa văn hóa thế giới, làm phong phú thêm văn hóa Thăng Long.

- Phát huy và khai thác tiềm năng sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân, của trí thức, văn nghệ sĩ; đào tạo tài năng văn hóa - nghệ thuật, đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa từ thành phố đến cơ sở; có nhiều sản phẩm văn hóa - nghệ thuật chất lượng cao, phản ảnh được cuộc sống chân thực và sôi động của Thủ đô, xứng tầm với vị thế của trung tâm văn hóa lớn của cả nước, của quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của Thủ đô.

- Nâng cao mức hưởng thụ và tham gia hoạt động, sáng tạo văn hóa của các tầng lớp nhân dân; phấn đấu từng bước thu hẹp sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa - nghệ thuật giữa thành thị và nông thôn, đặc biệt các xã miền núi; chú trọng xây dựng các câu lạc bộ, các điểm sinh hoạt văn hóa tại các khu đô thị mới, khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố.

- Coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho con người, cho phát triển bền vững; mở rộng xã hội hóa hoạt động văn hóa, hình thành các doanh nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, gắn kết du lịch, dịch vụ với văn hóa, tạo điều kiện để Hà Nội trở thành một trong những địa bàn phát triển các ngành dịch vụ văn hóa.

2. Nội dung quy hoạch

a. Định hướng xây dựng lối sống, đời sống và môi trường văn hóa

- Đến năm 2015, phấn đấu 85% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa; đến năm 2020, đạt tỷ lệ 86 - 88%.

- Đến năm 2015, phấn đấu 55% làng, thôn, bản được công nhận và giữ vững danh hiệu làng, thôn, bản văn hóa; đến năm 2020, đạt tỷ lệ từ 60 - 62%.

- Đến năm 2015, phấn đấu 65% tổ dân phố được công nhận và giữ vững danh hiệu tổ dân phố văn hóa; đến năm 2020, đạt tỷ lệ 70 - 72%.

- Đến năm 2015, phấn đấu 60% số đơn vị được công nhận và giữ vững danh hiệu đơn vị văn hóa; đến năm 2020, đạt tỷ lệ 70 - 72%.

- Đến năm 2015, phấn đấu 45% người dân trở lên tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ thường xuyên. Đến năm 2020, đạt tỷ lệ trên 55%.

- Đến năm 2015, phấn đấu 70% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa. Đến năm 2020, đạt tỷ lệ 75-80%.

b. Quy hoạch hệ thống bảo tàng

- Đến năm 2015, hoàn thành công tác sưu tập và trưng bày hiện vật trong Bảo tàng Hà Nội. Mở rộng các hoạt động của bảo tàng, kết hợp giữa trưng bày hiện vật tĩnh với sinh hoạt văn hóa minh họa, hội thảo, tổ chức các sự kiện văn hóa, biểu diễn nghệ thuật truyền thống trong Bảo tàng.

- Bổ sung nguồn nhân lực và các thiết bị kỹ thuật hiện đại nhằm bảo quản hiện vật, phục vụ công tác sưu tầm, khai thác và nghiên cứu.

[...]